Phẫu thuật cứu sản phụ bị rối loạn nhịp tim hiếm gặp
Sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ sinh bị block nhĩ thất độ 3 hiếm gặp, nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ trụy mạch và ngưng tim rất cao.
Sáng 15-1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết nơi đây vừa phẫu thuật lấy con thành công cho một sản phụ mắc bệnh rối loạn nhịp tim chậm mức độ nặng.
Trước đó, sản phụ Nguyển Thị Thúy Anh (25 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) nhập viện trong tình trạng thai 39 tuần 2 ngày, có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ bị block nhĩ thất độ III, nhịp tim chậm (40-48 lần/phút).
Nhận định đây là trường hợp có bệnh phối hợp phức tạp nên các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn bệnh viện với các chuyên khoa. Chỉ định phẫu thuật cấp cứu với điều kiện bắt buộc đặt máy tạo nhịp tạm thời trước để đảm bảo an toàn.
Theo BS CKII Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, block nhĩ thất độ 3 là mức độ cao nhất trong các rối loạn dẫn truyền nhịp tim. Điều này làm cho tim không thể bóp đủ tần số nhằm cung cấp đủ máu đến các cơ quan khác, dễ dẫn đến ngất và tử vong.
Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh nhân có nguy cơ bị đột tử ngưng tim bất cứ lúc nào. Trường hợp của sản phụ Anh có nguy cơ trụy mạch và ngưng tim trên bàn mổ rất cao.
Sau khi thực hiện đặt máy tạo nhịp tạm thời, nhịp tim bệnh nhân tăng lên 60 lần/phút, đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật. Ngay sau đó, êkíp đã tiến hành phẫu thuật cho sản phụ và lấy ra thành công bé trai nặng 2,6 kg.
Theo BS CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm tim mạch BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, block nhĩ thất độ 3 là một dạng rối loạn nhịp hiếm gặp và khởi phát block nhĩ thất độ 3 trong thai kỳ lại càng hiếm gặp.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp là mệt mỏi, nặng đầu, đau đầu, đánh trống ngực, khó thở và ngất. Nếu bệnh nhân có thai có thể bị sẩy thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh cho thai, tăng nguy cơ tử vong khi chuyển dạ cho cả mẹ và con.
Đáng chú ý, có gần 1/3 người bị block nhĩ thất độ 3 không có triệu chứng lâm sàng, dẫn đến việc bệnh nhân không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán trễ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/phau-thuat-cuu-san-phu-bi-roi-loan-nhip-tim-hiem-gap-883974.html