Phẫu thuật tạo hình vi phẫu thành công bảo tồn bàn tay cho bệnh nhân ung thư hiếm gặp

Sau 9 năm chẩn đoán nhầm và điều trị không hiệu quả, bệnh nhân nữ 23 tuổi mắc sarcoma bao hoạt dịch đã được phẫu thuật thành công, tránh được nguy cơ cắt cụt tay nhờ kỹ thuật vi phẫu tiên tiến.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Tiền sử bệnh của bệnh nhân N.T.P (nữ, 23 tuổi đến từ Hà Nội) kéo dài hơn 9 năm với chẩn đoán nhầm và điều trị không hiệu quả. Ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm khớp và điều trị nội khoa nhưng không cải thiện. Năm 2023, bệnh nhân đã trải qua hai lần phẫu thuật bóc tách khối u tại hai cơ sở y tế khác nhau, kết quả giải phẫu bệnh xác định là sarcoma bao hoạt dịch. Tuy nhiên, do không tiếp tục điều trị chuyên sâu, đến tháng 10/2024, khối u tái phát nhanh chóng và lan rộng.

Tại thời điểm nhập viện, tình trạng bệnh nhân đã rất nghiêm trọng. Khối u lan khắp mặt trước cổ tay, kéo dài ra hai bên, tiến sát khuỷu tay với kích thước lớn (khoảng 12-13 cm chiều dài, gần 8 cm chiều ngang và độ dày 5-7 cm). Bệnh nhân bị liệt hoàn toàn dây thần kinh giữa, khiến mất cảm giác và vận động ở một số ngón tay, đồng thời mất mạch quay - một trong hai động mạch chính nuôi bàn tay.

TS.BS Dương Mạnh Chiến, chuyên gia phẫu thuật tạo hình và vi phẫu, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết: "Với tổn thương rộng như vậy, phương án cổ điển sẽ là cắt cụt tay. Tuy nhiên, bệnh nhân còn rất trẻ nên mục tiêu hàng đầu là bảo tồn chức năng".

Quyết định bảo tồn bàn tay cho bệnh nhân, ê-kíp phẫu thuật đã phải cắt rộng toàn bộ khối u và kiểm tra diện cắt trong mổ để đảm bảo loại bỏ triệt để tế bào ung thư. Do khối u đã xâm lấn hoàn toàn động mạch quay và thần kinh giữa, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ cả hai cấu trúc này nhằm giảm nguy cơ tái phát.

Sau khi khối u được loại bỏ, phần mềm mặt trước vùng cổ tay bị khuyết hoàn toàn, để hở gân, thần kinh, mạch máu và xương quay. Mặt sau cổ tay chỉ còn lại một mảnh da nhỏ khoảng 2-3 cm. Để khắc phục tình trạng này, ê-kíp đã áp dụng kỹ thuật vi phẫu tiên tiến, sử dụng vạt da đùi ngoài trước gồm ba lớp: da, mỡ và gân để che phủ toàn bộ vùng khuyết. Mạch máu từ vạt được nối vi phẫu với hệ mạch cổ tay để nuôi sống mô ghép. Đặc biệt, lớp gân được thiết kế phủ lên gân và xương nhằm hạn chế dính, hỗ trợ cải thiện vận động về sau.

Do bao khớp cổ tay bị phá hủy dẫn đến mất vững khớp, các bác sĩ đã phải cố định bằng hai đinh xuyên. Dự kiến sau phẫu thuật, cổ tay sẽ không thể gập - duỗi, nhưng các ngón tay vẫn có thể vận động, giúp bảo tồn tối đa chức năng bàn tay cho bệnh nhân.

Sau hơn 10 ngày hậu phẫu, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, vạt ghép sống tốt và không có dấu hiệu hoại tử. Vết mổ đã được khâu lại theo hướng thẩm mỹ. Sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ tiếp tục được hội chẩn chuyên khoa ung bướu để đánh giá chỉ định điều trị bổ trợ bằng xạ trị nếu cần thiết.

Sarcoma bao hoạt dịch là một thể hiếm của ung thư mô liên kết, có đặc tính xâm lấn tại chỗ mạnh và có thể di căn xa, đặc biệt là lên phổi. May mắn trong trường hợp này, kết quả chụp phim toàn thân và siêu âm hạch trước mổ chưa ghi nhận tổn thương di căn.

TS.BS Dương Mạnh Chiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và điều trị đúng ngay từ đầu: "Nếu phẫu thuật triệt căn được thực hiện khi khối u còn nhỏ, chúng tôi hoàn toàn có thể bảo tồn được thần kinh, mạch máu và khớp cổ tay." Ông cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan với các khối u phần mềm dù nhỏ và không đau, cần thăm khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên sâu để được xử lý kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng hoặc di căn muộn khó kiểm soát.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phau-thuat-tao-hinh-vi-phau-thanh-cong-bao-ton-ban-tay-cho-benh-nhan-ung-thu-hiem-gap-419225.html