Phẫu thuật thẩm mỹ: Tai nạn từ các 'bác sĩ tay ngang'?

Những năm gần đây, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở nên phổ biến và không còn xa lạ với nhiều người. Dẫu biết làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng cái giá đánh đổi để có sắc đẹp lý tưởng đôi khi quá đắt.

Liên tiếp trong vài ngày vừa qua đã xảy ra 2 ca tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ. Đây một lần nữa là hồi chuông cảnh báo nhiều người muốn can thiệp dao kéo thận trọng hơn trong việc lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín trong dịch vụ làm đẹp.

Cái giá đắt vì làm đẹp

Sự việc chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội) tử vong vì nâng mũi đang khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa. Trước đó, ngày 18/3, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay đang điều tra vụ việc chị P.T.D.H. tử vong sau 2 tháng hôn mê vì phẫu thuật thẩm mỹ.

Chị P.T.D.H. đến cơ sở thẩm mỹ tại ngõ 147A Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) được bạn giới thiệu để nâng mũi từ ngày 14/1. Một ngày sau, gia đình nạn nhân nhận được thông tin của Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu đến bệnh viện để trao đổi trực tiếp gấp vì sức khỏe của H. rất nguy kịch.

Lúc này các bác sĩ thông báo chị H. đang hôn mê, tình trạng nguy kịch, chỉ có 20% cơ hội sống sót.

Địa điểm chị H. đến nâng mũi ở Hà Nội.

Địa điểm chị H. đến nâng mũi ở Hà Nội.

Sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai không có tiến triển, ngày 25/2, gia đình đã đưa chị H. về Bệnh viện Đa khoa Long An để tiếp tục điều trị. Sau hơn 2 tháng hôn mê, nguy kịch, đến tối 16/3, chị H. đã tử vong.

Cũng trong ngày 18/3, một sự việc đau lòng khác cũng xảy ra ở TP Hồ Chí Minh. Một phụ nữ đã tử vong sau khi nâng ngực tại một bệnh viện lớn.

Chị N.T.N.N. (33 tuổi, quê Đồng Tháp) nhập viện để phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A khoảng 11h30 ngày 18/3. Tới khoảng 15h cùng ngày, do chờ quá lâu mà chưa hay tin gì về kết quả của chị N. nên người nhà của chị đã hỏi nhân viên y tế và được cho biết, bệnh nhân gây mê chưa tỉnh nên chưa cho gặp được.

Một lúc lâu sau, bệnh viện vẫn không thông báo tình trạng bệnh nhân cũng như chưa cho gặp chị N. Lo lắng và nghi ngờ, người thân chị N. đã tự đi tìm và phát hiện được nơi chị N. đang nằm. Tuy nhiên, chị đã trong tình trạng tử vong từ trước lúc tìm thấy.

Theo người nhà chị N., bệnh nhân có tiền sử bị hen suyễn, vừa khỏi Covid-19 khoảng 3 tháng, huyết áp thấp. Tuy nhiên, bác sĩ Bệnh viện 1A đã khám và khẳng định đủ điều kiện phẫu thuật.

Đây không phải là những trường hợp đầu tiên tử vong khi đi phẫu thuật làm đẹp. Còn nhớ vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường xảy ra vào tháng 10/2013 gây rúng động và xôn xao dư luận trong suốt một thời gian dài. Nạn nhân là chị L.T.T.H. (37 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã tử vong sau khi hút mỡ bụng, nâng ngực tại cơ sở thẩm mỹ này.

Nghiêm trọng hơn là chủ cơ sở thẩm mỹ cũng là bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho nạn nhân sau đó, đã đưa thi thể chị H. lên cầu Thanh Trì, ném xuống sông Hồng phi tang. Ba ngày sau, bác sĩ này bị bắt nhưng đến 9 tháng sau, xác nạn nhân mới được tìm thấy.

Mất an toàn ở các cơ sở thẩm mỹ chui

Cái giá đắt do phẫu thuật thẩm mỹ đã được cảnh báo từ lâu nhưng những tai nạn đau lòng vẫn cứ liên tiếp xảy ra với nhiều người. Đáng nói là, không ít chị em vẫn liều mình làm đẹp ở những cơ sở thẩm mỹ “chui”, không được cấp phép hoạt động.

Trở lại trường hợp bệnh nhân H. tử vong vì nâng mũi nêu trên, lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định cơ sở thẩm mỹ nơi thực hiện phẫu thuật nâng mũi cho chị H. hoạt động không phép.

Cơ sở nâng mũi cho nạn nhân là ngôi nhà biệt thự liền kề, không có biển quảng cáo và được xác định là nhà riêng chứ không phải cơ sở thẩm mỹ. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

Nơi được cho là phòng phẫu thuật nâng ngực cho bệnh nhân N.. Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp.

Nơi được cho là phòng phẫu thuật nâng ngực cho bệnh nhân N.. Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp.

Trước nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng của người dân, thời gian qua, các cơ sở thẩm mỹ ngày càng mọc lên như “nấm sau mưa”. Chị Nguyễn L., nhân viên quản lý tại một hệ thống thẩm mỹ có tiếng tại Hà Nội cho hay, hiện nay, các cơ sở thẩm mỹ “chui” thường sử dụng bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo chị L., hành vi không có chứng chỉ nhưng vẫn hành nghề hoặc đi thuê mướn chứng chỉ đã xuất hiện khá phổ biến từ lâu ở một số cơ sở thẩm mỹ, gây nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng các dịch vụ làm đẹp.

Về vấn đề này, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, trong phẫu thuật nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng, chỉ cần lơ là một chút là tai biến luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đấy là lý do vì sao mà các bác sĩ phải được đào tạo rất bài bản mới có thể tiến hành phẫu thuật trên bệnh nhân.

Bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, phòng phẫu thuật, trang thiết bị vật tư trong quá trình phẫu thuật cũng cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, với nhiều năm kinh nghiệm làm thẩm mỹ, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn nhận thấy tình trạng hiện nay các thẩm mỹ viện chui không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị mọc lên tràn lan.

Điều này dẫn tới tình trạng “bác sĩ tay ngang” ngày một tăng, từ thợ cắt tóc, gội đầu hay thợ làm nail, phun xăm, spa chỉ sau một vài khóa học ngắn hạn là có thể tự xưng là bác sĩ.

Để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra khi đi làm đẹp, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn khuyến cáo, người dân không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo, giới thiệu mà hãy tìm hiểu kỹ về cơ sở mình sẽ đến làm đẹp để đưa ra quyết định "chọn mặt gửi vàng".

Dẫu biết tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ nhưng việc liên tiếp xảy ra 2 trường hợp tử vong trong những ngày qua không chỉ là hồi chuông cảnh báo cho những người có nhu cầu làm đẹp mà còn cho thấy lỗ hổng trong việc quản lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ.

Cơ quan quản lý ở đâu, việc quản lý các cơ sở thẩm này được thực hiện ra sao đang là câu hỏi được đặt ra.

Trong bối cảnh hiện nay, sau khoảng thời gian dài giãn cách, nhiều người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, nhu cầu làm đẹp bắt đầu tăng lên. TS. BS Hoàng Thanh Tuấn thông tin, theo Hội gây mê Hoa Kỳ (ASA), với những cựu F0 chỉ đi làm phẫu thuật thẩm mỹ (đại phẫu thuật) sau khi: khỏi bệnh 4 tuần với những F0 không triệu chứng; ngoài 6 tuần với F0 có triệu chứng; ngoài 8 tuần với F0 phải nằm viện; ngoài 12 tuần với F0 phải chăm sóc tích cực.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phau-thuat-tham-my-tai-nan-tu-cac-bac-si-tay-ngang-5682429.html