Phẫu thuật thành công són tiểu và điều trị táo bón do sa trực tràng
Các bác sĩ BVĐK tỉnh Thanh Hóa vừa phẫu thuật thành công cho 2 ca bệnh: Điều trị són tiểu bằng mô tự thân và điều trị táo bón do sa trực tràng kiểu túi bằng phương pháp khâu treo túi sa trực tràng với sự hỗ trợ từ chuyên gia đến từ TP.HCM.
Được sự hỗ trợ của các các chuyên gia Hội Sàn chậu – TP. Hồ Chí Minh, BVĐK tỉnh Thanh Hóa vừa phẫu thuật thành công cho hai ca bệnh: Điều trị són tiểu bằng mô tự thân và điều trị táo bón do sa trực tràng kiểu túi bằng phương pháp khâu treo túi sa trực tràng
Theo đó, bệnh nhân N. T. C. (SN 1958), trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh nhập viện với triệu chứng són tiểu. Theo lời kể của bệnh nhân, gần 2 tháng trở lại đây, bệnh nhân thấy biểu hiện bệnh rõ rệt ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh như mỗi lần cười, ho, gắng sức thì nước tiểu tự ra, không kiểm soát được.
Qua thăm khám, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp 1, BVĐK tỉnh Thanh hóa chẩn đoán bệnh nhân bị són tiểu và sa bàng quang. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật điều trị són tiểu bằng mô tự thân.
Theo BSCKII. Phạm Gia Thành – Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp: "Són tiểu hay còn gọi là tiểu không kiểm soát khi gắng sức thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là ở lứa tuổi trung niên, phụ nữ sinh đẻ nhiều. Bệnh lý ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày, giao tiếp xã hội và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân thường âm thầm chịu đựng do ngại đi khám và điều trị.
Hiện nay có 2 phương pháp điều trị són tiểu: Điều trị són tiểu bằng phương pháp nâng đỡ niệu đạo bằng các vật liệu nhân tạo và Điều trị nâng đỡ niệu đạo bằng mô tự thân. Tuy nhiên, khi dùng vật liệu nhân tạo (lưới) thì khá nhiều biến chứng do mảnh ghép như bào mòn, nhiễm trùng, đau khi giao hợp, đau ở đùi.
Còn điều trị són tiểu bằng mô tự thân là một lựa chọn với nhiều ưu điểm, tỷ lệ thành công cao, không có các biến chứng của mảnh ghép nhân tạo, giảm chi phí trong điều trị. Sau phẫu thuật 02 ngày, bệnh nhân tự vận động, ăn uống bình thường. Tiểu tiện đã tự chủ và có thể trở lại cuộc sống thường ngày".
Ca bệnh thứ 2 là bệnh nhân H. T. D. (SN 1967), trú tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa nhập viện với biểu hiện như: Táo bón, đại tiện cảm giác không hết phân, kèm theo khó chịu mỗi lần đi đại tiện làm cho người bệnh không dám ăn vì vậy mỗi lần đi đại tiện bệnh nhân phải gắng sức. Bệnh nhân từng khám và điều trị tại nhiều cơ sở y tế và đã được chỉ định phẫu thuật cắt trĩ nhưng kết quả không được cải thiện và tình trạng bệnh ngày càng trở nên xấu đi.
Qua thăm khám kỹ lưỡng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán sa trực tràng kiểu túi kèm theo sa niêm trực tràng và đã được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp khâu treo sửa chữa túi sa.
Sau 7 ngày theo dõi và điều trị theo phác đồ, cả hai bệnh nhân trên đã hồi phục hoàn toàn, các biểu hiện lâm sàng được cải thiện rõ rệt, ăn uống, tiểu tiện bình thường đủ điều kiện xuất viện vào ngày 22/12/2022.
BSCKII. Phạm Gia Thành cho biết thêm: Thông thường, ít khi bệnh nhân bị riêng rẽ các bệnh lý sàn chậu. Khi són tiểu thường kèm theo sa bàng quang, âm đạo, tử cung hay kèm theo sa trực tràng.
Chị em phụ nữ khi mắc bệnh lý vùng tầng sinh môn không nên ngần ngại đi khám bởi vì nếu phát hiện sớm bệnh sẽ giúp thầy thuốc có phương pháp điều trị tối ưu nhất, hạn chế rủi ro và các biến chứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.