Phẫu thuật triệt căn cho bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa
Ung thư đường tiêu hóa đang ngày một gia tăng và trẻ hóa, phẫu thuật robot với hình ảnh trường mổ 3D độ phân giải cao, giúp lấy được tổ chức ung thư triệt căn, triệt để nhất có thể, mang lại nhiều hy vọng cho người bệnh.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K tại bên lề Hội thảo khoa học "Điều gì có thể làm tốt hơn cho bệnh nhân ung thư tiêu hóa: Từ phẫu thuật nội soi nâng cao đến phẫu thuật robot" ngày 5/1 tại Bệnh viện K
Trong khuôn khổ diễn ra hội thảo, các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật cho cụ bà T.T.L (71 tuổi, Nam Định). Hai năm nay, bà L thường xuyên đau bụng thượng vị, gần đây cơn đau tăng tăng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
Kết quả nội soi và giải phẫu bệnh bà chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn cT1NoMo. Bệnh nhân đã được các chuyên gia hội chuẩn và thực hiện phẫu thuật nội soi robot cắt gần toàn bộ dạ dày, nạo vét hạch.
Cũng đau bụng âm ỉ hạ sườn trái 1 tháng nay, thỉnh thoảng có cơn đau quặn, nữ bệnh nhân 53 tuổi (Hà Giang) đi khám, kết quả được chẩn đoán ung thư đại tràng trái cT4aN1Mo. Bệnh nhân được ekip bác sỹ thực hiện phẫu thuật nội soi 3 D cắt đại tràng trái, vét hạch.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, đây là 2/6 ca ung thư đường tiêu hóa được các bác sĩ Bệnh viện K cùng GS Rasa Zarnegar - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật robot, Đại học Y khoa Weill Cornell New York thực hiện phẫu thuật robot thành công trong khuôn khổ hội thảo.
Hai chuyên gia đầu ngành đã cùng trao đổi và hội chẩn các ca bệnh ung thư dạ dày, đại trực tràng, thực quản ... với các chuyên gia, bác sĩ bệnh viện để đưa ra phương án điều trị tốt nhất, mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh.
Theo PGS Bình, phẫu thuật robot điều trị ung thư đường tiêu hóa có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường.
Nhờ phẫu thuật robot, các kỹ thuật viên có thể quan sát rõ nét, các cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện thao tác chính xác. Phương pháp phẫu thuật robot có nhiều ưu điểm vượt trội rõ ràng như đảm bảo thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu.
"Với phương pháp này cũng giúp lấy được tổ chức ung thư triệt căn, triệt để nhất có thể, hình ảnh trường mổ 3D độ phân giải cao, độ di chuyển tự do của dụng cụ giúp cánh tay robot hoạt động linh hoạt như cổ tay người. Hạn chế tối đa biến chứng, tai biến trong mổ như cắt phải thần kinh, tổn thương mạch máu.
Từ đó, giúp bệnh nhân giảm thời gian nằm viện trong khi kết quả điều trị ung thư vẫn được đảm bảo. Sau phẫu thuật, người bệnh chỉ cần chăm sóc hậu phẫu 2 - 3 ngày đã có thể xuất viện", PGS Bình cho hay.
Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng cho rằng, trong tương lai phẫu thuật robot sẽ ngày càng khẳng định vị thế của nó, nhất là trong lĩnh vực ung thư, về hồi phục sớm sau mổ và phẫu thuật triệt căn.
Để phòng, chống ung thư tiêu hóa các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ăn nhiều rau xanh và trái cây, giảm hàm lượng chất béo, hạn chế đồ ăn chua, cay, nóng, các loại đồ ăn công nghiệp, rượu bia. Bỏ hút thuốc lá để giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa và các bệnh liên quan.
Thường xuyên tập thể dục mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe và tạo ra bề mặt cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh tật, bao gồm ung thư đường tiêu hóa.
Đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường như chán ăn, đầy bụng, giảm cân đột ngột, đại tiện phân nhỏ dẹt, phân có màu máu, táo bón hoặc tiêu chảy...