Phchum Ben : mùa sum vầy, hiếu thảo
Nếu như người Việt và người Hoa có lễ Vu lan thì người Khmer cũng có lễ hội với ý nghĩa tương tự là lễ Phchum Ben hay còn gọi là Sen Đônta.
Trong tinh thần hiếu nghĩa, người dân Khmer vào chùa cúng dường mùa Sen Đônta
Hàng năm cứ vào khoảng thời gian từ 28 đến 30-8 Phật lịch, tức vào khoảng trung tuần tháng Chín dương lịch, lễ hội văn hóa truyền thống đặc biệt này lại được diễn ra. Đây là dịp để mọi người, mọi nhà sum họp, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đối với vong linh của người thân quá cố và thực hành nghi lễ Phật giáo. Có thể nói, đây là lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất đối với bà con dân tộc Khmer suốt từ hơn ngàn năm nay.
Nói đến văn hóa lễ hội Khmer là nói đến sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống với văn hóa Phật giáo và truyện kể dân gian. Vì lẽ đó, hầu hết tên gọi của các lễ hội bao giờ cũng nội hàm một ý nghĩa hết sức sâu sắc. Hiện tại, các báo đài sách vở quen gọi là Sen Đônta (lễ cúng bà ông), nhưng người Khmer vẫn quen và thích gọi là Phchum Ben. Trong tiếng Khmer, “Phchum” có nghĩa là tụ tập lại, còn “Ben” là từ gốc Pali là “Pinda”, nghĩa là cơm, “bai pinh” hay “bai ben” có nghĩa là cơm nếp trộn mè đen làm thành viên tròn để cúng lễ. Vậy Phchum Ben nghĩa là tụ họp lại cùng nhau dâng cơm lên chùa cúng dường và bố thí cho vong linh của những người đã khuất. Chính vì cái nghĩa ban đầu này mà lễ hội Phchum Ben - Sen Đônta còn mang ý nghĩa sum vầy và hiếu thảo.
Theo quan niệm của người Khmer, con người sau khi chết đi sẽ đi vào một thế giới khác, có thể siêu thoát đầu thai hoặc tồn tại dưới dạng những bóng ma. Một số người vì gây nghiệp ác khi còn sống nên khi chết phải chịu hình phạt dưới địa ngục, nơi mà những linh hồn không thể nhìn thấy mặt trời, chịu lạnh lẽo vì không có quần áo để mặc, chịu đói khát vì không có đồ ăn thức uống để dùng... Chỉ có đến mùa Phchum Ben, linh hồn của tổ tiên bảy đời mới có thể trở về nhân gian thăm con cháu và hưởng thụ những đặc ân theo lời mời gọi của người thân trong gia đình họ. Vì vậy mà suốt mười bốn ngày đầu tiên của lễ, mọi người thường lo liệu những loại thực phẩm để làm lễ cúng xung quanh chùa cho họ trước khi mặt trời mọc mỗi ngày, thể hiện lòng nhớ thương, hiếu thảo và mong cầu vong nhân được xá tội.
Ở Tây Ninh, từ sau trung tuần tháng 8 âm lịch, trời bắt đầu mưa nhiều, công việc đồng áng tạm đâu vào đó, thì bà con Khmer bắt đầu vào mùa Phchum Ben. Cụ thể là từ 15-8 thì nhà nhà quét dọn, trang hoàng lại bàn thờ Phật cho sạch sẽ tươm tất. Họ đến chùa gần nhất mời các sư đến nhà tụng kinh xá tội cho vong nhân của gia đình họ. Để thực hiện nghi thức này, mỗi gia đình đầu tiên phải dọn một cái giường, chiếu mền mới phải được xếp ngăn nắp, trên để một bộ quần áo mới, cùng trà rượu bánh trái. Xong làm một mâm cơm, xới bốn chén, đốt nhang và nến, rồi mời hàng xóm cùng ngồi xung quanh cúng và nghe sư đọc kinh.
Sau ba tuần trà rượu cúng vong linh, người nhà gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén, đổ ly trà vào ly rượu rồi đem ra hàng rào nhà, thắp thêm cây nhang mời ma quỷ cùng ăn uống và ở lại vui chơi với ông bà cha mẹ trong ba ngày, rồi hãy về chốn cũ… Công việc này diễn ra tuần tự, lần lượt ở các gia đình trong phum sóc từ 16-8 cho đến hết ngày cuối tháng 8 âm lịch, sau đó mới vào 3 ngày lễ chính.
Đối với ba ngày lễ chính, vào bốn giờ khuya ngày lễ thứ nhất, tất cả mọi nhà đều đem cơm cúng và bánh trái hoa quả… lên chùa cùng vong linh của gia đình họ. Nghi thức này với ý nghĩa là người nhà đưa vong linh ông bà cha mẹ vào chùa để nghe các sư tụng kinh lấy phước. Sau đó các Phật tử mời các sư cùng thọ thực. Đến sáng ngày lễ thứ hai, mọi người bắt đầu tổ chức vui chơi múa hát. Các tiết mục văn nghệ được bà con chuẩn bị rất chu đáo và biểu diễn sôi nổi từ sáng đến gần trưa.
Vào buổi trưa, bà con chuẩn bị mâm cơm cùng bánh, trái… mang vào chùa để tổ chức cúng tập thể. Sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả linh hồn ông bà của mọi nhà trong phum sóc, bà con cùng ăn, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Sau một ngày vui vẻ, đến chiều, mọi người xin phép các sư cho rước vong linh của gia đình họ trở về nhà. Ở nhà, mọi người lại tiếp tục làm mâm cơm cúng và mời ông bà cha mẹ ở lại chơi với con cháu thêm một đêm nữa. Sang sáng ngày lễ thứ ba, mỗi nhà làm lại mâm cơm để cúng tiễn đưa vong linh. Họ bỏ thức ăn vào các bẹ chuối hay mo cau, khấn vái xong thả xuống ao, rạch nước hay mé ruộng gần đó để tống tiễn ông bà trên đường đi về chốn cũ.
Nói về sự tích cúng tiễn vong, người Khmer có câu chuyện đầy chất nghĩa tín: “Có một đoàn thuyền buôn gồm 500 người bị lạc vào một hòn đảo hẻo lánh không có người qua lại, vào ban đêm bọn ma quỷ thường xuất hiện tại đây để kiếm ăn. Bọn ma quỷ đi tìm thức ăn thấy các thủy thủ đang ngủ, bọn chúng tính bắt họ đến giao cho chúa quỷ một phần và ăn thịt một phần. Các thủy thủ van xin thế nào cũng không được. Lúc bấy giờ, có một thuyền trưởng là người thông minh, lên tiếng rằng: ‘Xin ông hãy thả chúng tôi về, chúng tôi hứa hằng năm chúng tôi sẽ tìm kiếm thức ăn gửi cho các ông đến hết cuộc đời, nếu như các ông ăn thịt chúng tôi thì các ông chỉ được no một buổi sau đó lại bị đói tiếp. Các ông muốn ăn thịt chúng tôi để được no một buổi hay thả chúng tôi về để chúng tôi tìm kiếm thức ăn gửi đến các ông hàng năm?’.
Bọn ma quỷ nghe thuyền trưởng nói vậy liền đồng ý và căn dặn: ‘Khi nào các ngươi về đến quê nhà, được họp mặt gia đình, khi có gió từ hướng Bắc thổi vào các người phải làm cái bè để các loại thức ăn vào đó rồi thả theo dòng nước, gió sẽ chuyển thức ăn đến bọn ta’. Người Khmer xưa hứa sao thì làm vậy, và đã trở thành phong tục cho tới ngày hôm nay”.
Trong ba ngày lễ chính, sáng ngày thứ ba là cuộc lễ long trọng nhất. Tất cả bà con trong thôn làng đều ăn mặc đẹp để lên chùa làm lễ. Ngày này, sư cả và các sư khác trong chùa kết hợp với ban quản trị, bà con Phật tử trong phum tổ chức tụng kinh, đãi tiệc, biểu diễn văn nghệ và nhận lời chúc mừng của các cấp chính quyền địa phương. Ngày này coi như là ngày kết thúc của mùa Phchum Ben - Sene Đônta, tất cả bà con đều được ấm lòng và phúc hạnh viên mãn để tiếp tục vào mùa vụ.
Có thể nói, lễ hội Phchum Ben - Sen Đônta là một lễ hội truyền thống đầy ý nghĩa giáo dục và đậm đặc sắc màu văn hóa của người Khmer. Mùa Phchum Ben là mùa của hạnh phúc, sum vầy, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn ông bà tổ tiên, những người đã khuất và kết nối cộng đồng. Từ đó, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau xây dựng gia đình, quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp và giàu bản sắc hơn.
Đào Thái Sơn / Báo Giác Ngộ số 1067
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhoa/2020/09/22/3fd2da/