Phe Đồng minh đã hỗ trợ Liên Xô những vũ khí gì trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại?
Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, do thiệt hại và yếu thế ở giai đoạn đầu cuộc chiến, Liên Xô thiếu rất nhiều phương tiện quân sự phục vụ mặt trận. Điều này đã được bù đắp đáng kể nhờ Chương trình Lend-Lease (Cho vay - Cho thuê) của phe Đồng minh, nhưng không phải là miễn phí.
Mỹ, Anh và Canada đã gửi hàng chục nghìn đơn vị phương tiện quân sự và dân sự khác nhau đến Liên Xô, gồm: Xe tăng, xe bọc thép chở quân, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, tàu thủy, xe tải và xe quân sự.
Những chiếc xe tải Studebaker hay xe quân sự Willys rất hữu ích cho Hồng quân ở Mặt trận phía Đông khi tạo ra các tuyến hậu cần trong những năm tháng khó khăn đầu cuộc chiến. Mặc dù các phương tiện quân sự của phương Tây cung cấp không tham gia các mũi nhọn tấn công chủ lực trên tiền tuyến, nhưng chúng đóng vai trò rất quan trọng ở nhiều vị trí khác trên mặt trận và góp phần không nhỏ trong công cuộc đánh bại phát xít Đức.
Khi Đức quốc xã xâm lược Liên Xô, tình hình vận tải quân sự của Hồng quân khá bi thảm. Liên Xô không chỉ thiếu về chủng loại, mà cả chất lượng và hiệu quả các loại xe tải, xe quân sự cũng rất kém.
Khoảng 400.000 xe tải, máy kéo, xe Jeep, xe quân sự và xe lội nước đã được phe Đồng minh cung cấp. Loại xe tải Mỹ được cung cấp số lượng lớn nhất và được Hồng quân yêu thích nhất là Studebaker với khoảng 200.000 xe. “ZIS là loại xe hai trục đơn, chúng dễ chết máy nếu đường gồ ghề. Studebaker là loại xe địa hình. Chúng sử dụng cơ cấu dẫn động 4 bánh và cơ động hơn”, Trung úy Sư đoàn súng cối Pavel Gurevich nhớ lại. Loại xe quân sự Hồng quân yêu thích khác là xe Jeep quân đội Willys. Nhờ tốc độ cao tới 105 km/giờ, khả năng cơ động và kích thước nhỏ gọn, giúp chúng dễ dàng ngụy trang và được chỉ huy và trinh sát yêu thích.
Tình trạng xe mô tô quân sự của Hồng quân cũng khá tồi tệ vào đầu chiến tranh. Liên Xô không thể thiết lập cơ sở sản xuất hiệu quả trong điều kiện các nhà máy phải sơ tán gấp đến vùng Siberia. Phe Đồng minh đã hỗ trợ hiệu quả loại phương tiện này cho Hồng quân. Chúng được binh lính, sĩ quan Hồng quân miêu tả như những con “ngựa thép” trên chiến trường.
Trong những năm chiến tranh, Đồng minh đã cung cấp cho Liên Xô hơn 10.000 xe tăng các loại. Các loại xe tăng Matildas, Cromwells, Tetrarchs, Churchills, Valentines của Anh và Shermans, Stuarts, Lee của Mỹ đã góp mặt trong các trận chiến ở Moscow, Stalingrad, Vòng cung Kursk Bulge và ở cả Chiến dịch giải phóng Berlin.
Hồng quân đánh giá cao xe bọc thép của phương Tây vì độ thoải mái và tiện nghi. Tuy nhiên, chúng có khả năng chiến đấu không cao, thậm chí một số loại xe còn dễ hỏng hóc. Lính tăng Liên Xô thích nhất những chiếc xe tăng Valentines và Sherman. Thiết kế của chúng tối ưu cho cả khả năng chiến đấu và sự tiện nghi cho kíp chiến đấu. Chính vì thế, chúng chiếm số lượng lớn phương tiện chiến đấu bộ binh được phe Đồng minh cung cấp cho Hồng quân.
Không chỉ có phương tiện trên bộ, phe Đồng minh còn cung cấp khoảng 14.000 máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, nhiều loại máy bay quân sự chuyển giao là loại lỗi thời và không thể so tài ngang sức với những tiêm kích Messerschmitt của phát xít Đức. Những chiếc máy bay Hurricane của Anh vô dụng tới mức phát xít Đức đã gửi tin nhắn mỉa mai tới phía Hồng quân rằng: “Đừng cạo sơn khỏi máy bay Đức". Điều này khiến toàn bộ hỏa lực trên máy bay Hurricane được thay thế sau đó.
Trong khi đó, máy bay Airacobra của Mỹ lại được các phi công Liên Xô khen ngợi. Những phi công Ace của Hồng quân là Grigory Rechkalov và Alexander Pokryshkin đều giành phần lớn chiến thắng trên dòng máy bay chiến đấu này.
Đồng minh cũng cung cấp cho Liên Xô khoảng 3.700 máy bay ném bom, phần lớn do Mỹ sản xuất. Chỉ có khoảng vài chục máy bay được phía Anh cung cấp. Phi công Liên Xô đánh giá cao các máy bay ném bom A-20 và B-25 vì sự hiệu quả, thoải mái và dễ điều khiển. Chúng đáp ứng tốt trong vai trò tuần duyên và bảo vệ biên giới và ném bom tầm xa.
Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Liên Xô không sản xuất xe bọc thép chở quân. Vì vậy, nguồn cung cấp từ phe Đồng minh về loại vũ khí này đóng vai trò quan trọng. Tổng cộng, Mỹ và Anh đã cung cấp cho Liên Xô hơn 6.000 xe bọc thép chở quân các loại. Nếu những chiếc M2, M5 và M9 chủ yếu được sử dụng để kéo pháo, thì Universals của Anh và M3A1 của Mỹ được sử dụng trong các hoạt động trinh sát, đột kích và truy đuổi quân phát xít Đức rút chạy.
Đồng minh cũng cung cấp cho Liên Xô 500 tàu săn tàu ngầm, tàu quét mìn, tàu đổ bộ và tàu hộ vệ, tàu phóng lôi, tàu kéo, tàu chở dầu và tàu chở hàng. Những chiếc tàu này đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn phát xít Đức ở Biển Baltic, Biển Bắc, Biển Đen và sau này là phát xít Nhật Bản ở Thái Bình Dương.
Điều này xảy ra khi toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu Liên Xô đều đặt ở Ukraine. Khi phát xít Đức chiếm đóng vùng lãnh thổ này, Hải quân Liên Xô phụ thuộc vào các tàu chiến do phe Đồng minh cung cấp. Phần lớn chiến hạm của Mỹ và Anh đều có tính năng chiến đấu khá tốt, khác biệt đáng kể so với tàu chiến Hồng quân cùng thời.
Đáng chú ý là những trang bị, vũ khí phe Đồng minh cung cấp cho Hồng quân không phải là miễn phí, Liên Xô đã phải trả chúng bằng kim loại quý và những thỏa hiệp về quyền lợi sau chiến tranh.