Phê duyệt Báo cáo quốc gia về thực thi công ước chống tra tấn
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 9/2/2024 phê duyệt Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT).
Phó thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an tiến hành hiệu đính bản dịch Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước CAT và thực hiện các thủ tục đối ngoại cần thiết gửi Báo cáo đến Ủy ban chống tra tấn theo quy định.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cần thiết để chuẩn bị cho phiên trình bày và trả lời trước Ủy ban chống tra tấn.
Ngày 10/12/1984, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Nghị quyết số 39/46). Công ước được để mở cho các quốc gia tham gia ký kết.
Công ước Chống tra tấn gồm 33 điều, chia thành 03 phần với các nội dung cụ thể như sau: từ Điều 1 đến Điều 16 quy định về khái niệm tra tấn và các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc nghiêm cấm, trừng trị, phòng ngừa các hành vi tra tấn cũng như bảo vệ nạn nhân bị tra tấn; từ Điều 17 đến Điều 24 quy định về nghĩa vụ báo cáo của các quốc gia thành viên lên Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc và thẩm quyền của Ủy ban, hoạt động của báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về chống tra tấn, quyền của các quốc gia về tuyên bố ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước; từ Điều 25 đến Điều 33 gồm những quy định liên quan đến ký, phê chuẩn, gia nhập, hiệu lực và sửa đổi Công ước.
Để triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn (Quyết định số 364/QĐ-TT).