Nhiều giải pháp để Việt Nam thành điểm đến du thuyền hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á
Trong Đề án quản lý du thuyền vừa được phê duyệt, Bộ GTVT yêu cầu tổ chức nghiên cứu triển khai từng bước, đánh giá kịp thời và điều chỉnh hiệu quả việc thí điểm quản lý du thuyền tại Việt Nam. Trong đó tập trung vào một số khu vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển du lịch biển mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng phù hợp.
Đề xuất mô hình quản lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam
Bộ GTVT vừa có Quyết định số 1521 phê duyệt Đề án quản lý du thuyền với mục tiêu phát triển ngành du thuyền Việt Nam theo hướng bền vững, hiện đại, gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, kinh tế - xã hội. Ưu tiên chất lượng dịch vụ, an toàn hàng hải và trải nghiệm khách hàng cao cấp, hướng tới trở thành điểm đến du thuyền hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, cũng như khu vực Châu Á. Tập trung vào phát triển cả du thuyền thương mại và phi thương mại, nhằm đa dạng nguồn lực phát triển, tạo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn tài nguyên.
Đề án cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: Đánh giá các hạn chế, tồn tại, bất cập liên quan đến hoạt động quản lý và khai thác du thuyền hiện nay; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất mô hình quản lý phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam; Đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, khai thác du thuyền, tạo động lực phát triển của ngành du thuyền tại Việt Nam.
Các giải pháp được nêu ra để thực hiện trong ngắn hạn (2025-2026) gồm khuyến khích, thu hút các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch du thuyền Việt Nam tại các thị trường quốc tế; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; hợp tác với các hãng lữ hành quốc tế để đưa du thuyền vào các tour du lịch; Nghiên cứu việc thí điểm quản lý du thuyền tại Việt Nam; Tổ chức nghiên cứu triển khai từng bước, đánh giá kịp thời và điều chỉnh hiệu quả việc thí điểm quản lý du thuyền tại Việt Nam. Trong đó tập trung vào một số khu vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển du lịch biển mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng phù hợp.
Phương án thí điểm cần được xây dựng chi tiết, bao gồm các chỉ tiêu cụ thể, kế hoạch thực hiện và cơ chế giám sát. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp là yếu tố quyết định thành công của phương án thí điểm.
UBND tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch du thuyền đề xuất và xây dựng Phương án thí điểm gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Trong quá trình thí điểm, cần đáp ứng nguyên tắc ưu tiên phát triển du thuyền cao cấp, dịch vụ chất lượng cao, hướng đến khách du lịch quốc tế tại khu vực có tiềm năng lớn, cảnh quan đẹp và đã có một số kết cấu hạ tầng sẵn có; Phát triển du thuyền kết hợp với các hoạt động du lịch khác như lặn biển, câu cá, tham quan đảo; Phát triển du thuyền kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, hướng đến đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thu hút nhiều phân khúc khách hàng.
Các nội dung thí điểm chính gồm: Mô hình quản lý: Áp dụng mô hình quản lý hiện đại, minh bạch, hiệu quả, có sự tham gia của cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Có thể tham khảo mô hình quản lý du thuyền của các quốc gia phát triển trong khu vực.
Quy trình đăng ký, đăng kiểm: Rút gọn thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình đăng ký, đăng kiểm du thuyền; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả.
Cơ chế thu phí, quản lý môi trường: Thiết lập cơ chế thu phí hợp lý, minh bạch, đảm bảo nguồn lực cho hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường biển.
Đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vận hành, bảo trì, sửa chữa du thuyền, hướng dẫn viên du lịch, quản lý bến cảng…
Xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư: Thực hiện các chương trình quảng bá du lịch du thuyền tại các thị trường mục tiêu.
Đề án xác định thời gian thí điểm từ 1 đến 2 năm. Sau thời gian thí điểm, cần đánh giá toàn diện hiệu quả của mô hình quản lý, quy trình, cơ chế chính sách, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và có thể nhân rộng ra các khu vực khác.
Phát triển kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp du thuyền
Liên quan đến giải pháp thực hiện dài hạn 2025-2030, ngoài việc đặt ra yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách, đăng ký, quy chuẩn kỹ thuật, giá sử dụng dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo cho du thuyền, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư…, Đề án yêu cầu rà soát, bổ sung quy hoạch về bến du thuyền, khu neo đậu du thuyền; các vùng biển, đường thủy nội địa mà du thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài được phép hoạt động.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch bến du thuyền chuyên dụng với công năng tiếp nhận các du thuyền trong và ngoài nước, kèm theo các dịch vụ thương mại, giải trí, vui chơi, thúc đẩy loại hình du lịch chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ, mang lại tiềm lực kinh tế mới cho quốc gia. Đồng thời bổ sung các quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến du thuyền, đặc biệt là trong công tác cấp phép, quản lý các hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ tại cảng, bến du thuyền như duy tu, sửa chữa, vệ sinh, cung cấp nhiên liệu, tiếp nhận nước thải....
Ngoài ra, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao về vận hành, bảo trì, sửa chữa du thuyền; tổ chức các chương trình chứng chỉ quốc tế cho nhân viên ngành du thuyền.
Xây dựng các chương trình đào tạo chính quy về điều khiển du thuyền, hàng hải, du lịch và quản lý du thuyền tại các trường hàng hải và du lịch; Bổ sung các khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, dịch vụ khách hàng và kỹ năng quản lý tình huống, giúp thuyền viên đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách; Cung cấp học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên theo học ngành điều khiển du thuyền.
Hợp tác với các nước có nền công nghiệp du thuyền phát triển như Singapore, Úc và Châu Âu để xây dựng các chương trình đào tạo chung, học hỏi kinh nghiệm và cập nhật công nghệ mới; Tạo điều kiện để thuyền viên tham gia các chương trình thực tập và trao đổi ở nước ngoài, qua đó phát triển kỹ năng và kinh nghiệm quốc tế.
Xây dựng các chính sách lương, thưởng và chế độ phúc lợi cạnh tranh cho thuyền viên và đội ngũ nhân sự trong ngành du thuyền.
Tổ chức các chiến dịch truyền thông để quảng bá về nghề nghiệp trong ngành du thuyền, nêu bật tiềm năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp.
Nâng cấp và phát triển các cơ sở đào tạo hàng hải hiện đại, phù hợp với yêu cầu của các công nghệ và tàu thuyền mới.
Xây dựng hệ thống đánh giá định kỳ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của các chương trình đào tạo cho ngành du thuyền.
Các giải pháp khác cũng được đề xuất như kiến nghị Bộ Công thương quy định hình thức cung ứng nhiên liệu phù hợp cho du thuyền mang cờ quốc tịch nước ngoài nhằm giải quyết thực trạng số lượng nhiên liệu cung ứng cho du thuyền không lớn mà số lượng nguồn cung ứng và đầu mối có chức năng kinh doanh xăng dầu tạm nhập tái xuất không phổ biến.
Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính về quản lý hoạt động du thuyền nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động du thuyền.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính về quản lý hoạt động du thuyền thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Nghiên cứu xem xét miễn giảm thủ tục vào, hoạt động, rời cảng biển đối với du thuyền phục vụ mục đích cá nhân và du thuyền phục vụ mục đích kinh doanh thương mại hoạt động thường xuyên trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải và nghiên cứu cho phép các du thuyền cá nhân không có số hiệu IMO được thực hiện thủ tục điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của du thuyền.