Phê phán quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin lạc hậu, lỗi thời

Để chống phá và gây khó khăn cho quá trình tiến lên xã hội chủ nghĩa của các nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, các thế lực thù địch luôn nhằm vào đả kích hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Một trong những luận điệu mà các đối tượng thù địch rêu rao là: 'Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp trong thời đại ngày nay, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam'.

Quang cảnh Hội thảo khoa học Phản bác các quan điểm xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong giai đoạn hiện nay do Trường Chính trị Đồng Nai tổ chức vào ngày 23-4. Ảnh: L.Viên

Quang cảnh Hội thảo khoa học Phản bác các quan điểm xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong giai đoạn hiện nay do Trường Chính trị Đồng Nai tổ chức vào ngày 23-4. Ảnh: L.Viên

Thực chất, đó chỉ là những lập luận càn và không có căn cứ. Xét về cơ sở lý luận lẫn cơ sở thực tiễn tại Việt Nam nói riêng, cũng như các nước theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên thế giới nói chung đều chứng minh giá trị, tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ đó gặt hái được những thành công nhất định trên con đường cách mạng của mình.

Vẹn nguyên giá trị khoa học, cách mạng

Ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lê-nin là triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học và kinh tế chính trị. Trong đó, triết học Mác -
Lê-nin là học thuyết về những quy luật phổ biến của sự tồn tại, vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Với phương pháp biện chứng duy vật và quan niệm duy vật về lịch sử, triết học Mác - Lê-nin đóng vai trò thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.

Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu các quy luật và tính quy luật chính trị - xã hội của quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, thể hiện sứ mệnh lịch sử to lớn của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản trong công cuộc xóa bỏ chế độ áp bức tư bản chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản...

Còn kinh tế chính trị Mác - Lê-nin tập trung nghiên cứu về cơ sở hình thành, phát triển, bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa; lý luận khoa học về chủ nghĩa tư bản độc quyền…

Tiến sĩ VŨ THỊ NGHĨA, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị Đồng Nai, phát biểu tại Hội thảo khoa học Phản bác các quan điểm xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong giai đoạn hiện nay cho rằng: Tại hội thảo, các nhà khoa học tiếp tục phân tích, làm rõ sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của Việt Nam. Khẳng định những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới ở nước ta là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Từ đó, vạch trần phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị sử dụng nhằm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay…

Tham luận tại Hội thảo khoa học Phản bác các quan điểm xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong giai đoạn hiện nay do Trường Chính trị Đồng Nai tổ chức vào ngày 23-4 vừa qua, thạc sĩ Đặng Thị Yến, Trường Chính trị Đồng Nai, có nêu: “…Thời đại chúng ta đang sống hôm nay đã khác rất nhiều so với thời đại của Mác - Ăng-ghen - Lê-nin. Tuy nhiên, phán đoán phi logic, thiếu hợp lý của các quan điểm xuyên tạc, thù địch là ở chỗ: không có nghĩa thời đại thay đổi thì học thuyết nào cũng sẽ thay đổi, sẽ bị mất đi giá trị… Những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác -
Lê-nin cho dù ở giai đoạn lịch sử nào, bất kỳ thời đại nào nó vẫn vẹn nguyên giá trị chứ không thể nào lạc hậu và lỗi thời như các quan điểm xuyên tạc. Mà quan trọng hơn hết là nó đã được bảo chứng bằng chính lịch sử phát triển của nhân loại đã đi qua và đang diễn ra. Lịch sử, hiện tại và tương lai, sự vận động của thế giới, của xã hội loại người không bao giờ nằm ngoài nguyên lý, những quy luật mà các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác đã khám phá”.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin soi sáng con đường cách mạng của Việt Nam

Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Nhà Rồng, lên tàu bôn ba tìm đường cứu nước. Sau nhiều năm tháng làm nhiều công việc, trải nghiệm cuộc sống thực tiễn ở Pháp và các nước phương Tây, Người đã có lời giải đáp cho hành trình ra đi tìm đường cứu nước của mình khi đọc tác phẩm của V.I. Lê-nin: Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, đăng trên Báo L’Humanité, số ra ngày 16 và 17-7-1920. Người đã nói: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Rõ ràng, thực tiễn đã chứng minh chính chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng con đường đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong suốt hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, cũng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ tư tưởng xuyên suốt, Đảng đã lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, đưa đất nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để gặt hái những thành tựu ấn tượng, phát triển không ngừng về nhiều mặt.

Chính vì thành công đó, nhiều công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới đến Việt Nam để đầu tư, hợp tác sản xuất, kinh doanh lâu dài. Hình ảnh về một Việt Nam ổn định chính trị, năng động, phát triển, xinh đẹp, mến khách, có bề dày về lịch sử, văn hóa… thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế đến thăm. Nhiều quốc gia xem mô hình phát triển của Việt Nam là kiểu mẫu để học tập…

Các thế lực thù địch không hiểu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin

Những đối tượng thù địch cho rằng “chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời, lạc hậu” là những lời nói vô căn cứ vì không hiểu biết những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Bởi lẽ, chủ nghĩa xã hội là một thực thể khách quan, luôn vận động, biến đổi, do đó, lý luận về chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận cho hoàn thiện. Chính Lê-nin đã khẳng định rằng: “Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động…”.

Thực tiễn, con đường phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng trải qua quá trình xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và phát triển qua thời gian. Cụ thể, chủ nghĩa Mác do Mác và Ăng ghen sáng lập vào khoảng giữa những năm 40 của thế kỷ XIX ở Tây Âu, đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX trong điều kiện lịch sử mới, chủ nghĩa Mác đã được Lê-nin bổ sung, phát triển thành chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Lý luận về chủ nghĩa Mác - Lê-nin từ khi ra đời cho đến nay luôn được các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới học tập, vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn mỗi nước. Đối với Việt Nam, con đường cách mạng tiến lên chủ nghĩa xã hội gần một thế kỷ qua cũng là quá trình tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Do đó, chủ nghĩa Mác - Lê-nin luôn có sức sống, mang hơi thở của thời đại, không có chuyện lạc hậu, lỗi thời như các thế lực thù địch rêu rao.

Ngày nay, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ đòi hỏi phải biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin phù hợp với điều kiện thực tiễn mới, nhằm khẳng định giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung; đồng thời, bổ sung phát triển cho phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202405/phe-phan-quan-diem-cho-rang-chu-nghia-mac-le-nin-lac-hau-loi-thoi-f826efa/