Phép cân bằng trong một ván cờ huề
Vài năm trở lại đây, Tống Phước Bảo nổi lên là một nhà văn dồi dào bút lực với văn phong đậm chất Nam bộ đặc trưng, ấn tượng, được thể hiện qua 8 đầu sách. Anh liên tục gặt hái nhiều giải thưởng văn chương danh giá.
Như: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” năm 2019, Giải thưởng truyện ngắn Báo Người lao động 2019, Giải Nhất tạp bút Báo Thanh niên năm 2020, Giải Nhất tạp bút Tập san Áo trắng năm 2020, Tặng thưởng truyện ngắn hay nhất năm 2020 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải B Cây bút vàng năm 2021… Trong năm 2022 này, Tống Phước Bảo đã đặt một dấu mốc đáng nhớ và thêm một lần nữa khẳng định hành trình sáng tác bền bỉ của mình bằng việc ra mắt ba cuốn sách liên tiếp. Và để lại nhiều dư ba và suy ngẫm nhất trong số đó là tập truyện ngắn “Hỗn kỳ đài” do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Bằng lối viết nhẩn nha mà sâu lắng, phóng khoáng mà tỉ mỉ, giản dị mà trăn trở, gần 200 trang sách trong tập truyện “Hỗn kỳ đài” đưa độc giả bước vào những câu chuyện cảm động, đánh thức lòng trắc ẩn trong mỗi chúng ta. Hầu hết các truyện ngắn trong cuốn sách này đều viết về Sài Gòn. Một Sài Gòn có khi mộc mạc, bình yên, có lúc xô bồ, chen chúc đằng sau lớp ánh sáng phù hoa, lấp lánh.
Tác giả dành nhiều trang viết tái hiện Sài Gòn trong những ngày đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với trăm ngàn nỗi gian nan, thắt ngặt. Thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men, thiếu đủ thứ. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, con người nơi đây vẫn ánh lên những nét tính cách nhân ái, gần gũi, chân thành, hào hiệp, bản lĩnh.
Tống Phước Bảo không xoáy sâu vào những bi kịch cùng cực mà chọn cách miêu tả cuộc sống gieo neo làm phông nền nhằm khơi lên ánh sáng của niềm hy vọng. Ở đó, tình yêu thương giống như một thỏi nam châm hút sức mạnh đoàn kết của tất cả mọi người về chung một mối để vượt qua chông gai, thử thách.
Đó là những ngày Sài Gòn bị lockdown trong “Mùa thương xanh phố”, người ta chia nhau vài quả dưa hấu, từng bó rau xanh. Tinh thần tương thân tương ái cùng nhau vượt qua đại dịch ấy tiếp tục được khắc họa đậm nét qua truyện ngắn “Từ trong bình yên” với những người dân nghèo tá túc tạm bợ ở một xóm trọ tồi tàn nhưng vẫn ngời sáng tấm lòng lương thiện với lời dặn đầy thương mến: “Mỗi người một phần gạo, mì gói, rau củ, chút cá, với mấy món đồ khô nhen. Phòng nào có em bé thì lấy thêm hai lốc sữa. Phòng nào có đông người thì lấy thêm hai phần nhen. Của ít lòng nhiều”. Hóa ra, những gian nan ấy chính là phép thử lòng người.
Và bình yên là khi chúng ta biết yêu thương, đùm bọc lấy nhau, như thông điệp tác giả muốn gửi gắm: “Giãn cách chứ đâu thể chia cách con người ta được, phong tỏa giới nghiêm nhưng chẳng thể nào giới hạn lòng người ta được”. Đó là những người đàn ông trong “Mấy thằng cha già ở xóm La Cà” chơi thân với nhau như anh em ruột, cứ gặp nhau là “cà chớn”, “tối ngày chê nhau”. Nhưng khi cần nghiêm túc để giúp đỡ người dân miền Trung trong cơn lũ lụt, họ đã chung tay góp sức và cứu trợ được nhiều người.
Tống Phước Bảo tỏ ra am hiểu rất sâu sắc về Sài Gòn. Gần hai chục năm gắn bó thành phố mười mấy triệu dân này, anh đã yêu Sài Gòn bằng trái tim thiết tha, nồng hậu. Bởi vậy, xuyên suốt cuốn sách này, ngòi bút của anh luôn hướng tới những phận người bé nhỏ trong các góc khuất của Sài Gòn, đang ngày đêm bươn bả, quăng quật ngược xuôi theo guồng quay mưu sinh hối hả.
Đọc truyện ngắn “Xóm mắc kẹt”, độc giả không khỏi mủi lòng trước cái xóm nhỏ, nơi “tám phương tứ hướng hội tụ, toàn dân nghèo mùa dịch. Dân thất nghiệp, lao động tự do, cơm áo gạo tiền, phòng trọ đành bất chấp đâm đầu thông chốt về tỉnh mình. Bị chặn lại, rồi tập hợp đưa về đây”. Tưởng như rơi vào tình huống oái oăm tiến thoái lưỡng nan ấy, con người sẽ rạc rài, rã rời vì đói khát. Vậy mà tiếng cười, tiếng hát lạc quan vẫn nảy mầm như được tưới tắm thứ phép màu kỳ diệu. Có thể sau này, họ sẽ vẫn giữ được sợi dây kết nối, hoặc có thể sẽ không còn cơ hội gặp lại nhau. Nhưng chắc chắn, ký ức đẹp và những nghĩa cử ấm áp dành cho nhau sẽ luôn thao thức mãi.
Không dừng lại tại đó, cuốn sách này còn hấp dẫn độc giả bằng những truyện ngắn mượt mà, lãng mạn về đề tài tình yêu đôi lứa. Có mối tình đắng cay, dang dở như Quyên với Thuần trong “Cuộc gặp”. Lại có những mối tình trọn vẹn trong cảm xúc bâng khuâng. Chàng trai ở ngõ Tạm Thương (Hà Nội) và cô gái Sài Gòn trong “Gặp Sài Gòn ở ngõ Tạm Thương” trải qua những khoảng cách về địa lý, trải qua những khoảnh khắc lưỡng lự, chênh vênh, cuối cùng họ cũng đến được với nhau. Bởi, “cứ còn thương thì chẳng sớm thì muộn, con người ta lại tìm về bên nhau mà thôi”.
Tình yêu của Mà Má và Bà Bá trong “Di bố phù” vừa hóm hỉnh, dễ thương, lại vừa miên man, lắng đọng được thể hiện tinh tế trên nền không khí truyện man mác nét u hoài. Bên cạnh đó, với truyện ngắn này, Tống Phước Bảo còn kín đáo đặt ra nhiều suy nghiệm về việc tiếp nối, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của một gia tộc gốc Hoa tại Sài Gòn hoa lệ chuyên nghề may di bố phù, tràng phan...
Tạo nên sự đa dạng và thành công cho tập truyện “Hỗn kỳ đài”, không thể không nhắc tới “Bên rào khiết bông”, “Mùa đắm trăng son”, “Thiềng liềng ơi”, “Cái ôm”, “Mùa nở đóa hoa yêu”, “Cánh cửa họa mi”… Chẳng kịch tính, gay cấn, cũng không màu mè, hoa mĩ, điều tạo nên dấu ấn của các truyện ngắn này lại là sự giản dị, nhẹ nhàng mà thiết tha, lay động. Điểm chung cơ bản của các truyện ngắn này có lẽ là việc xây dựng hình ảnh những con người đầy kiên cường, nghị lực và trách nhiệm.
“Ông chú” trong “Mùa nở đóa hoa yêu” mải mê công việc đến quên cả yêu đương mà cho đến tuổi bốn mươi lăm mới dám tỏ tình với người mình thầm thương trộm nhớ rồi nhận về một cái kết ngọt ngào. Nhân vật Sơn trong “Thiềng Liềng ơi” sinh ra và lớn lên ở một xóm đảo nhỏ làm muối, trải qua bao kiên trì khổ luyện đã giành giải Nhất trong một cuộc thi điền kinh quốc tế, mang về niềm tự hào cho quê hương, xứ sở, khiến “thiên hạ hết cười, hết la, lại bắt đầu sụt sùi. Đâu ai bảo ai, tự dưng lặng im mà nước mắt rơi”…
Đặc sắc hơn cả trong cuốn sách này là truyện ngắn mà Tống Phước Bảo chọn làm tựa cho cả tập - “Hỗn kỳ đài”. Một truyện ngắn ngồn ngộn chi tiết, được cài cắm công phu quanh cốt truyện vững chắc, gay cấn, nhiều bất ngờ. Những trận cờ bất phân thắng bại. Những chiêu trò mánh khóe, đa mưu. Những luẩn quẩn nắm - buông, được - mất. Những dùng dằng giữa thù hận với thứ tha. Tất cả những điều đó đã được nhà văn 8X này dồn lại trong một truyện ngắn đầy sức nén cùng vốn kiến văn sâu rộng về nghệ thuật cờ tướng và kỹ thuật viết chặt chẽ, điêu luyện, ẩn dụ.
Cuộc cờ cũng chính là cuộc đời, có muôn vàn lựa chọn, muôn vàn lối đi, muôn vàn sự cám dỗ, muôn vàn sự biến thiên. Chẳng ai đoán trước được ngày mai ra sao, tương lai thế nào. Kẻ là đối thủ với mình hôm nay, ngày mai có thể là người tay ấp, má kề. Yêu đương nồng thắm của hiện tại không có nghĩa tương lai vẫn ngập tràn hạnh phúc. Để thấy rằng, khó nhất là trong cuộc đời là sự cân bằng, như việc duy trì một ván - cờ - huề!
15 truyện ngắn trong tập “Hỗn kỳ đài” là 15 mảnh ghép sinh động và xúc động về cuộc sống muôn màu. Đâu đó vẫn còn những cái kết chưa thanh thoát, tự nhiên, những phân đoạn sa đà vào phô diễn kiến thức, những màn hội thoại màu mè, những pha “mở nút” sắp đặt khiên cưỡng. Nhưng không thể phủ nhận rằng, Tống Phước Bảo đã thực sự nỗ lực để vừa làm mới mình, vừa định hình văn phong đặc trưng hơi thở Nam bộ. Và rồi, quan trọng hơn hết, điều còn lưu lại, chính là tình người thấm đẫm từng câu, gieo vào từng chữ.
Như anh chia sẻ: “Sài Gòn không có gì hết trơn, chỉ có cái tình mà ôm trọn con người ta vào lòng, dung dưỡng con người ta trọn vẹn cuộc đời trên mảnh đất này. Vậy nên, khi viết về Sài Gòn, tôi chọn nhiều góc cạnh, lát cắt, mảnh ghép để tạo nên một Sài Gòn đa dạng thành phần, cung bậc và dĩ nhiên, đầy đủ nhất vẫn là cái tình Sài Gòn”. Đúng thật vậy, gấp lại “Hỗn kỳ đài”, độc giả có quyền đặt niềm tin vào những sự bứt phá của anh trên hành trình văn chương phía trước!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/phep-can-bang-trong-mot-van-co-hue-i676859/