Phép lạ dưới trần gian

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận ca bệnh người Nga, không giấy tờ tùy thân, không tài sản và tiền ăn cũng không. Tất cả đều trông vào bữa ăn của nhà hảo tâm.

Đó là hoàn cảnh bệnh nhân Sergey Paleev suy thận, đái tháo đường, loét hành tá tràng, tràn dịch đa màng… và người vợ Svetlana Paleeva (Sveta) khuôn mặt đẫm nước mắt đến từ thành phố Belgorod. Thật may mắn, ngay từ khi vừa nhập viện, các bác sĩ, cán bộ, điều dưỡng viên đã hết lòng hỗ trợ đôi vợ chồng cùng quẫn. Các "chiến sĩ áo trắng" đã xin quần áo cho vợ bệnh nhân, đồ dùng, vận động được 11 triệu đồng hỗ trợ, mở tài khoản mới của Bệnh viện Bạch Mai để vợ chồng Sergey thuận tiện nhận tiền ủng hộ và thanh toán viện phí…

Hay tin, nhiều người đã nhanh chóng đến thăm và tận tình hỗ trợ. Mở đầu là những người đã từng học tập tại Liên Xô, nổi bật có nhóm "Hoài niệm Liên Xô", "FBKN" (Khoa Nga, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, "Tri ân Liên bang Xôviết", "Kursk một thời để nhớ", nhóm các bạn từng học tập và công tác tại Tashkent… cùng các tình nguyện viên đã quyên góp hỗ trợ vợ chồng Sergey hàng trăm triệu đồng. Họ đã kết nối để Đại sứ quán Nga sớm hoàn thành thủ tục cấp lại giấy tờ cho hai vợ chồng. Sergey đã được ra viện, về nhà trọ và trở lại viện lọc máu theo định kỳ. Khuôn mặt khô héo của người phụ nữ Nga đã có nụ cười trở lại.

Sveta xúc động nói: "Chúng tôi muốn cảm ơn những người bạn Việt Nam tuyệt vời đã giúp đỡ chúng tôi trong lúc khó khăn. Ngày nào chúng tôi cũng cầu nguyện. Có lẽ Chúa đã nghe thấu, đã gửi đến cho chúng tôi những con người Việt Nam giàu lòng nhân ái".

Sveta cảm nhận được những tấm lòng thương người như thể thương thân của người Việt. Song hành với nó còn một tình cảm gần gũi hơn được xây đắp mà người dân bình thường như vợ chồng Sergey chưa chắc đã thấy hết. Đó là truyền thống nhân quả, đạo hòa với đời như lẽ tự nhiên. Giáo lý nhân quả trong Phật pháp có thể rất mơ hồ với ai đó nhưng có thể rất cụ thể, biện chứng và giản dị. Các cụ ngày xưa dù không được học hành vẫn hiểu rõ gieo nhân ngọt thì gặp quả thơm, gieo nhân dữ thì gặp quả ác. Việc gieo duyên lành được người dân bồi đắp bao đời chứ không phải chuyện chốc lát. Người Việt không quên Liên Xô và người Nga đã chi viện hết lòng, nhường cơm sẻ áo, chí tình, hiệu quả trong hai cuộc kháng chiến cứu nước.

Sveta chắc cũng không thể biết bên cạnh bệnh viện chồng cô đang nằm là trường Đại học Bách Khoa do Liên Xô thiết kế và xây dựng từ 1956. Suốt 2 cuộc kháng chiến và thống nhất giang sơn, Liên Xô đã giúp Việt Nam xây hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia như Thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Uông Bí, cầu Thăng Long, đường sắt Bắc Nam, khai thác dầu khí… Khi đất nước từng bước mở cửa nền kinh tế với nhiều trở ngại khó khăn thì nước Nga dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Putin đã xóa cho Việt Nam khoản nợ 10 tỷ USD. Ân tình này người Việt không bao giờ quên.

Nhớ lại Thế chiến 2, có 7 người Việt Nam tham gia Hồng quân chống phát xít Đức được nhà nước Nga ghi công, đưa vào dữ liệu bảo tàng "Con đường tưởng niệm" tại Công viên yêu nước ở Kubinka, ngoại ô Moscow. Đó là: Lê Phan Chăn, Đinh Trường Long, Vương Thúc Thoại, Vương Thúc Liên, Hoàng Thế Tư, Nguyễn Sinh Thân, Ngô Chí Thông. Trong đó, 5 người đã được truy tặng "Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất" và "Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng".

Việc gieo duyên phải kể xa hơn. Từ năm 1919, người thủy thủ (sau này là Chủ tịch nước) Tôn Đức Thắng đã tham gia cuộc “binh biến Hắc Hải”, thể hiện tình cảm với nhà nước Xôviết non trẻ, ngăn chặn chiến hạm Pháp định công phá thành phố bên bờ Biển Đen. Xa hơn nữa, đầu thế kỷ 20, ánh sáng từ luận cương Lênin được nhà cách mạng vĩ đại Nguyễn Ái Quốc vận dụng đã mở con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Những hạt mầm thành công đã được gieo từ rất lâu.

Cuối thế kỷ 20, cơn bão "diễn biến hòa bình" khiến vật đổi sao dời, nhiều quốc gia anh em bị thay tên đổi chủ, lịch sử bị bẻ cong, công lao chống phát xít của Hồng quân bị tẩy xóa thì ở một xứ sở xa nước Nga vạn dặm là Việt Nam, hình ảnh tốt đẹp của nước Nga vẫn giữ nguyên. Con người Nga chí tình, đôn hậu vẫn trọn vẹn trong tim người Việt. Rất nhiều nhà lãnh đạo, trí thức, doanh nhân được đào tạo từ nước Nga đã góp sức đưa Việt Nam vào "đường băng cất cánh". Khi đất nước thoát khỏi thời cơ cực, có của ăn của để, người Việt lại giúp những người anh em khắp năm châu đã chia lửa thời gian khó. Người Việt thủy chung như nhất: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Uống nước sông này nhớ suối từ đâu".

Người Việt đã giúp đỡ không chỉ người dân Nga mà sẵn sàng giúp bất kể người dân quốc gia nào một thời ân nghĩa. Trong đó có những nước cách nửa vòng trái đất như Cuba. Hình ảnh người Việt Nam tại châu Phi ngày càng sâu đậm. Người dân được người Việt thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình khám bệnh cấp thuốc, được doanh nghiệp Việt xây mạng viễn thông, được nông dân Việt hướng dẫn canh tác.

Sveta tin rằng chỉ có Chúa đã gửi đến cho họ những con người Việt Nam như một phép lạ, nhưng đôi vợ chồng này khó hình dung đây là phép lạ ngay dưới trần gian, được bắt đầu từ đời đời cha mẹ, ông bà... Tình cảm không chỉ là ngoại giao nhân dân mà là sự tin cậy của anh em ngọt bùi nhớ lúc đắng cay. Câu chuyện nhỏ của vợ chồng Sergey - Sveta nói một điều, người dân được hưởng lợi hôm nay là từ việc cha ông gieo mầm từ thế kỷ trước và tiếp tục là duyên khởi của tương lai.

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/phep-la-duoi-tran-gian-i737492/