'Phép màu' đang bảo vệ kinh tế Ukraine hay vẫn phụ thuộc một phần vào 'cái gật đầu' của Nga?
Khi xung đột Nga-Ukraine leo thang, người ta cho rằng, nó sẽ gây ra những điều tồi tệ nhất về mặt kinh tế. Nhưng có 'phép màu' đang giữ cho GDP của Kiev không còn lao dốc tới 30% như năm 2022, mà sẽ tăng trưởng dương?
Các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Trung ương Ukraine (NBU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, nền kinh tế Ukraine sẽ không còn suy giảm mạnh trong năm 2023 mà... sẽ đình trệ.
Trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế mới công bố, WB kỳ vọng tăng trưởng GDP của Ukraine năm 2023 sẽ đạt 0,5%. Theo phân tích của WB, bất chấp những thiệt hại kinh tế “to lớn” mà Kiev đang phải gánh chịu do xung đột quân sự Nga-Ukraine, việc mở lại các cảng ở Biển Đen và nối lại thương mại ngũ cốc, cũng như sự hỗ trợ đáng kể của các nhà tài trợ, "đang là các yếu tố chính giúp hoạt động kinh tế Ukraine không còn tụt dốc mạnh trong năm nay".
Tuy nhiên, theo ước tính mới nhất, chi phí tái thiết và phục hồi Ukraine hiện đã tăng lên 411 tỷ USD, cao hơn gấp đôi quy mô nền kinh tế trước xung đột với Nga.
Đà suy giảm của kinh tế Ukraine đã dừng lại?
Năm 2022, GDP của Ukraine đã giảm khoảng 30% do cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, hiện nay, đà suy thoái dường như đã dừng lại. Trong đầu năm nay, nền kinh tế Ukraine đã phục hồi ở một mức độ nào đó nhờ sự phối hợp giữa Ngân hàng trung ương, Bộ Tài chính và các nước tài trợ.
Đối mặt với những thách thức to lớn, người ta đã lo sợ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với nền kinh tế Ukraine, khi Nga mở rộng chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia này, từ tháng 2/2022.
Đầu tiên, doanh thu của chính phủ Ukraine bị thu hẹp vì các hoạt động kinh tế đang đi vào bế tắc. Thứ hai, chi tiêu đang tăng vọt, đặc biệt là cho quốc phòng. Trong quý đầu tiên của năm 2023, Ukraine đã chi 403 tỷ Hryvnia (10,8 tỷ USD) cho quốc phòng - gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm 2022. Chi phí quốc phòng hiện chiếm 57% chi tiêu của chính phủ.
Kết quả là thâm hụt ngân sách của đất nước tăng lên một cách đáng lo ngại. Bên cạnh đó, Ukraine cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Một mặt, Ukraine không còn có thể vay nước ngoài. Mặt khác, thị trường vốn trong nước kém phát triển.
NBU đã phải nỗ lực xoay sở. Năm 2022, NBU đã tạm thời trang trải tới một nửa số thâm hụt ngân sách hàng tháng bằng cách mua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, loại tài chính tiền tệ nhà nước này ẩn chứa những rủi ro lớn vì nó làm gia tăng lạm phát. Ban lãnh đạo NBU cũng đã nhiều lần cảnh báo về điều này.
Năm nay, ngân hàng trung ương không còn đóng vai trò là “người cho vay cuối cùng” đối với nhà nước. Có những nhân tố khác giúp cải thiện tình hình ở Ukraine về mặt này.
Các nước phương Tây và IMF đã hợp tác để cung cấp viện trợ tài chính cho Ukraine, nhưng cần thời gian để phát huy tác dụng, tương tự như viện trợ quốc tế.
Ngoài ra, rất nhiều tiền đã được hứa hẹn cung cấp cho Ukraine vào năm 2022, tuy nhiên, việc chuyển tiền vẫn còn diễn ra khá chậm chạm. Vào tháng 4/2023, Ukraine đã nhận được các khoản viện trợ tài chính trị giá 5,6 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ tháng nào kể từ tháng 2/2022.
Trong năm 2023, EU đã cam kết viện trợ khoảng 19,5 tỷ USD cho Ukraine, Mỹ muốn đóng góp 11 tỷ USD, các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế như IMF cũng hứa hẹn đóng góp các quỹ bổ sung.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Ukraine ước tính, nước này vẫn còn thiếu hụt tài chính 13 tỷ USD cho cả năm 2023. Hỗ trợ tài chính tiếp tục gắn liền với nhiều điều không chắc chắn. Chẳng hạn như những thay đổi chính phủ ở các quốc gia tài trợ có thể làm thay đổi chính sách hỗ trợ.
Khi xung đột Nga-Ukraine leo thang, NBU đã đảo ngược chính sách tiền tệ. Trước đây, tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ được điều chỉnh linh hoạt thì nay đã cố định vào đồng USD.
NBU cũng tăng lãi suất cơ bản lên 25%. Điều này sẽ giúp kiểm soát lạm phát và thúc đẩy người dân giữ số dư bằng đồng Hryvnia. NBU cũng bán ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá của họ. Tuy nhiên, NBU nên thận trọng với những giao dịch như vậy, vì Ukraine cần ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu.
Nợ của Ukraine là không bền vững?
Điều bất ngờ là nhờ viện trợ tài chính quốc tế, Ukraine hiện có dự trữ cao đáng kinh ngạc là 36 tỷ USD, đây là mức cao kỷ lục đối với nền kinh tế Ukraine trong 11 năm qua.. Cho đến nay, chính sách tiền tệ của NBU đã hoạt động khá tốt. Lạm phát gần đây đã giảm từ 25% xuống 21,3%. Tất nhiên, giá năng lượng và lương thực giảm cũng góp phần vào việc giảm này. NBU đã nhận được lời khen ngợi cho các quyết định và hành động của mình.
Chuyên gia Robert Kirchner từ Nhóm Kinh tế Đức, thay mặt cho Bộ Kinh tế Đức cố vấn cho chính phủ Ukraine cho biết, chính sách tiền tệ chặt chẽ cũng có mặt trái của nó. Lãi suất cao là gánh nặng đối với các công ty vốn cũng đang phải vật lộn với vấn đề cung và cầu sụt giảm.
Hệ thống ngân hàng Ukraine đã vượt qua bài kiểm tra khó khăn, trong bối cảnh gần đây đã xảy ra hiện tượng “tháo chạy khỏi ngân hàng” ở Thụy Sỹ và Mỹ. Nhiều người đã rút tiền của họ vì không còn tin tưởng vào các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, bất chấp xung đột, các ngân hàng Ukraine cho đến nay vẫn tránh được tình trạng này.
Hệ thống tài chính cũng hoạt động tốt về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, thời gian đang chống lại các ngân hàng. Trước tháng 2/2022, tỷ lệ nợ xấu của Ukraine đã giảm từ mức cao, nhưng sau đó xu hướng này đột ngột đảo ngược. Theo NBU, 30-37% các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay không hoạt động.
Về mặt kinh tế, những ngày tới có tầm quan trọng lớn đối với Ukraine. Không rõ, liệu Thỏa thuận Ngũ cốc do Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian có thể tiếp tục kéo dài nữa hay không. Vào giữa tháng 3/2023, Thỏa thuận chỉ được gia hạn thêm 60 ngày và hiện nó đang phụ thuộc nhiều vào "cái gật đầu" của Nga.
Vừa mới đây, phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp tại Liên hợp quốc (LHQ) Martin Griffiths cho biết, trong những ngày tới LHQ sẽ tập hợp các nỗ lực nhằm thúc đẩy các bên liên quan tiếp tục gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc trước khi nó hết hạn vào ngày 18/5.
Trước đó, ông Griffiths đã có một cuộc họp với các đại diện từ Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ kỳ để bàn về tầm quan trọng và các điều khoản nhằm thúc đẩy hai bên sớm đạt sự đồng thuận về gia hạn. Tuy nhiên, sau buổi họp trên triển vọng về việc gia hạn thỏa thuận vẫn còn “lu mờ”, bởi Nga cho rằng, những điều kiện được đưa ra là không phù hợp nguyện vọng của Moscow. Nga chưa thể đồng ý gia hạn Thỏa thuận Ngũ cốc vì cho rằng Thỏa thuận này không hoạt động theo đúng chức năng của nó.
Kể từ mùa Hè năm 2022, Thỏa thuận Ngũ cốc đã cho phép Ukraine xuất khẩu lúa mỳ, ngô và các mặt hàng nông nghiệp khác qua Biển Đen.
Đất nước này phụ thuộc vào thu nhập ngoại hối từ kinh doanh nông nghiệp, vì các mặt hàng xuất khẩu khác đã giảm mạnh. Hàng hóa nông nghiệp chiếm khoảng 69% xuất khẩu của Ukraine trong quý đầu tiên.
Ngay cả sau khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc, tình hình tài chính nhà nước của Ukraine sẽ khiến các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế bận rộn trong một thời gian dài.
Chuyên gia Robert Kirchner đã chỉ rõ vấn đề trong nền kinh tế Ukraine hiện tại, “IMF phân loại nợ của Ukraine là không bền vững”. Viện trợ tài chính từ các quốc gia và IMF một phần là các khoản trợ cấp, nhưng một phần cũng là các khoản vay mà Ukraine phải trả trong thời gian dài.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-ukraine-se-khong-con-suy-giam-227322.html