Phép màu kỳ diệu đã mang bố về cùng con gái
Bố nằm đó, lọt thỏm giữa máy móc, dây nhợ hỗ trợ y tế nhằng nhịt. Ấy vậy mà khi con luồn tay vào, bố đã nắm lấy tay con gái thật chặt.
Bố thương yêu của con!
Con không nhớ rõ, đã bao lâu rồi, bố con mình không còn viết thư gửi cho nhau. Có lẽ, từ khi bố không đi công tác xa nữa mà chuyển về công tác tại Hà Nội, bố nhỉ. Những ngày qua, con đã trải qua bao thăng trầm cảm xúc khi bố nằm viện. Giờ đây, có một sự thôi thúc trong con, cần phải viết một lá thư gửi đến bố. Con mơ hồ lo sợ, một ngày nào đó, bố không kịp đọc được những tâm tư, giãi bày tình cảm của con.
Mẹ kể rằng, ngày còn nhỏ, tối nào con cũng khóc hờn bằng cái giọng ngọng nghịu: “Bố bế ton đi hủ...”. Bố bế con trên tay, đi rong khắp phố cho đến khi con ngủ thiếp đi. Sau này lớn hơn, con chỉ cảm thấy yên tâm khi tối đến được bố đưa vào giường đi ngủ.
Có những đêm mùa hạ chợt thức giấc, con thấy bố vẫn miệt mài làm việc dưới ánh đèn vàng, tay phe phẩy chiếc quạt nan. Ngày ấy, nhà mình có mỗi chiếc quạt con cóc bé bằng nắm tay, bố nhường cho mấy mẹ con. Và đêm nào cũng vậy, con cảm thấy thật bình an khi chìm vào giấc ngủ có bóng dáng của bố in trên tường.
Giờ đây, những ngày nằm viện, bố chỉ yên tâm ngủ thiếp đi khi nắm tay con. Bố bảo: “Hôm nào con chuẩn bị chăn gối là bố thấy ngủ ngon hơn”. Có những hôm, chờ bố ngủ say, con từ từ gỡ bàn tay gầy guộc của bố ra mà tim thắt lại vì thương.
Bố, theo năm tháng, con học được rằng, tình yêu thương của bố dành cho con gái được thể hiện từ những điều bình dị. Bố còn nhớ không, có một cô con gái nhỏ xíu luôn háo hức đón bố đi làm về. Lý do thật đơn giản, hôm nào trong chiếc túi của bố cũng có một món quà nho nhỏ “lót tay” cho con gái. Con vui sướng nhận quà mà đâu biết, thay vì đi tàu điện, bố đã đi bộ từ cơ quan về nhà để tiết kiệm tiền mua quà cho con gái nhỏ. Sau này, nhờ mẹ nói mà con mới biết điều đó.
Con gái nhỏ thường “quấn” bố là có thật. Trong những năm tháng gian khó của thời bao cấp, bằng sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc, bố đã thi đạt điểm làm Thạc sĩ tại CHDC Đức. Đêm trước ngày chia tay, con thao thức không ngủ được, cứ ôm chặt lấy bố rồi hỏi: “Bố đi mấy ngày thì về?”. Bố bảo: “Bố đi chuyến này hơi lâu, con gái ở nhà phải ngoan, nghe lời mẹ nhé”. Năm đó, con thức trắng mấy đêm khi bố đi nước ngoài.
Thời gian trôi, khi về già, bố luôn mong con gái ở bên. Những ngày bố nằm viện, có hôm con kiệt sức, không thể trông bố ban đêm. Tối muộn, bố chợt hỏi con: “Mấy giờ rồi?”. Con trả lời: “21 giờ rồi bố ạ”. Bố thở dài: “Thời gian trôi thật nhanh, thế là con sắp về rồi. Lúc nào con ở đây bố cũng thấy vui”. Trái tim con “tan chảy” vì lời nói của bố.
Bố và con luôn có một sự kết nối thân thiết đến lạ kỳ. Ngày còn trẻ, bố thường đi công tác xa, mỗi khi con bị ốm, bố đều mơ thấy, liền viết thư về hỏi mẹ, lần nào cũng đúng. Trong nhà mình, bố là một người khỏe mạnh, luôn là chỗ dựa cho mọi thành viên. Hai lần bố ốm nặng, con đều có giấc mộng báo trước.
Với con, bố luôn là người bạn lớn minh triết. Mỗi khi đứng trước một quyết định quan trọng, con thường hỏi ý kiến bố. Con nhớ mãi lần nói với bố ý định chuyển cơ quan. Bố nghe xong, điềm tĩnh bảo: “Con ạ, viên sỏi mà lăn nhiều sẽ không có rêu. Mà đã không có rêu thì sẽ không thể trụ vững. Vậy con hãy cứ coi những khó khăn kia là thử thách nhé. Vượt qua được, ở lại mới là khó con ạ”. Và con đã nghe theo lời khuyên của bố.
Cuộc đời dâu bể thăng trầm, con gặp biến cố lớn trong cuộc đời, sai lầm này nối tiếp sai lầm kia để liên lụy đến bố mẹ. Một ngày, con xác định, mình đã thất bại hoàn toàn. Con trở về nhà, ôm lấy bố, khóc òa lên: “Bố ơi, con sai rồi, con hại bố mẹ rồi. Lỗi bất hiếu này, con có tu ngàn kiếp cũng không thể rửa sạch”.
Bố ôm lấy con: “Thôi nào, con gái, bình tĩnh lại đi, đằng nào cũng thế rồi, bây giờ tìm hướng để giải quyết chứ”. Con luôn ghi sâu trong tâm khảm chuỗi ngày bố mẹ đồng hành, vất vả cùng con. Và, nhờ sự điềm tĩnh, bao dung và những lời động viên của bố, con đã dần bình tâm, mạnh mẽ đi xuyên qua “tâm bão”.
Chờ đợi luôn mang lại những cảm xúc thật đặc biệt. Với con, hơn 180 phút bố vào phòng mổ là quãng thời gian dài nhất trong đời. 8 giờ 16 phút bố vào phòng cách ly, chuẩn bị gây mê. Trước khi xe rời đi, con nắm tay bố. Bàn tay bố lạnh ngắt, run rẩy cố níu lấy tay con. Thời khắc đó, bố hơi sợ, đúng không?
Con gắng gượng lấy tinh thần nhắc câu nói vui của chúng ta: “Bắt tay nhau, tốt tốt nào...”. Bố lập bập môi nói theo: “Tốt tốt tốt”. Y tá đẩy bố vào phòng mổ cũng là khi con bật khóc. Bao cảm xúc xáo trộn, dâng trào. Sau những giây phút đợi chờ đằng đẵng, y tá ra gọi người nhà vào gặp bệnh nhân.
Bố nằm đó, lọt thỏm giữa máy móc, dây nhợ hỗ trợ y tế nhằng nhịt. Ấy vậy mà khi con luồn tay vào, bố đã nắm lấy tay con gái thật chặt. Con trấn an: “Có con ở đây rồi, bố yên tâm nhé”. Bố gật đầu, ngủ thiếp đi.
Ca mổ đã thành công. Tuy nhiên, vì tuổi cao, phải trải qua một ca phẫu thuật khá phức tạp, dùng quá nhiều loại thuốc nên bố yếu đi nhanh chóng. Mỗi ngày, khi vào viện, con luôn cầu nguyện sẽ không có bất trắc xảy ra. Thế nhưng, vẫn không thể tránh khỏi giây phút con rơi vào tuyệt vọng khi ngồi chờ ngoài hành lang lạnh lẽo. Sau cánh cửa đóng kín, các bác sĩ đang khẩn trương cấp cứu cho bố. Tình thế cấp bách đến nỗi, không kịp đẩy bố lên phòng cấp cứu mà phải xử lý ngay tại giường bệnh.
Có đêm muộn, các bác sĩ gọi con ra trao đổi riêng để xác định tinh thần về tình huống xấu nhất sẽ xảy ra. Nhưng rồi, phép màu kỳ diệu đã đến. Niềm hy vọng sáng lên trong con khi bác sĩ đã tìm ra loại thuốc điều trị đúng bệnh của bố.
Hôm nay, bố đã giữ đúng lời hứa, trở về nhà cùng con gái. Dẫu chặng đường phía trước còn gian nan trong quá trình phục hồi, nhưng con tin rằng, bố sẽ tiếp tục mạnh khỏe, bình an thêm nhiều năm bên con cháu. Người bạn già của con, cố gắng nhé. Con và tất cả gia đình, anh chị em bạn hữu luôn mong bố mau bình phục.
Bố, có một điều con muốn nói từ lâu: Con rất yêu bố. Và... con luôn khắc ghi trong tim hình ảnh một người cha tràn đầy tình yêu thương, điềm tĩnh, minh triết, bao dung. Cảm ơn những điều tốt đẹp bố đã dành cho con. Nếu có kiếp sau, con vẫn xin được làm con gái của bố!
Thương yêu và biết ơn bố thật nhiều!
Con gái của bố
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Cao Thị Lan Anh
Địa chỉ: 575 Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem!
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/phep-mau-ky-dieu-da-mang-bo-ve-cung-con-gai-d190662.html