'Phép màu' ở nơi duy nhất tại Nhật Bản không phải đối mặt khủng hoảng dân số
Tỷ lệ sinh đẻ ở thị trấn Nagi của Nhật Bản cao gấp đôi so với cả nước, và được ví như 'phép màu' ở quốc gia đang phải chứng kiến dân số giảm mạnh trong 30 năm qua.
Trung bình mỗi phụ nữ ở Nagi, nơi sinh sống của khoảng 6.000 người, sinh hơn 2 con. Trong khi đó, tỷ lệ sinh đẻ trung bình ở Nhật Bản chỉ ở mức 1,3. Như vào năm 2022, số trẻ chào đời ở Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, khi lần đầu tiên giảm xuống dưới 800.000.
Hồi tháng Hai, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhấn mạnh rằng, "chúng ta phải thực hiện các chính sách liên quan đến sinh đẻ và nuôi con ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Đây đơn giản là vấn đề không thể trì hoãn lâu hơn nữa".
Do đó, chuyện xảy ra ở thị trấn Nagi thuộc tỉnh Okayama được ví như "phép màu". Theo Wall Street Journal, chính tỷ lệ sinh đẻ cao bất thường ở Nagi đã giúp thị trấn trở thành nơi thu hút các đoàn thăm quan, mà trong số này có cả các quan chức nước ngoài tới học hỏi mô hình phát triển dân số.
Chính sách hỗ trợ
Theo giới chuyên gia, mạng lưới an sinh xã hội bao gồm các chính sách được thiết kế hướng tới dịch vụ chăm sóc trẻ với mức giá phải chăng đã giúp tăng dân số ở thị trấn Nagi.
Cụ thể, phụ huynh ở Nagi chỉ phải trả tối đa 420 USD/tháng cho cơ sở chăm sóc trẻ vào ban ngày đối với con đầu lòng. Với đứa con thứ hai, cha mẹ sẽ chỉ phải trả tối đa 210 USD/tháng và miễn phí nếu là con là thứ ba.
Ngoài ra, phụ huynh ở Nagi còn nhận được khoản trợ cấp 1.000 USD/năm cho mỗi đứa trẻ nhập học trung học. Trên hết, các bậc cha mẹ nhận được những khoản thanh toán một lần ngay sau khi sinh con, và số tiền này sẽ tăng gấp đôi khi sinh những đứa con tiếp theo. Cụ thể, đứa con đầu lòng sẽ được thanh toán 879 USD, và tăng lên thành 3.518 USD cho con thứ ba. Như CNN đưa tin vào năm 2019, thị trấn Nagi còn cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho tất cả trẻ em và trợ cấp nhà ở.
Nói với Wall Street Journal, cư dân ở Nagi cho hay một trong những nguyên nhân giúp phụ nữ không ngại sinh thêm con là do mọi người có tư tưởng cùng chung tay nuôi trẻ.
Cô Nozomi Sakaino, mẹ của ba đứa trẻ, giải thích: “Ở Nagi, các bà mẹ đều là mẹ của tất cả đứa trẻ. Chúng tôi chăm sóc con cái cho nhau”.
Mô hình đáng nhân rộng
Mô hình ở Nagi là điều mà Chính phủ Nhật Bản muốn nhân rộng ở các khu vực khác trong cả nước. Trong vài năm qua, Nhật Bản cũng đã đưa ra nhiều chính sách khuyến sinh bằng cách hứa hẹn trao tặng tiền thưởng và phúc lợi cho các cặp vợ chồng. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng liên tục có các chương trình giải quyết gánh nặng chi phí nuôi con.
Điển hình, vào năm 1994, “Kế hoạch Thiên thần” của Chính phủ Nhật Bản hướng đến sự căng thẳng của phụ huynh nên đã cung cấp dịch vụ tư vấn, hay “Kế hoạch Thiên thần Mới” được sửa đổi nhiều năm sau đó đã chi trả cho các bậc phụ huynh khoảng 280 USD/tháng cho mỗi đứa trẻ để giúp trang trải chi phí nuôi con.
Nhưng thực tế, Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia có chi phí sống đắt đỏ nhất thế giới, và tỷ lệ sinh đẻ thấp kỷ lục cho thấy các biện pháp hỗ trợ là vẫn chưa đủ. Tính đến năm 2020, GoBankingRates xác định chi phi sống đắt đỏ ở Nhật Bản đứng hàng thứ 8 trên thế giới, và vượt xa cả Mỹ, Anh và Hàn Quốc.
Chính việc người dân di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng cũng đang làm trầm trọng thêm tình hình sinh con ở Nhật Bản. Với hơn 93% dân số sống trong các thành phố, không gian sống chật chội cùng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ đã khiến các hộ gia đình gặp khó khăn hơn trong việc nuôi con nhỏ.
Trái lại, thị trấn Nagi lại có mạng lưới an sinh xã hội dành cho các gia đình có trẻ em như cách mà Mỹ đang làm để giảm bớt gánh chi phí. Cụ thể, trong nửa cuối năm 2021, mỗi tháng hàng triệu gia đình đã nhận được séc tín dụng thuế dành cho trẻ em để giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt cho các phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu và lao động.
Mô hình ở Nagi cũng khiến các quốc gia khác phải học hỏi theo. “Chúng tôi muốn có những chính sách giống như vậy”, ông Kang Mu-seung, một quan chức Hàn Quốc đến thăm thị trấn Nagi chia sẻ.
Không chỉ riêng Nhật Bản, trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh đẻ đã giảm trên toàn thế giới. Như tại Mỹ, theo các chuyên gia, số trẻ chào đời giảm một phần là do chi phí nuôi con tốn kém.