Phép thử!
Nền chính trị Thái Lan, một trong những quốc gia xảy ra nhiều cuộc đảo chính nhất thế giới, lại đang trong tình trạng 'rất mong manh' khi liên minh cầm quyền do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu hiện đang nắm thế đa số hết sức mỏng manh tại Hạ viện nước này.
Nền chính trị Thái Lan, một trong những quốc gia xảy ra nhiều cuộc đảo chính nhất thế giới, lại đang trong tình trạng “rất mong manh” khi liên minh cầm quyền do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu hiện đang nắm thế đa số hết sức mỏng manh tại Hạ viện nước này.
Những khó khăn được nhắc đến nhiều hơn nữa khi dự luật ngân sách cho năm tài khóa 2020 sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Thái Lan vào tháng 10 này. Bởi trong bối cảnh chính trị như hiện nay, dự luật này sẽ là phép thử đối với sự bền vững của chính phủ do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.
Phiên họp thứ nhất xem xét dự luật ngân sách sẽ diễn ra tại Hạ viện vào ngày 17-10 tới. Phiên họp thứ hai và thứ ba dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1-2020. Sau khi kết thúc 3 phiên họp, dự luật trên sẽ được đưa ra bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện. Nếu được thông qua tại Hạ viện, dự luật ngân sách sẽ được chuyển lên Thượng viện để xem xét trước khi được Nhà vua ký sắc lệnh ban hành.
Tuy nhiên, với thế đa số “mỏng như dao cạo” tại Hạ viện, chính phủ của ông Prayut sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Việc giành được sự ủng hộ đối với dự luật quan trọng này là vấn đề sống còn về mặt chính trị của liên minh cầm quyền cũng như bản thân ông Prayut. Hiện nay, số ghế của liên minh cầm quyền ở Hạ viện đã giảm từ 254 xuống 251 bởi thành viên của đảng Palang Pracharath Waipoj Apornrat đã bị bãi nhiệm tư cách hạ nghị sĩ sau nhận án tù chung thân vì vai trò quan trọng trong cuộc bạo loạn khiến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN bị hủy bỏ vào năm 2009.
Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai tuần qua đã cảnh báo về những hậu quả chính trị nghiêm trọng nếu dự luật chi tiêu 3.200 tỷ Baht bị thất bại tại Hạ viện. Bởi thực tế là, chính phủ Thái Lan cần phải đảm bảo dự luật trên được thông qua nếu không sẽ đón nhận những hậu quả đáng sợ nếu nỗ lực này thất bại. Trước mắt, nếu đạo luật trên không được thông qua, ông Prayut sẽ phải đối mặt với áp lực chính trị yêu cầu ông từ chức hoặc giải tán Hạ viện để thể hiện trách nhiệm theo truyền thống chính trị.
Tướng Prayut là nhân vật từng lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 khi ông làm tư lệnh lục quân, gạt bỏ đảng Peau Thai ra khỏi quyền lực sau các cuộc biểu tình đổ máu trên đường phố. Ông Prayut được Quốc hội lưỡng viện bầu làm Thủ tướng tiếp theo của Thái Lan sau cuộc tổng tuyển cử tháng 3 vừa qua.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_213521_phep-thu-.aspx