Phép thử cho chủ nghĩa đa phương châu Á

Trong năm 2022, 3 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đảm nhận vai trò chủ tịch của các khuôn khổ đối thoại quan trọng trong khu vực và toàn cầu. Người ta kỳ vọng rằng, dưới sự lãnh đạo của các nước ASEAN, năm 2022 sẽ là điểm nhấn trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi động lực kinh tế tích cực của các nước Đông Nam Á tạo cơ sở cho lạc quan này.

3 nước đó là Indonesia lần đầu tiên trong lịch sử trở thành Chủ tịch của nhóm 20 nền kinh tế phát triển (G20); Thái Lan đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và vai trò Chủ tịch ASEAN được chuyển giao cho Campuchia. 3 nước này đã xây dựng chương trình nghị sự cho nhiệm kỳ chủ tịch của mình.

Indonesia đề xuất lấy thảo luận về cơ cấu y tế toàn cầu, cách đảm bảo chuyển đổi năng lượng bền vững và chuyển đổi kỹ thuật số làm chủ đề hàng đầu của G20. Thái Lan kêu gọi các thành viên APEC tập trung thảo luận về phục hồi sau COVID-19 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn Campuchia xây dựng ý tưởng tốt đẹp để gắn kết sức mạnh các quốc gia trong khu vực trong cuộc chiến đương đầu với những thách thức mới: ASEAN A.C.T (Addressing Challenges Together - tạm dịch là “Cùng nhau giải quyết các thách thức”).

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp ông Joko Widodo tại Moscow trong chuyến thăm tháng 6/2022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp ông Joko Widodo tại Moscow trong chuyến thăm tháng 6/2022.

Tuy nhiên, lộ trình dự kiến của 3 nhiệm kỳ chủ tịch này đều bị ảnh hưởng bởi hai cuộc xung đột đang trở nên ngày càng khó đoán định. Cuộc xung đột ở Ukraine chuyển sang giai đoạn “nóng” khiến Nga tách rời gần như hoàn toàn không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế khỏi Mỹ, EU và một số nước khác - những quốc gia tham gia trừng phạt Nga. Ở Đông Nam Á, cuộc xung đột cách xa về mặt địa lý này đang tác động đến đời sống kinh tế của các quốc gia trong khu vực dưới dạng lạm phát gia tăng và những lo ngại về an ninh lương thực và năng lượng. Hơn nữa, những vấn đề này cũng đang tác động tới các nước chủ tịch trong việc tổ chức công tác thể chế G20, APEC và các cơ chế lấy ASEAN làm trung tâm.

Cuộc xung đột thứ hai là mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nanci Pelosi và chuyến đi của các nghị sĩ Mỹ diễn ra sau đó 2 tuần. Mâu thuẫn này ảnh hưởng đặc biệt đến thể chế của nhóm G20.

Trên tinh thần của cách tiếp cận bao trùm, 3 nước chủ trì đã đưa ra tuyên bố vào tháng 5/2022, rằng họ đều không muốn biến các nền tảng đa phương thành đấu trường tranh chấp quốc tế và sẵn sàng hợp tác với tất cả đối tác. Mặc dù chịu áp lực đáng kể của Mỹ và EU, cả 3 quốc gia đều đã từ chối loại Nga ra khỏi hoạt động của G20, APEC và các thể chế lấy ASEAN làm trung tâm. Minh chứng cụ thể nhất của những động thái này, đó là mặc dù các quốc gia phương Tây liên tiếp kêu gọi không mời đại diện Nga nhưng Bộ trưởng Tài chính Nga A. G. Siluanov vẫn tham gia cuộc họp bộ trưởng tài chính G20 tại Bali tháng 7/2022, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov vẫn tham gia cuộc họp ngoại trưởng G20 tại Bali cũng trong tháng 7/2022 và cuộc họp ngoại trưởng trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Đông Á tại Phnom Penh tháng 8/2022, bên lề Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55.

Nếu xem xét tình hình trong bối cảnh rộng hơn, năm 2022 thực sự đang thử thách sức mạnh của chủ nghĩa đa phương châu Á. Trong hoàn cảnh quốc tế mới này, câu hỏi không thể tránh khỏi là liệu các nước châu Á, cụ thể là 3 nước ASEAN này, có thể bảo vệ vai trò quản lý tiến trình khu vực và phần nào là toàn cầu, không phải bằng lời nói mà bằng hành động hay không? Vấn đề này có ý nghĩ đặc biệt trong bối cảnh cuộc thảo luận đang diễn ra trong cộng đồng khoa học và giới chuyên gia phương Tây về vai trò của thể chế đa phương trong quá trình “hội nhập” của các nước mà họ cho là “lệch lạc” như Nga hay Trung Quốc (và danh sách này còn có thể kéo dài) vào cái hệ thống mà họ gọi là “trật tự thế giới dựa trên quy tắc”. Tất nhiên, đó là trên quy tắc mà họ cho là đúng, do các nước phương Tây đề ra.

Bất chấp mọi lo ngại rằng tranh chấp giữa các cường quốc sẽ làm tê liệt hoạt động của các thể chế đa phương, lập trường của 3 quốc gia chủ trì này dường như cho thấy tham vọng của họ chí ít là góp phần làm giảm bớt xung đột trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây, giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này được chứng minh bằng nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người đã đến thăm cả Ukraine và Nga vào tháng 6/2022. Indonesia cho tới nay vẫn giữ vững quyết định không tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga và bác bỏ ý tưởng thiết lập mức giá trần đối với dầu của Nga do Mỹ tích cực thúc đẩy, vì nước này không tin rằng những hành động như vậy có thể góp phần làm giảm căng thẳng quốc tế và đảm bảo an ninh năng lượng.

Còn Thái Lan và Nga thì kỷ niệm 125 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2020, trong khi Campuchia cũng tiếp cận vấn đề trừng phạt một cách thận trọng. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos vào tháng 5/2022, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kiêu gọi từ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, vì tác động ngược của chúng đối với chính các quốc gia khởi xướng trừng phạt và quan trọng nhất là đối với các quốc gia đang phát triển, không liên quan đến cuộc xung đột và mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch.

Năm 2022 cũng xuất hiện những nỗ lực đầu tiên nhằm công kích từ bên trong các thể chế lấy ASEAN làm trung tâm.

Tháng 7/2022, với lý do là xung đột ở Ukraine và tình hình Myanmar, các nước Australia, Mỹ và New Zealand đã tẩy chay một phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) về chống khủng bố do Myanmar và Nga chủ trì. Cho tới nay, các sự kiện của G20, APEC và ASEAN có sự tham gia của Nga với quy mô lớn chưa từng bị tẩy chay toàn diện. Trong bối cảnh đó, mối quan tâm của nhiều nhà quan sát đó chính là liệu chủ nghĩa đa phương châu Á có vượt qua được những thử thách này hay không?

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/phep-thu-cho-chu-nghia-da-phuong-chau-a-i670340/