Phép thử đối với mục tiêu khí hậu và lao động của Mỹ

Hai trong số các mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden - chống biến đổi khí hậu và mở rộng tầng lớp trung lưu bằng cách hỗ trợ các công đoàn - đang gặp xung đột ở bang 'chiến trường' Michigan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Baltimore, Maryland. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Baltimore, Maryland. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai trong số các mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden - chống biến đổi khí hậu và mở rộng tầng lớp trung lưu bằng cách hỗ trợ các công đoàn - đang gặp xung đột ở bang “chiến trường” quan trọng Michigan, khi Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô (UAW) tuyên bố đình công, chống lại các nhà sản xuất ô tô lớn nhất Mỹ.

Cuộc đình công, diễn ra từ ngày 15/9, có sự tham gia của 13.000 công nhân, chưa đến 1/10 tổng số thành viên của công đoàn ngành công nghiệp ô tô. Nhưng đây được xem là một bài kiểm tra cho khả năng duy trì một liên minh chính trị mở rộng đi kèm bất đồng của Tổng thống Biden, trong khi ông đang nỗ lực cho chiến dịch tái tranh cử vào năm 2024.

Tổng thống Biden đã cố gắng thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện, nhằm đạt mục tiêu giảm khí thải nhà kính và củng cố năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp đang phát triển tại quê nhà. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), đã được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 8/8/2022, là một kế hoạch chi tiêu hào phóng, trị giá 369 tỷ USD, bao gồm các khoản giảm thuế lớn cho năng lượng sạch và cả năng lượng mặt trời. IRA được coi là thỏa thuận lịch sử về khí hậu, một khoản tài trợ lớn dành cho các dự án được thiết kế để giảm thiểu biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe môi trường. Đạo luật này cũng mang lại cho ngành công nghiệp ô tô hàng tỷ USD, để khuyến khích sản xuất xe điện thay vì duy trì xe chạy bằng xăng hoặc khí đốt.

Tuy nhiên, một số thành viên của UAW lo ngại quá trình chuyển đổi trong nội tại ngành ô tô sẽ khiến nhiều người mất việc làm, vì xe điện cần ít người lắp ráp hơn. Mặc dù sẽ có những cơ hội mới trong công việc sản xuất pin điện dung lượng cao, nhưng không có gì đảm bảo rằng sẽ không có sự hợp nhất giữa các nhà máy và các công ty trong ngành và cả khả năng hoạt động sản xuất ô tô sẽ di dời ra khỏi bang Michigan, thủ phủ của ngành công nghiệp ô tô truyền thống, đến các bang khác có lượng lao động kỹ năng cao hơn và được tổ chức tốt hơn.

Giáo sư Erik Gordon tại Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan cho biết: “Tổng thống Biden đang ở trong một tình thế thực sự khó khăn”.

Nghiệp đoàn đưa ra yêu cầu ba “ông lớn” ngành ô tô Mỹ, bao gồm Ford, General Motors và Stellantis, tăng lương và đảm bảo phúc lợi tốt hơn cho người lao động. UAW thậm chí đã gia tăng áp lực bằng các cuộc đình công có chủ đích. Bà Brittany Eason, người đã làm việc 11 năm tại nhà máy lắp ráp ô tô Ford ở Wayne, bang Michigan, cho biết các công nhân lo lắng rằng họ sẽ bị loại bởi máy tính và xe điện.

Bà Eason dự kiến sẽ tham gia vào cuộc đình công của UAW cuối tuần này. Bà nói: “Làm sao bạn có thể mong đợi mọi người làm việc thoải mái khi họ đang sợ mất việc?”. Theo bà Eason, xe điện phát triển là hiện thực không thể tránh khỏi, nhưng cần có sự thay đổi phù hợp, để tất cả mọi người cảm thấy họ được đảm bảo về công việc, nhà cửa và mọi thứ.

Tổng thống Biden, ngày 15/9, xác nhận có sự căng thẳng đang diễn ra trong ngành công nghiệp ô tô. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden nhấn mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch phải công bằng và đôi bên cùng có lợi cho cả người lao động và các công ty trong ngành ô tô.

Nhà lãnh đạo chính phủ Mỹ đã cử các trợ lý hàng đầu đến Detroit để giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán, đồng thời kêu gọi các nhà quản lý ngành công nghiệp ô tô đưa ra những đề nghị hào phóng hơn cho công đoàn. Ông nói: “Họ nên tiến xa hơn để đảm bảo lợi nhuận doanh nghiệp kỷ lục đồng nghĩa với những hợp đồng kỷ lục”.

Là một phần của chiến dịch, UAW đã ngỏ ý muốn đại diện cho các công nhân đang làm việc tại các nhà máy pin năng lượng. Điều này được cho là sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ hơn trong ngành công nghiệp ô tô, vốn đang chứng kiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn bởi những thay đổi công nghệ.

Ông Dave Green, Giám đốc khu vực của nghiệp đoàn lao động các bang Ohia và Indiana, nói: “Pin điện là hệ thống động lực của tương lai. Các công nhân của chúng tôi trong lĩnh vực động cơ và chuyển động học cần được nâng cao trình độ và có thể chuyển sang mô hình mới”.

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành lại muốn cắt giảm chi phí lao động khi công ty của họ chuẩn bị cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang dần thống trị lĩnh vực ô tô điện và pin toàn cầu.

Bà Suzanne Clark, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ, nói: “Cuộc đình công của UAW, có thể gọi là “cuộc đình công mùa Hè”, là kết quả tự nhiên từ cách tiếp cận “toàn chính phủ” của chính quyền Tổng thống Biden, nhằm thúc đẩy công đoàn hóa bằng mọi giá.

Một số nhóm môi trường, nhận thức được lao động vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hỗ trợ cho các chương trình khí hậu, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đình công.

Ông Sam Gilchrist, Phó Giám đốc tiếp cận quốc gia tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, cho biết: “Chúng ta đang ở một thời điểm thực sự quan trọng trong lịch sử ngành ô tô”.

Cuộc đình công xảy ra vào thời điểm các ứng cử viên tổng thống Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử. Bang Michigan nơi xảy ra đình công là một “căn cứ” quan trọng tạo nên chiến thắng cho ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, đồng thời cũng rất quan trọng đối với cơ hội có một nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông.

Nhưng cũng có sự bất đồng ý kiến giữa Tổng thống Biden và nhưng người công nhân. Khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố khoản vay 9,2 tỷ USD dành cho các nhà máy pin ở bang Tennessee và Kentucky, một phần trong liên doanh giữa Ford và một công ty Hàn Quốc, ông Fain đã nói rằng Chính phủ Mỹ đang bỏ hàng tỷ USD ngân sách để tài trợ cho một cuộc đua không có phần thắng.

Bà Madeline Janis, đồng Giám đốc điều hành của tổ chức Jobs to Move America, chuyên hoạt động về các vấn đề môi trường và người lao động, cho biết Nhà Trắng cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm bớt những thách thức về lao động.

Bà nói: “Chúng ta không có đủ các nhánh cơ hội nghề nghiệp để mọi người có thể nhìn thấy rằng họ sẽ có việc làm trong chính tương lai này và sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại trong những ngành công nghiệp đang khiến thế giới của chúng ta rơi vào khủng hoảng”./.

Diệu Linh (Theo Japan Today)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phep-thu-doi-voi-muc-tieu-khi-hau-va-lao-dong-cua-my/307062.html