'Phép thử thực sự' đối với Lầu Năm Góc

Giới chức cấp cao Lầu Năm Góc mới đây đã gặp gỡ với đại diện nhiều công ty quốc phòng hàng đầu của Mỹ nhằm thảo luận các biện pháp đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, phát triển vũ khí siêu thanh trong bối cảnh Washington nhiều lần thừa nhận chưa thành công và bị tụt hậu so với các đối thủ trong lĩnh vực này.

Trang mạng Breaking Defense cho biết, cuộc gặp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin, các Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks và Heidi Shyu cùng Giám đốc điều hành (CEO) của các “ông lớn” trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ như: Raytheon Technologies, Lockheed Martin, Northrop Grumman, Boeing, Aerojet Rocketdyne, Leidos, L3Harris...

Theo đó, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp về việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, phát triển các công nghệ siêu thanh phòng thủ và tấn công.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho rằng cần duy trì gặp gỡ lãnh đạo các công ty quốc phòng Mỹ. Ảnh minh họa: AP

Một trong những vấn đề nổi cộm được đề cập là ngân sách. Các công ty quốc phòng Mỹ cho rằng sự ổn định về ngân sách trong dài hạn đóng vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vũ khí siêu thanh đi đúng hướng, đồng thời còn khẳng định cam kết của Lầu Năm Góc đối với lĩnh vực này.

Một vấn đề khác là thiếu cơ sở hạ tầng cho việc thử nghiệm vũ khí siêu thanh. Trên thực tế, theo một báo cáo nội bộ mà tờ Bloomberg tiếp cận được mới đây, Lầu Năm Góc thừa nhận quân đội Mỹ “không có đủ không gian mở tại các khu vực thử nghiệm để đánh giá toàn diện các vũ khí siêu thanh mới” và “thiếu những năng lực then chốt để mô phỏng một cách đầy đủ về mối đe dọa từ những phiên bản vũ khí siêu thanh mà các đối thủ đang phát triển”.

Theo trang mạng Defense One, cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh sở hữu vũ khí siêu thanh đã trở thành một ưu tiên hàng đầu của giới chức Lầu Năm Góc trong những năm gần đây và một số vụ thử nghiệm thất bại vừa qua đã làm giảm tốc độ của Mỹ trong lĩnh vực này.

Trang mạng Breaking Defense nhận định cuộc gặp có thể là một tín hiệu cho thấy Lầu Năm Góc, nhất là Bộ trưởng Austin, “ngày càng trở nên nghiêm túc” với việc hợp tác cùng các doanh nghiệp “nhằm thúc đẩy một trong những ưu tiên công nghệ lớn nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ”.

Trong khi đó, trang mạng Defense News cho rằng cuộc gặp “đánh dấu một mức độ quan tâm mới” của Mỹ đối với việc nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh. Các đời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ít khi gặp gỡ nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp đến mức chỉ riêng cuộc gặp nói trên cũng cho thấy “phát triển vũ khí siêu thanh đã trở thành vấn đề vô cùng cấp bách của Lầu Năm Góc”.

Theo giới phân tích, ngân sách trong tài khóa 2023 sẽ là “phép thử thực sự” đối với mức độ nghiêm túc của Bộ Quốc phòng Mỹ “trong việc xây dựng động lực cần thiết nhằm đạt được các năng lực siêu thanh với khung thời gian nhanh hơn”.

“Vấn đề mấu chốt ở đây là Bộ trưởng Austin quyết định gặp gỡ cùng lúc với CEO của nhiều doanh nghiệp liên quan đến các công nghệ siêu thanh. Cuộc gặp cho thấy Bộ trưởng Austin dành ưu tiên cao cho vũ khí siêu thanh.

Chúng ta có nhiều lực lượng và cơ quan nghiên cứu khác nhau tham gia hơn 12 dự án vũ khí siêu thanh khác nhau. Số tiền đầu tư sẽ tăng bao nhiêu? Đề xuất ngân sách cho tài khóa 2023 sẽ cho thấy mức độ quan trọng của vấn đề”, Defense News dẫn lời chuyên gia Loren Thompson tại Viện nghiên cứu Lexington của Mỹ.

Trang mạng Breaking Defense cho biết, giới chức Lầu Năm Góc mong muốn tổ chức thêm các cuộc gặp tương tự với lãnh đạo các công ty quốc phòng Mỹ trong thời gian tới. Bộ trưởng Austin nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì đối thoại như vậy nhằm “đáp ứng các yêu cầu đề ra của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực tấn công và phòng thủ trong hiện tại cũng như trong tương lai”.

Không riêng Mỹ, hiện một số quốc gia khác cũng dành nhiều sự quan tâm đối với việc nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh. Đây là loại vũ khí thuộc thế hệ tiếp theo mà Reuters nhận định là được phát triển với mục đích “tước đoạt thời gian phản ứng cũng như các cơ chế đánh chặn truyền thống” của đối phương.

CNN cho biết, trên thế giới hiện chỉ có Nga và Trung Quốc được biết đến là hai quốc gia đang sở hữu các vũ khí siêu thanh “có thể được triển khai”.

Hoàng Vũ / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/phep-thu-thuc-su-doi-voi-lau-nam-goc-55063.html