Phép thử trong thương vụ M&A giữa Circle K và 7-Eleven

Liệu các doanh nghiệp Nhật Bản đã sẵn sàng mở cửa với thế giới, cởi mở hơn với các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài? Thỏa thuận giữa chủ sở hữu Circle K và 7-Eleven đang rất được các nhà đầu tư quan tâm.

Theo Nikkei, sau gần một tháng, sự táo bạo trong thương vụ Couche-Tard - chủ Circle K, đề nghị mua lại Seven & i Holdings - chủ 7-Eleven, vẫn khiến giới doanh nghiệp Nhật Bản xôn xao. Đây có thể là vụ thâu tóm nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, và cũng có thể là thương vụ mua lại bằng tiền mặt lớn nhất kể từ khi Elon Musk mua Twitter với giá 44 tỷ USD vào năm 2022.

Mặc dù thương vụ này có thể không thành công, nhưng nó cho thấy những thay đổi sâu sắc đang diễn ra tại Nhật Bản. Trước đây, một nỗ lực tương tự từ một công ty nước ngoài sẽ bị dập tắt ngay lập tức. Tuy nhiên, lần này, vấn đề nằm ở giá cả. Seven & i cho rằng nhà bán lẻ Canada Couche-Tard nên đưa ra một mức giá cao hơn nhiều.

Một cửa hàng 7-Eleven tại Tokyo. (Ảnh: Nikkei).

Một cửa hàng 7-Eleven tại Tokyo. (Ảnh: Nikkei).

Trong một bức thư gửi cho chủ sở hữu của Circle K, Seven & i cho rằng họ "bị định giá thấp một cách trắng trợn" và tuyên bố sẵn sàng "tham gia vào các cuộc thảo luận chân thành". Nói cách khác, họ muốn Couche-Tard đưa ra một mức giá cao hơn nhiều so với khoảng 38,5 tỷ USD hiện tại.

Công ty Nhật Bản có lý khi cho rằng động thái của Couche-Tard là "đục nước béo cò". Tokyo đang rất muốn thu hút đầu tư vào hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) từ nước ngoài. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ chấp nhận một mức định giá vẻ như được tính toán để tận dụng thời điểm đồng yên suy yếu.

Phải thừa nhận rằng một số quyết định của Seven & i khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngạc nhiên và nghi ngờ rằng công ty đang tìm cách chống lại việc bị thâu tóm. Chẳng hạn, Seven & i đã cố gắng xin được công nhận là doanh nghiệp "cốt lõi" đối với an ninh quốc gia Nhật Bản theo Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương (FEFTA). Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Nhật Bản đã nói rằng các công ty không thể sử dụng danh hiệu này để ngăn chặn việc bị mua lại bởi các công ty nước ngoài.

Thật vậy, các cửa hàng tiện lợi phổ biến, hoạt động hiệu quả và mở cửa 24/7 là rất quan trọng đối với một quốc gia dễ bị thiên tai động đất và bão như Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà quản lý không cần phải can thiệp. Đội ngũ điều hành của Seven & i có thể tự mình chống lại lời đề nghị mua lại của Couche-Tard.

Cả phần còn lại của giới doanh nghiệp Nhật Bản cũng vậy. Kể từ năm 2014, Nhật Bản, vốn không ưa thay đổi, đã chuyển mình từ khép kín thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tokyo đã làm được điều này bằng cách khuyến khích các công ty tăng lợi nhuận đầu tư, đa dạng hóa hội đồng quản trị, cắt giảm sở hữu chéo và giảm bớt rào cản đối với các giao dịch M&A.

Những cải cách đó, cùng với lãi suất cực thấp của Ngân hàng Nhật Bản, đã giúp thúc đẩy cổ phiếu tăng giá mạnh trong những năm gần đây. Chúng đã mở đường cho những nhà đầu tư lớn nhất thế giới khám phá Nhật Bản, bao gồm cả Warren Buffett, Elliott Management và Citadel.

Và giờ đây, nỗ lực này đã mang lại lời đề nghị M&A lớn như của Couche-Tard. Nhưng cả thế giới đang theo dõi. Các quỹ đầu tư nước ngoài đang đặc biệt chú ý đến cách các nhà quản lý Tokyo xử lý quá trình này.

Cuộc đối đầu giữa Seven & i và Couche-Tard thu hút nhiều sự chú ý vì nó là một phép thử quan trọng: liệu Nhật Bản có thực sự cởi mở hơn với các thương vụ M&A xuyên biên giới hay không.

Dù Seven & i có cố gắng thế nào, các cơ quan quản lý - không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở Mỹ - cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng thương vụ này. Ủy ban Thương mại Liên bang và Ủy ban Đầu tư Nước ngoài chắc chắn sẽ rất quan tâm, bởi vì có hơn 12.500 cửa hàng 7-Eleven ở Mỹ.

Các quyết định này sẽ được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang rất thận trọng về vấn đề tự do thương mại. Ví dụ điển hình là việc Tổng thống Joe Biden được cho là đã ngăn chặn nỗ lực của Nippon Steel Nhật Bản mua lại U.S. Steel vì lý do an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư muốn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo từ phía Nhật Bản. Việc chỉ số Nikkei Stock Average tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay cho thấy mọi thứ đã thay đổi. Đề nghị mua lại Seven & i của Couche-Tard cũng củng cố niềm tin rằng "Nhật Bản đã trở lại". Đây là cơ hội lý tưởng để chứng minh rằng các doanh nghiệp Nhật Bản đã sẵn sàng cho thời kỳ hoàng kim như những gì các nhà đầu tư lớn trên thế giới nghĩ.

Trong 20 năm qua, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã trải qua nhiều lần tăng trưởng ngắn hạn rồi lại chững lại, khiến các nhà đầu tư thất vọng. Điều này xảy ra khi sự lạc quan của thị trường vượt quá xa so với thực tế kinh tế.

Đức Huy

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/phep-thu-trong-thuong-vu-ma-giua-circle-k-va-7-eleven.html