Phí chồng phí khi gọi xe

Trước khi có phụ phí nắng nóng, Grab Việt Nam từng đưa ra nhiều phụ phí khác như: phụ phí khi mưa lớn, phụ phí kẹt xe, phí chờ đợi, phí ban đêm...

Gọi xe có phụ phí nắng nóng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương vừa có công văn số 785/CT-HCT ngày 11-7-2022 gửi Công ty TNHH Grab về việc phối hợp cung cấp thông tin về "phụ phí nắng nóng".

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, vừa qua, Công ty TNHH Grab công bố, kể từ ngày 6/7, tại Hà Nội, TP. HCM và một số địa phương (như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế,...), Grab sẽ thu thêm "phụ phí nắng nóng" 5.000 VNĐ với mỗi chuyến Grab Bike và mỗi đơn hàng Grab Food, Grab Mart; với dịch vụ Grab Express là 3.000 VNĐ một đơn hàng.

Theo đó, phụ phí sẽ được cộng đồng trực tiếp vào màn hình hiển thị giá trị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe.

Công văn của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể: Cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.

Đồng thời, đề nghị Grab cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay (căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe, ...).

Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin trước ngày 18/7.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab Việt Nam làm rõ phụ phí nắng nóng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab Việt Nam làm rõ phụ phí nắng nóng

Phí chồng phí nhưng Grab Việt Nam vẫn triền miên thua lỗ

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Grab phụ thu các loại phí bên cạnh cước vận chuyển thông thường. Trước khi có phụ phí nắng nóng, công ty này từng đưa ra các phụ phí như: phụ phí khi mưa lớn, phụ phí kẹt xe, phí chờ đợi, phí ban đêm...

Lý giải nguyên nhân áp dụng phụ phí, Grab cho biết mong muốn có thể hỗ trợ giảm được thêm phần nào các vất vả khi tài xế thực hiện các đơn hàng.

Nhưng theo các đối tác tài xế, vì phụ phí này được cộng thẳng vào giá cước, nên họ không được thụ hưởng 100% tiền, mà phải ăn chia với Grab theo tỉ lệ chiết khấu cố định.

Được biết, Grab hiện đang ở vị trí thống lĩnh thị trường gọi xe tại Việt Nam. Báo cáo từ ABI Research cho biết, thị phần của Grab đến 2021 đã lên tới 74,6%.

Năm ngoái, Grab Việt Nam ghi nhận doanh thu 3.346 tỷ đồng, lợi nhuận âm 301 tỷ đồng. Năm 2020, Grab Việt Nam ghi nhận lợi nhuận lên đến 243 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2020 là năm tươi sáng hiếm hoi của công ty này.

Trước đó, Grab Việt Nam liên tục chìm trong thua lỗ với các khoản lỗ 1.697 tỷ đồng (năm 2019), lỗ 885 tỷ đồng (năm 2018), lỗ 789 tỷ đồng (năm 2017), lỗ 445 tỷ đồng (năm 2016), lỗ 442 tỷ đồng (năm 2015) và lỗ 51,7 tỷ đồng (năm 2014).

Sau 8 năm đi vào hoạt động, tính tại thời điểm 31/12/2021, Grab Việt Nam lỗ lũy kế lên đến 4.367 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ là 20 tỷ đồng.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/phi-chong-phi-khi-goi-xe-1657614081492.htm