Phi công dùng bằng giả từng lái máy bay chở Tổng thống Pakistan

Chuyện bằng cấp, chứng chỉ giả trong giới phi công Pakistan đã tái diễn hàng chục năm trở lại đây...

Máy bay chở khách của hãng Pakistan International Airlines.

Máy bay chở khách của hãng Pakistan International Airlines.

Thời gian gần đây, dư luận thế giới rúng động trước thông tin hàng trăm phi công của Pakistan bị đình chỉ bay vì nghi ngờ sử dụng bằng giả, nhờ người thi hộ. Thực chất, chuyện bằng giả trong giới phi công Pakistan đã tái diễn hàng chục năm trở lại đây, thậm chí đã có hàng trăm nhân viên của hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) bị sa thải nhưng không thể giải quyết tận gốc.

Phi công dùng bằng giả phục vụ cả Thủ tướng, Tổng thống

Tờ Diplomat dẫn một số nguồn tin hé lộ, tình trạng mua quan bán chức, sử dụng bằng giả xuất hiện từ năm 1992 đến nay. Đáng chú ý, trong sự việc xảy ra vào cuối năm 2012, hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) đã sa thải 6 phi công vì nộp bằng cấp và nhiều giấy tờ giả, bao gồm cả Cơ trưởng Fahim và Cơ trưởng Arshad - những người chuyên thực hiện các chuyến bay đưa đón quan chức cấp cao Nhà nước như Thủ tướng và Tổng thống Pakistan trong suốt nhiều năm liền.

Việc sa thải, điều tra liên quan tới phi công và phi hành đoàn sử dụng giấy tờ hành nghề giả cũng liên tiếp xảy ra trong năm 2018, 2019 và đầu năm 2020. Mới nhất là trường hợp sa thải cuối tuần qua liên quan tới vụ rơi máy bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan hôm 22/5 tại Karachi khiến 97 người thiệt mạng.

Thực trạng này cho thấy, Chính phủ Pakistan cùng các cơ quan ban ngành của nước này quá rõ về vấn nạn sử dụng bằng cấp giả trong ngành hàng không nhưng lại không đưa ra được biện pháp giải quyết triệt để. Đây là vấn đề đáng báo động khi ngành hàng không đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật tuyệt đối để đảm bảo an toàn cho hàng trăm người mỗi khi máy bay cất cánh.

Tính đến thời điểm này, PIA đã chứng kiến 10 vụ tai nạn nghiêm trọng, chưa kể hàng chục sự cố khác đe dọa an toàn của hành khách. Riêng năm ngoái, PIA chứng kiến một vụ máy bay ATR-42 trượt khỏi đường băng trong khi hạ cánh tại Gilgit, một tình huống hạ cánh khẩn cấp tại Lahore và nhiều vụ buôn lậu thuốc phiện liên quan tới nhân viên của PIA.

Nhồi nhét con cháu vào những vị trí béo bở

Câu hỏi đặt ra: Tại sao bản thân PIA lại chủ quan và Chính phủ Pakistan lại lơ là đến vậy?

Các chuyên gia hàng không nhấn mạnh, hệ thống vận hành của PIA từng bị nhiều tổ chức chiếm hữu, bị sử dụng cho mục đích riêng của cá nhân/tổ chức. Đối với nhiều người, PIA gần như là một thế giới thu nhỏ, dù hoạt động sai trái gây tổn hại tới đất nước nhưng không ai dám động đến.

Theo tờ The Diplomat, cách vận hành của PIA phản ánh rõ thực trạng quân đội PIA làm bá chủ, kiểm soát đất nước. Hiện tại, Cơ quan Hàng không Dân dụng Pakistan (PCAA) đang bị một số cựu quan chức thuộc Không quân Pakistan (PAF) kiểm soát; ngành hàng không nước này được vận hành như “nhà an dưỡng cho quân nhân Pakistan về hưu”.

PIA chứng kiến nhan nhản những vụ bổ nhiệm chức vụ quản lý mờ ám cho quan chức quân đội, thậm chí, nhiều đảng phải chính trị còn “tặng” cho nhân viên vị trí việc làm trong hãng bay quốc tế này.

Kết quả, hãng hàng không hàng đầu của Pakistan đã thua lỗ hàng tỉ Pakistan rupees, số lượng nhân viên phình ra, đưa PIA trở thành hãng hàng không tồi tệ thứ 2 trên thế giới xét về tỉ lệ nhân viên/lượng máy bay, chỉ đứng sau Syrian Air năm 2016. Hiện tại, đang có hơn 14.000 nhân viên PIA/30 máy bay.

So sánh với thế giới để thấy rõ mức độ nhân sự cồng kềnh phình đại của PIA. Emirates có khoảng 60.000 nhân viên/300 máy bay trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Air India đã giảm số lượng nhân viên/máy bay từ 300/máy bay xuống 108 vào năm 2015; Hãng Turkish Airlines giảm tỉ lệ này xuống dưới 100 người/máy bay.

“Vấn đề quan trọng nhất của PIA là họ có ít máy bay nhưng có quá nhiều nhân viên. Khoảng 500 nhân viên vận hành 1 máy bay trong khi chỉ cần 50 người”, ông Salman Shah, cố vấn tài chính của Chính phủ do Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf cầm quyền thừa nhận khi trả lời phỏng vấn trên tờ The Diplomat.

Thực tế này được thể hiện rõ qua hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực hồi tháng 2/2016 phản đối việc Quốc hội Pakistan giới thiệu Luật Doanh nghiệp PIA năm 2015. Các nhà làm luật đã phải thảo lại bộ luật này sau khi đảng đối lập kêu gọi đảm bảo an toàn việc làm cho nhân viên PIA.

Nực cười thay, đảng cầm quyền thời điểm đó là Pakistan Muslim League-Nawaz (PML-N) từng tuyên bố sẽ giảm lượng nhân viên trong PIA nhưng lại tuyển thêm 100 nhân viên trước khi bàn thảo dự luật này lần đầu tiên.

Điển hình cho sự can thiệp chính trị vào hoạt động của PIA thể hiện qua trường hợp các thành viên gia đình của lãnh đạo cấp cao PML-N Mushahidullah Khan chiếm gần hết những vị trí béo bở trong PIA trong khi kết quả công việc không hiệu quả. Bản thân ông Khan cũng đảm nhiệm nhiều ghế trong Ủy ban Thượng viện Pakistan về Hàng không.

Đã bị sa thải vẫn quay lại làm việc bình thường

Theo nhiều nhà quan sát, tình trạng nhân lực của PIA yếu kém còn do bị lũng đoạn vì tình trạng “mua quan, bán chức”, điều phối nhân lực dựa trên tiền bạc và quyền lực chứ không trên thành tích và năng lực. Riêng trong 5 năm qua, đã có 466 nhân viên PIA sử dụng bằng cấp giả.

Sai phạm được phát hiện từ năm 1992, trong đó nhiều phi công, kỹ thuật viên dùng bằng giả bị phát giác. Bộ Quốc phòng Pakistan thời điểm đó đã bổ nhiệm một Ủy ban điều tra do Phó tướng Không quân Pakistan Mushaf Ali Mir đứng đầu. Báo cáo chỉ ra một cá nhân phải chịu trách nhiệm về một số sai phạm về hành chính và tài chính”, cựu kỹ thuật viên PIA Tariq Ali tiết lộ.

Cũng theo nhân viên này, Tướng Mushaf Ali Mir đã khẳng định, cá nhân này sẽ bị sa thải và phải chịu điều tra hình sự nhưng sau đó ông ta vẫn trở thành Giám đốc Quản lý của PIA. Không riêng trường hợp này, còn có hàng trăm nhân viên PIA khác cũng phạm tội nghiêm trọng (như tham nhũng, sử dụng bằng giả…) nhưng vẫn tìm được cách luồn lách trở lại làm việc.

Trước thực trạng này, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, để có thể giải quyết tận gốc vấn đề của PIA, cần phải có sự vào cuộc cải tổ của cả hệ thống chính trị, luật pháp và quân đội.

Không dừng ở mức độ nhân viên, PIA còn gặp vấn đề tài chính nghiêm trọng. Hãng bay hàng đầu Pakistan đang gánh khoản nợ khổng lồ 400 tỷ Pakistan rupee (2,3 tỷ USD) tính đến ngày 30/6/2019. Con số này sẽ dần chạm ngưỡng 500 tỷ Pakistan rupee khi hãng đang thông báo thua lỗ 6,3 tỷ Pakistan rupee vào tháng trước. Tuy thời gian gần đây, hãng đã tìm mọi cách để giảm thiểu thua lỗ nhưng những lỗ hổng cố hữu của PIA tiếp tục nổi lên khi đại dịch Covid-19 ập đến.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phi-cong-dung-bang-gia-tung-lai-may-bay-cho-tong-thong-pakistan-d470474.html