Phi công người Anh sẽ được chuyển thẳng sang máy bay đi Anh
Tại sân bay Nội Bài, phi công người Anh sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ máy bay TP HCM - Hà Nội sang máy bay đi Anh mà không cần qua nhà ga.
Theo kế hoạch, chiều nay 11-7, phi công người Anh 43 tuổi, ông S.C. (là bệnh nhân Covid-19 số 91) bắt đầu hành trình về nước.
Khoảng 16 giờ chiều nay, nhân viên Phòng khám Family có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy để làm thủ tục xuất viện và đưa thẳng ông S.C. đến cửa máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).
Phi công người Anh cùng một bác sĩ và một điều dưỡng người nước ngoài thuộc Phòng khám Family (đi cùng bệnh nhân về Anh để theo dõi, kịp thời chăm sóc sức khỏe) sẽ đi trên chuyến bay VN280 khai thác bằng Boeing 787-9 từ TP HCM lúc 19 giờ, hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào khoảng 21 giờ 10.
Tại sân bay Nội Bài, phi công người Anh sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ máy bay TP HCM - Hà Nội sang máy bay đi Anh mà không cần qua nhà ga.
Chiếc máy bay đưa nam phi công người Anh hồi hương là Boeing 787-10, là "siêu máy bay" lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, thay vì bay đến Anh bằng Airbus 350 như thông lệ. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chủ ý chọn dòng máy bay mà nam phi công người Anh này từng cầm lái cho hãng vào ngày 16-3 năm nay, như một lời chào dành cho nam phi công này.
Phi hành đoàn 22 người khai thác chuyến bay gồm 6 phi công và 16 tiếp viên.
Trước khi máy bay cất cánh rời Nội Bài, đại diện Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines (nơi phi công người Anh làm việc) do Đoàn trưởng Đoàn bay Tô Ngọc Giang dẫn đầu, sẽ có mặt tại sân bay để chia tay thành viên trở về nước.
Chuyến bay đưa nam phi công về Anh dự kiến cất cánh lúc lúc 23 giờ ngày 11-7, tới Frankfurt (Đức) lúc 6 giờ ngày 12-7, phục vụ một số khách quá cảnh tại đây. Sau đó, chuyến bay từ Frankfurt lúc 8 giờ ngày 12-7 đến Heathrow (Anh) lúc 8 giờ 30 ngày 12-7 (theo giờ địa phương).
Trên chuyến bay hồi hương, phi công người Anh sẽ ngồi tại khoang thương gia của chiếc Boeing 787-10, bác sĩ và điều dưỡng đi cùng được sắp xếp cùng khoang. Hãng hàng không bố trí vị trí để 6 bình ôxy để phục vụ cho phi công này trên hành trình bay dự kiến kéo dài 15-16 tiếng.
Trước đó, chiều 2-7, Ban Lãnh đạo Đoàn bay 919 do Đoàn trưởng Đoàn bay Tô Ngọc Giang làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà phi công người Anh và các cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM.
Phi công người Anh vui vẻ nói chuyện với Đoàn trưởng và cán bộ Đội bay B-787, ông cho biết đã cảm thấy đã khỏe hơn rất nhiều, có thể sẵn sàng để hồi hương. Ông gửi lời trân trọng cảm ơn đến các anh chị em đồng nghiệp, Ban Lãnh đạo Đoàn bay 919 và VNA, đã luôn luôn theo sát, quan tâm, chăm sóc, động viên và chúc phúc cho anh. Đặc biệt, ông bày tỏ sự biết ơn vô bờ với đất nước Việt Nam, với các bác sĩ Việt Nam đã tận tình cứu chữa, chăm sóc cho ông trong thời gian qua.
Phi công người Anh đã rất cảm kích khi Đoàn thăm hỏi trao phần quà do tập thể cán bộ, nhân viên và phi công Đoàn bay tự nguyện đóng góp gửi tặng. Ông xúc động cho rằng chỉ mới một thời gian ngắn gắn bó với Đoàn bay 919, nhưng ngay sau đó không may gặp lúc ốm đau lại mắc bệnh nan y... mà được cả tập thể thường xuyên thăm hỏi, động viên từ việc chuẩn bị thức ăn, nước uống, thậm chí, quan tâm tương trợ từ việc nạp thẻ điện thoại cá nhân của anh mỗi khi hết tiền; nay lại được nhận hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện của cán bộ, nhân viên Đoàn. Và, dù ông mới chỉ bay một chuyến nhưng Hãng vẫn bố trí chuyến bay đặc biệt để đưa ông về nước tiếp tục điều trị... ông không thể nói hết sự cảm kích và biết ơn với tất cả những điều đó. Đó là những điều truyệt vời nhất ông nhận thấy ở con người Việt Nam và sự nhân văn của Hãng Hàng không Quốc gia.
Ông khẳng định chắc chắn là, sau khi bình phục, nhất định ông sẽ quay lại đất nước Việt Nam tuyệt vời này.