Phi hành gia Mỹ phá kỷ lục sống trên trạm vũ trụ lâu nhất

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), phi hành gia Rubio đã làm việc trên ISS từ tháng 9/2022, vượt qua kỷ lục trước đó được phi hành gia Mark Vande Hei xác lập vào ngày 30/3/2022.

Nhà du hành Frank Rubio. (Nguồn: Future)

Nhà du hành Frank Rubio. (Nguồn: Future)

Phi hành gia Frank Rubio vừa lập lỷ lục là người Mỹ ở lại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) lâu nhất, vượt qua nhân vật giữ “ngai vương” trước đó là phi hành gia Mark Vande Hei.

Rubio và hai phi hành gia khác của Nga là Sergey Prokopyev và Dmitri Petelin đã có kế hoạch trở về Trái Đất bằng tàu vũ trụ Soyuz sau khi có 371 ngày ở ngoài không gian.

3 phi hành gia Prokopyev, Petelin và Rubio rời Trái đất vào ngày 21/9/2022 để lên làm việc trên ISS. Ban đầu họ có kế hoạch để trờ về Trái Đất vào tháng 3 năm nay.

Nhưng con tàu vũ trụ Soyuz MS-22 của họ bất ngờ gặp sự cố rò rỉ chất làm mát vào tháng 12 năm ngoái. Nguyên nhân gây rò rỉ chất làm mát được cho là do va chạm giữa mảnh vỡ thiên thạch nhỏ với tàu Soyuz.

Sau khi trải qua một cuộc phân tích dữ liệu kéo dài, các chuyên gia hàng không vũ trụ của Nga kết luận rằng rất có khả năng sự cố sẽ khiến nhiệt độ của tàu Soyuz tăng cao vượt ngưỡng an toàn khi nó trở lại bầu khí quyển Trái Đất.

Vì thế họ quyết định phóng thêm một con tàu Soyuz không người lái lên ISS vào tháng 2 năm nay, để thay thế con tàu đã bị hỏng.

Nhưng để hoạt động luân chuyển phi hành gia của Nga trở lại đúng kế hoạch ban đầu, Prokopyev, Petelin và Rubio đã buộc phải ở lại trạm vũ trụ thêm nửa năm nữa.

“Từ góc độ cá nhân, tôi thấy việc phải ở lại (ISS) là khá khó khăn. Tôi thực sự rất nhớ gia đình và biết mình sẽ lỡ nhiều dấu mốc quan trọng với các con của tôi,” Rubio trả lời trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Associated Press.

“Đó là các ngày sinh nhật, các lễ kỉ niệm, hay việc con trai tôi sắp lên đại học và con gái lớn của tôi sắp kết thúc năm học đầu tại đại học,” Rubio cho biết thêm. “Chúng tôi đã rất nỗ lực liên lạc với nhau. Vợ tôi và lũ trẻ đều thực sự rất kiên cường và mạnh mẽ. Sự cố gắng của của nhà là rất đáng nể. Chính vì điều đó mà tôi có thể tập trung vào công việc của mình hơn, tạm thời quên đi hoàn cảnh khó khăn bản thân đang phải đối mặt.”

Ngày 11/9 vừa qua, vào khoảng 1 giờ 40 phút chiều theo giờ Mỹ, Rubio đã phá kỷ của phi hành gia Vande Hei – người đã có 355 ngày 3 giờ 45 phút bay trong không gian. Chuyến bay của Vande Hei bắt đầu vào ngày 9/4/2021 và kết thúc vào ngày 30/3/ 2022, khi ông đáp xuống đất tại Kazakhstan.

Theo dự tính, khi Rubio trở lại Trái Đất vào ngày 27/9/2023 này, ông đã có tổng cộng 370 ngày 21 giờ sống trong không gian.

“Khi khởi hành làm nhiệm vụ, Rubio tưởng rằng sẽ chỉ ở ngoài vũ trụ trong 6 tháng. Nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ, Rubio hiểu rằng anh ấy sẽ phải ở lại ISS trong hơn một năm”, phi hành gia Woody Hoburg nói trước khi trở về Trái Đất sau nhiệm vụ kéo dài nửa năm trên ISS. “Frank Rubio đã thể hiện năng lực lãnh đạo xuất sắc trên ISS. Được làm việc với con người này thực sự là điều tuyệt vời với tôi. Anh ấy đã chấp nhận sự hy sinh lớn, khi phải rời xa gia đình một khoảng thời gian rất dài để chúng tôi có thể kịp về Trái đất đúng thời hạn. Tôi rất muốn một sự ghi nhận dành cho người đàn ông này, đối với những gì anh ấy đã làm cho chúng tôi trong suốt khoảng thời gian trên ISS.”

Phi hành gia Polyakov, người thực hiện chuyến bay lên ISS cùng Rubio đang nắm giữ kỷ lục thế giới về thời gian ở ngoài không gian lâu nhất trong một lần bay, với 437 ngày và 18 giờ. Polyakov đã lập kỷ lục cùng Trạm vũ trụ Mir của Nga trong giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1995.

Rubio hiện đang là người Mỹ có thời gian sống trong không gian lâu nhất (371 ngày), theo sau là Vande Hei (355 ngày) và Scott Kelly-người Mỹ đầu tiên ở trong môi trường ngoài Trái Đất gần một năm (355 ngày).

Ba phi hành gia Rubio, Prokopyev và Petelin sẽ được về nhà trong đợt luân chuyển kế tiếp. Con tàu Soyuz tiếp theo sẽ mang lên ISS các phi hành gia Oleg Kononenko, Nikolai Chub của Nga và Loral O’Hara của Mỹ. Dự kiến tàu sẽ được phóng lên vào ngày 15/9 từ Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan.

Hai phi hành gia Kononenko và Chub trong nhiệm vụ mới cũng đang có ý định dành trọn vẹn một năm trên trạm ISS.

Tháng 3/2024, một tàu Soyuz khác sẽ cất cánh chở phi hành gia chỉ huy nhiệm vụ Oleg Novitskiy (Nga), phi hành gia Mỹ Tracy Dyson và một nhà nghiên cứu người Belarus có tên Marina Vasilevskaya lên ISS.

Novitskiy, Vasilevskaya và O’Hara sẽ trở về Trái đất khoảng 10 ngày sau khi tàu lên tới ISS. Tuy nhiên Kononenko, Chub và Dyson sẽ ở lại ISS cho đến tháng 9/2024).

Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, Kononenko sẽ có hơn 1000 ngày sống ngoài không gian sau tổng cộng 5 chuyến bay - một kỷ lục ít người sánh trong hoạt động chinh phục không gian.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bắt đầu được xây dựng năm 1998, khi Nga và Mỹ hợp tác trong dự án chung xây dựng một phòng thí nghiệm quỹ đạo đồ sộ ở quỹ đạo Trái Đất, với sự tham gia của hai môđun đầu tiên, Zarya và Unity./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phi-hanh-gia-my-pha-ky-luc-song-tren-tram-vu-tru-lau-nhat/894114.vnp