Phi hành gia Mỹ sẽ trở về Trái đất trên tàu vũ trụ của Nga
Phi hành gia NASA Mark Vande Hei và hai nhà du hành vũ trụ người Nga sẽ cùng nhau trở về Trái đất từ trạm ISS vào ngày 30.3.
Phi hành gia Mark Vande Hei của NASA và hai nhà du hành vũ trụ Nga sẽ trở về Trái đất vào ngày 30.3 trên tàu vũ trụ Soyuz - Ảnh: NASA
Kế hoạch trở về Trái đất từ Trạm Vũ trụ quốc tế ISS trên tàu Soyuz của các phi hành gia Mark Vande Hei từ NASA và Pyotr Dubrov cùng Anton Shkaplerov từ Nga đã được lên kế hoạch từ lâu. Và kế hoạch này vẫn sẽ diễn ra vào ngày 30.3 bất chấp căng thẳng địa chính trị từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Joel Montalbano, người quản lý chương trình Trạm Vũ trụ quốc tế của NASA, cho biết trong cuộc họp báo hôm 14.3: “Tôi có thể chắc chắn rằng Mark sẽ về nhà trên chiếc Soyuz đó. Chúng tôi đang liên lạc với các đồng nghiệp người Nga, không có gì khó hiểu về điều đó”.
Montalbano cho biết thêm sự kiện ngày 30.3 sẽ diễn ra như những lần trở lại khác của tàu vũ trụ Soyuz. Nhóm phi hành gia Vande Hei, Dubrov và Shkaplerov sẽ hạ cánh trên thảo nguyên Kazakhstan. Khoảng 20 nhân viên NASA sẽ đợi ở đó để giúp đánh giá tình trạng thể chất của Vande Hei - người đã trải qua gần một năm trong môi trường vi trọng lực, và đưa phi hành gia này trở lại Houston.
Cuộc họp báo hôm nay chủ yếu nhằm mục đích xem trước chuyến đi bộ ngoài không gian mà các phi hành gia NASA Kayla Barron và Raja Chari sẽ thực hiện bên ngoài phòng thí nghiệm quỹ đạo vào ngày mai (15.3). Nhưng Montalbano đã mở đầu cuộc họp bằng cách thảo luận về “các sự kiện thế giới” - cụ thể là cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu từ ngày 24.2 và các tác động khác nhau của nó.
Cuộc xung đột này đã thúc đẩy Mỹ và các quốc gia khác áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Moscow và Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã chỉ trích các lệnh trừng phạt đó và rút khỏi một số quan hệ đối tác lâu dài để đáp trả.
Vào cuối tháng trước, Roscosmos thông báo sẽ ngừng phóng tên lửa Soyuz do Nga chế tạo từ Trung tâm vũ trụ của châu Âu ở Guiana thuộc Pháp. Đầu tháng 3, cơ quan này cũng cho biết họ sẽ không bán động cơ tên lửa của Nga cho các công ty Mỹ nữa.
Những động thái trên dẫn đến một số suy đoán rằng chương trình Trạm Vũ trụ quốc tế, trong đó Nga là đối tác chính và sáng lập, cũng có thể gặp khó khăn. Nhưng Montalbano nói rằng phòng thí nghiệm quỹ đạo vẫn hoạt động bình thường bất chấp các vấn đề trên mặt đất.
Ông nhấn mạnh rằng Trạm Vũ trụ quốc tế và các hệ thống khác nhau trên trạm được thiết kế với tính phụ thuộc lẫn nhau cao. Vì vậy sẽ không dễ dàng thay thế các công việc do một đối tác quan trọng thực hiện nếu họ quyết định rời đi.
Montalbano cũng nói rằng cuộc xung đột không làm tổn hại đến tinh thần hoặc tính chuyên nghiệp của các phi hành gia gồm 4 người Mỹ, 2 người Nga và một người Đức - hiện đang sống trên trạm.
“Chúng tôi không thấy bất kỳ tác động nào từ những gì đang diễn ra. Các phi hành gia vẫn tiếp tục công việc như bình thường và thực sự không có căng thẳng nào trong nhóm”, Montalbano nói.