Phi hành gia NASA ghi lại hiện tượng hiếm gặp từ không gian
Phi hành gia Mỹ Nichole 'Vapor' Ayers vừa ghi lại một khoảnh khắc hiếm có: một cột sét khổng lồ xuất hiện từ độ cao khoảng 400km trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Theo Space, khoảnh khắc ngoạn mục này diễn ra trong một cơn giông bão dữ dội bên dưới trạm vũ trụ, nơi Ayers đang bay vòng quanh Trái đất.
Ayers cho biết cột sét khổng lồ thuộc nhóm TLE (sự kiện phát sáng thoáng qua) xảy ra ở tầng điện ly của khí quyển, cao khoảng 80km trên mặt đất. Hiện tượng này được kích hoạt bởi các dòng điện mạnh tích tụ trong các cơn giông bão bên dưới. Từ ISS, phi hành gia có góc nhìn độc nhất hướng xuống đám mây dông - vị trí lý tưởng để ghi lại những ánh sáng thoáng qua kỳ lạ.

Cột sét khổng lồ được phi hành gia NASA Nichole Ayers chụp lại tại ISS - Ảnh: NASA
Những sprite rực rỡ sắc màu với hình dáng đa dạng, từ tua cuốn phức tạp đến luồng ánh sáng đỏ rực, thu hút sự quan tâm của giới khoa học. NASA mô tả chúng là hiện tượng hiếm và chưa được nghiên cứu sâu, nhưng lại cực kỳ ấn tượng về thị giác.
NASA đang thúc đẩy dự án khoa học công dân có tên “Spritacular”, khuyến khích người dân trên khắp thế giới gửi hình ảnh về các TLE họ quan sát được. Những dữ liệu này, khi được tổng hợp cùng các hình ảnh do phi hành gia trên ISS chụp, sẽ cung cấp nguồn tư liệu quý giá hỗ trợ cộng đồng khoa học tìm hiểu sâu hơn về tính chất, nguồn gốc, cơ chế hình thành và tác động của sprite.
Các phi hành gia, trong thời gian sống và làm việc trên ISS, thường tự tổ chức các buổi chụp hình các hiện tượng thiên nhiên trên Trái đất. Đây vừa là hoạt động giải trí vừa là cách tiếp cận khoa học đầy sáng tạo.
Mỗi bức ảnh không chỉ ghi lại vẻ đẹp kỳ ảo mà còn chứa đựng những thông tin quan trọng, giúp các nhà nghiên cứu đặt ra các câu hỏi mới về suy giảm điện tích, chuyển động plasma và tương tác giữa tầng khí quyển.
Dù số lượng cột sét khổng lồ đã được ghi nhận ngày càng nhiều, nhiều khía cạnh về chúng vẫn còn là bí ẩn lớn: tại sao chúng chỉ xuất hiện trong điều kiện giông bão mạnh, tại sao lại có hình thái đặc biệt như tua cuốn hoặc đèn neon đỏ rực, và vai trò của chúng trong hệ thống khí quyển toàn cầu là gì? Những thắc mắc này đang chờ lời giải, và các hình ảnh mới như của Ayers là những mảnh ghép then chốt.