Phí ship tăng, người kinh doanh online 'méo mặt'

Giá xăng đã giảm nhẹ vào chiều hôm qua (1/7), mọi chi phí vận chuyển vẫn tăng khiến những người kinh doanh online như chị Lựu chỉ biết kêu than rồi tìm mọi cách hỗ trợ và giữ chân khách hàng.

Hơn 8 năm kinh doanh online các sản phẩm sứ trưng bày và sử dụng, chị Nguyễn Thị Lựu ở Bắc Từ Liêm cho biết chưa bao giờ kinh doanh khó khăn như hiện nay. Giá xăng dầu tăng đẩy các chi phí khác tăng theo.

"Phí ship tăng cao nên mỗi đơn hàng trong nội thành Hà Nội phải tăng thêm 10.000 đồng. Còn với các đơn hàng ở ngoại thành phí ship cao hơn, gấp 2 - 3 lần", chị Lựu cho hay.

Chị Lựu than thở: “Mọi thứ đều tăng giá từ nguồn hàng nhập cũng tăng 20.000 đồng/sản phẩm cho tới phí vận chuyển đến khách cũng tăng”.

Sau hai năm dịch bệnh, rất nhiều cửa hàng chuyển hướng kinh doanh online, dù chị đã có nhiều khách hàng quen, khách hàng thân thiết nên cá nhân chị cũng phải tìm đủ cách để giữ chân khách và có thêm nhiều khách mới.

Phí ship tăng khiến người kinh doanh online gặp khó khăn

“Mọi khi phí ship chưa tăng, tôi hay sử dụng dịch vụ Grab. Nhưng nay xăng tăng giá, tôi phải cân đong đo đếm, tìm kiếm dịch vụ vận chuyển nào tốt nhất, rẻ nhất để chuyển hàng cho khách trong nội thành.

Nhiều khi, tôi cũng muốn chuyển một lần cho đỡ tiền phí ship nhưng không phải lúc nào cũng gom được đơn trên cùng địa bàn.

Trong lúc khó khăn này, tôi đành chấp nhận hỗ trợ khách tiền vận chuyển. Vừa là để duy trì kinh doanh vừa là hỗ trợ và cũng để giữ khách”, chị Lựu chia sẻ.

Với chị Bùi Minh Thoa chuyên bán online các sản phẩm thịt, cá, tôm tươi sống ở quận Đống Đa cũng gặp cảnh khó khăn tương tự. Vì là mặt hàng tươi sống, cẩn bảo quản cẩn thận nên phí vận chuyển mỗi lần từ Nghệ An ra Hà Nội thường cao hơn so với mặt hàng khác.

“Thời gian trước, gia đình gửi hàng từ quê ở Nghệ An ra, mỗi thùng hàng chỉ 50.000- 80.000 đồng. Hiện xăng tăng giá nên mỗi chuyến hàng gửi ra Hà Nội đã lên tới 100.000 đồng - 130.000 đồng. Khoản tăng này cũng khiến chị méo mặt, không dám tính vào giá bán vì sợ mất khách.

Từ ngày 1/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 410 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 110 đồng/lít. Đây là lần giảm đầu tiên của mặt hàng này sau 7 kỳ tăng liên tục. Nhưng theo chị Minh Thoa, mức giảm này vẫn nhẹ chưa “thấm vào đâu” so với việc giá hàng nhập và phí vận chuyển tăng.

Người kinh doanh lo lắng

“Với những đơn hàng bán kính giao hàng 5 -7km có giá tiền triệu, tôi sẽ miễn ship. Cũng đơn hàng giá trị như vậy, khách hàng ở ngoại thành tôi hỗ trợ một nửa tiền ship. Nói chung kinh doanh thời gian này không dám nghĩ đến lãi mà chỉ làm sao giữ khách là tốt lắm”, chị Minh Thoa chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Bằng chủ cửa hàng chuyên bán nem nướng Nha Trang trên phố Xa La (Hà Đông) cho biết, cửa hàng chủ yếu bán cho khách đặt online và khách ăn tại chỗ ít hơn.

“Ở thời điểm khi giá xăng chưa tăng, giá bán một suất là 25.000 đồng. Khi xăng tăng dần, mọi thứ nguyên liệu cũng tăng theo nên tôi nâng một chút là 30.000 đồng. Cho đến lần điều chỉnh gần đây, mọi chi phí nhập nguyên liệu vẫn tăng nên mỗi suất cũng phải tăng lên 5.000 đồng. Hiện giá bán một suất là 35.000 đồng.

Do đặc thù của món ăn cần nhiều loại gia vị, rau, quả ăn kèm, chưa kể tôi phải thuê thêm 3 nhân viên làm các công việc như thái, nướng thịt và gói hàng cho khách. Nhiều khách cũng thông cảm và vẫn chấp nhận đặt mua. Tuy nhiên lượng khách cũng giảm hẳn so với trước”, anh Bằng nói.

Mặc dù chiều hôm qua, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 410 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 110 đồng/lít. So với mức điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng hiện nay đã tăng thêm khoảng 37%. Những người kinh doanh online như chị Lựu, chị Thoa, anh Bằng và nhiều người kinh doanh online khác đều mong giá xăng giảm hơn nữa để họ yên tâm kinh doanh.

Bích Thảo

Tin liên quan Xăng tăng nóng, người tiêu dùng chuyển đi xe điện, tàu điện
Người tiêu dùng chọn đi chợ đầu mối để tiết kiệm chi phí
Người tiêu dùng choáng váng vì nhiều mặt hàng tăng giá

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/phi-ship-tang-nguoi-kinh-doanh-online-meo-mat-d202080.html