Phía Nam sông Bến Hải - Truyện ký hay của nhà thơ Nguyễn Văn Á

Đọc tập truyện ký Phía Nam sông Bến Hải của nhà thơ Nguyễn Văn Á, chúng ta thấy hình ảnh người lính trong hồi ức của nhà thơ qua cách hành văn cô đọng, sâu lắng. Truyện ký này để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả.

Nhà thơ Nguyễn Văn Á, sinh năm 1952, bút danh: Khánh Văn. Quê quán: Văn Giang, Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Giải thưởng: Giải khuyến khích (không có giải Nhất) Cuộc thi truyện ngắn và thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1989 - 1990 - Tác phẩm “Về quê ngoại”.

Giải khuyến khích Cuộc thi viết “Sâu nặng nghĩa tình” - Tác phẩm “Quảng Trị và nghĩa tình đồng đội” do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Báo Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2017.

Giải tư Cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn” - Tác phẩm “Bà Chung nhân ái” do Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh và Báo Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2019. Giải ba Giải thưởng Văn học về đề tài “Hậu chiến tranh” - Tác phẩm chùm bút ký “Đi tìm hài cốt liệt sĩ”, “Trận mở màn chiến dịch năm 1972, “Trận đánh trên cánh đồng Phương Ngạn” do Bảo tàng Tác phẩm Hậu chiến tranh Minh Chuyên và Ban vận động sáng tác Văn học thiện nguyện về đề tài Hậu chiến tranh Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2020 - 2025.

Giải B Giải báo chí “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” - Tác phẩm “Nước mắt da cam” do Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam và Tạp chí Da cam tổ chức năm 2021.

Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách Phía Nam sông Bến Hải

Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách Phía Nam sông Bến Hải

Phía Nam sông Bến Hải là tập truyện ký hay của nhà thơ Nguyễn Văn Á. Tập truyện ký do Nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 4 năm 2025, sách dày 424 trang, tập truyện ký được chia làm hai phần chính. Phần I: Khi miền Nam vẫy gọi, phần này bao gồm tất cả 16 truyện. Phần II: Trầm tích, phần này bao gồm 9 truyện.

Nhà văn Phạm Vân Anh sau khi đọc toàn bộ cuốn truyện ký này đã nhận xét như sau: ‘‘Không chỉ là một vùng ký ức chân thực của một cựu chiến binh đã có những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu kiên cường trên nhiều mặt trận để đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, tập truyện ký Phía Nam sông Bến Hải của nhà thơ Nguyễn Văn Á còn là những trang văn học sử giá trị với nhiều biên độ cảm xúc. Những trận đánh mà tác giả đã trải qua, những người lính kiêu dũng, quả cảm, mà tác giả đã cùng chung chiến hào, những câu chuyện nhân bản mang nghĩa tình đồng đội và sự gắn bó máu thịt của quân dân trong thời chiến… đã được Nguyễn Văn Á tái hiện bằng giọng văn trần thuật mang hơi thở chân thực và góc nhìn xác tín của người trong cuộc, nên thực sự ấn tượng với người đọc. Qua "Phía Nam sông Bến Hải" chúng ta sẽ thấy nỗi đau của người lính trận trào lên trang viết, sẽ thấm thía sâu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh và vết thương hậu chiến không thể nào lành lại. Nhưng cũng qua đó, ta thấu hiểu được cái giá của hòa bình không thể lượng hóa bằng những con số hay miêu tả bằng từ ngữ… chúng ta tự hào biết mấy về một dân tộc Việt Nam anh hùng, với ý chí, nghị lực, sức mạnh đại đoàn kết đã làm nên những chiến công vĩ đại’’.

Tập truyện ký Phia Nam sông Bến Hải của nhà thơ Nguyễn Văn Á

Tập truyện ký Phia Nam sông Bến Hải của nhà thơ Nguyễn Văn Á

Phần I với 16 truyện ký, Nguyễn Văn Á đã viết về những trận đánh của chính tác giả đã cùng với những đồng đội đã trải qua, những kỷ niệm khi chiến đấu cùng đồng đội và ký ức về những người lính, người anh hùng thầm lặng chưa được vinh danh như: Nổ súng trước giờ G (trang 50 - 70); Cuộc rút lui đẩm máu trên Đại lộ kinh hoàng (trang 95 - 100); 81 ngày đêm đối mặt với tử thần (trang 101 - 128); Những anh hùng chưa được vinh danh (trang 194 - 225)…

Phần II: Trầm tích, phần này bao gồm 9 bài viết về hành trình hậu chiến của chính nhà thơ Nguyễn Văn Á, để tri ân đồng đội, trả lại tên cho liệt sỹ cùng với sự quyết tâm không mệt mỏi để huy động những nguồn lực xây dựng nên những công trình tưởng niệm nằm bên sông Bến Hải để anh linh những người lính, những người đồng đội của Nguyễn Văn Á về đây quây quần an nghỉ như truyện ký ‘Trả lại tên cho các liệt sỹ’ (trang 312 - 320); Vết thương không mảnh đạn (trang 322 - 337); Viết từ Quảng Trị (trang 344 - 356); Nơi ra đời bài hát Con xin ở lại nơi này (trang 357 - 360); Nước mắt Da cam (trang 381 - 408); Những kỷ niệm của tôi với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (trang 409 - 421).

Đọc tập truyện ký Phía Nam sông Bến Hải của nhà thơ Nguyễn Văn Á, chúng ta thấy hình ảnh người lính trong hồi ức của nhà thơ qua cách hành văn cô đọng, sâu lắng. Truyện ký này để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả.

Vương Quốc Hoa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phia-nam-song-ben-hai-truyen-ky-hay-cua-nha-tho-nguyen-van-a-a28857.html