Phía sau 'cú sốc' của nền tài chính toàn cầu

Đầu tuần này, thị trường chứng khoán toàn cầu đã chao đảo trên diện rộng. Thậm chí, nhiều sàn giao dịch được ví von là bị cuốn vào cơn lốc xoáy suy giảm.

Một nhân viên trên sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ trong bối cảnh thị trường tụt giảm mạnh. Ảnh: Getty Images

Một nhân viên trên sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ trong bối cảnh thị trường tụt giảm mạnh. Ảnh: Getty Images

Nhiều nguyên nhân tạo “cú sốc”

Trên sàn chứng khoán, màu đỏ là màu thể hiện chỉ số tụt giảm. Ngày 5/8, khắp thế giới choáng váng khi “sắc đỏ” bao phủ thị trường chứng khoán của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Hàng loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đều chung cảnh suy giảm mạnh, tạo thành làn sóng giảm như vũ bão.

Trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế, những bài viết phân tích về những yếu tố gây nên “cú sốc” được đặc biệt quan tâm. Các phân tích đều chỉ ra rằng, sự tụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc.

Giới chuyên gia tài chính quốc tế nhận định, thị trường chứng khoán của siêu cường số 1 thế giới tụt giảm mạnh xuất phát từ 3 nguyên nhân. Trước hết là tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp quý II/2024 của Mỹ đều yếu hơn dự kiến là tác nhân chính cho vòng hỗn loạn của thị trường lần này. Tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến các nhà đầu tư không lạc quan về khả năng sinh lời trong tương lai của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy hiện tượng bán tháo.

Tiếp đó là báo cáo tài chính yếu đuối của một số công ty công nghệ lớn. Điển hình là nhóm 7 công ty công nghệ lớn hàng đầu của Mỹ đã "bốc hơi" hơn 1.000 tỷ USD giá trị thị trường trong khoảng một tháng gần đây; tăng trưởng lợi nhuận mờ nhạt của những “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Amazon và Google làm trầm trọng thêm sự bi quan của thị trường.

Yếu tố quan trọng khác là thái độ lưỡng lự của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đối với việc tăng lãi suất đã làm tăng cảm giác không chắc chắn của thị trường về hướng đi của lãi suất trong tương lai. Một mặt, Fed báo hiệu khả năng sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024, nhưng đồng thời thận trọng phủ nhận điều đó, dẫn đến sự hoảng loạn của thị trường gia tăng.

Theo giới chuyên gia, sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Mỹ phản ánh những rủi ro tài chính toàn cầu. Thể hiện ngay ở thị trường chứng khoán châu Á đã bị cuốn vào vòng xoáy lao dốc, khi thị trường chứng khoán Mỹ rực đỏ. Nhiều tập đoàn lớn hàng đầu châu Á đã ghi nhận mức giảm mạnh, thậm chí là kỷ lục, như cổ phiếu của Samsung giảm hơn 10% - mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008, thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Truyền thông quốc tế dẫn phân tích của giới chuyên gia cho biết, có nhiều nguyên nhân khác gây nên "cú sốc" toàn cầu vừa qua. Bên cạnh lo ngại về sự suy thoát của nền kinh tế Mỹ, các giao dịch bằng trí tuệ nhân tạo (AI) đã bị lạm dụng và được thổi phồng quá mức đã trở nên tồi tệ, dẫn đến một cuộc lao dốc với các cổ phiếu công nghệ.

Cùng với đó, lý do chính dẫn đến diễn biến này là sự phá vỡ giao dịch chênh lệch giá lớn giữa đồng USD và đồng yên Nhật - nơi các nhà đầu tư đang vay với giá rẻ bằng đồng yên và đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn của Mỹ. Đây là một kiểu kinh doanh chênh lệch giá: Vay với lãi suất thấp và cho vay (đầu tư) với lãi suất cao hơn.

Tuy nhiên, ngày 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất, được nhìn nhận là báo hiệu sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nữa, nên vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất này đã chấm dứt. Điều này gây ảnh hưởng tới thị trường, góp phần làm trầm trọng áp lực bán tháo cổ phiếu.

Giải pháp từ hợp tác đa phương vững chắc

Hàng loạt phân tích từ giới chuyên gia đều có điểm chung về nguyên nhân làm trầm trọng thêm những rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu, đó là: Sự khác biệt rất lớn trong chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương; rủi ro địa chính trị gia tăng; các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu; sự mong manh của thị trường mới nổi và tâm lý thị trường biến động...

Ngoài góc độ tài chính, giới chuyên gia cho rằng, nguy cơ xung đột địa chính trị gia tăng cũng có tác động rất lớn đến thị trường tài chính. Hiện nay, bất ổn an ninh ở châu Âu và Trung Đông diễn biến phức tạp dẫn đến giá năng lượng không ổn định, làm tăng áp lực lạm phát toàn cầu và làm suy yếu niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Các diễn biến địa chính trị gây tác động mạnh đối với sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn chưa phục hồi hoàn toàn và có nguy cơ tiếp tục gián đoạn. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại của ngành sản xuất toàn cầu, làm tăng chi phí sản xuất và sự không chắc chắn của chuỗi cung ứng, đồng thời không chỉ gây ra mối nguy cho ngành sản xuất, mà còn tạo thành trở ngại tiềm tàng đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cùng với đó, nhiều nền kinh tế mới nổi với nền tảng mong manh cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, như nợ nước ngoài cao, lạm phát cao, dòng vốn có xu hướng chảy ra khỏi các thị trường mới nổi... khiến các thị trường mới nổi trở nên rủi ro và suy giảm sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng tài chính. Đồng thời, những yếu tố này cũng lý giải cho tâm lý dễ bị dao động của các nhà đầu tư, khiến thị trường biến động mạnh, xác suất bán tháo mang tính hoảng loạn cao hơn đáng kể.

Cũng theo giới chuyên gia, chỉ thông qua sự phối hợp chính sách đa phương vững chắc và các biện pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả, thị trường tài chính toàn cầu mới có thể vượt qua cơn bão, đạt được sự ổn định và phát triển.

Theo đó, các quốc gia cần tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác càng sớm càng tốt để cùng nhau ứng phó với những thách thức kinh tế. Tăng cường hợp tác cũng sẽ giúp ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm rủi ro địa chính trị và tăng tính chắc chắn của thị trường.

Để ngăn chặn từ sớm các "cú sốc" như vừa qua, các ngân hàng trung ương cần linh hoạt điều chỉnh chính sách tiền tệ theo những thay đổi của tình hình kinh tế, tìm sự cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, tránh thắt chặt hoặc nới lỏng quá mức.

Các quốc gia cũng cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đổi mới khoa học, công nghệ để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro để ngăn chặn sự bùng phát của những rủi ro mang tính hệ thống. Đồng thời hoàn thiện tính minh bạch của thị trường và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư bằng cách cải thiện khung giám sát, quản lý tài chính.

Theo ông Từ Tường, chuyên gia đặc biệt tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và an ninh tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), sự hỗn loạn của thị trường hiện tại có thể chỉ là khúc dạo đầu cho một cơn bão thậm chí còn lớn hơn. Thực trạng này không chỉ phơi bày tính mong manh của các nền kinh tế lớn, mà còn cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phia-sau-quotcu-socquot-cua-nen-tai-chinh-toan-cau-post479282.html