Phía sau động thái gom hàng của cổ đông lớn gần đây
Trước triển vọng thị trường chứng khoán tích cực hơn về trung và dài hạn, nhiều cổ đông lớn, cổ đông nội bộ tận dụng việc giá cổ phiếu chưa tăng được nhiều, đang tích cực gom hàng, tăng cường thâu tóm và sáp nhập. Dù vậy, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng và tìm hiểu kỹ hơn để hiểu rõ mục đích và bản chất của những thương vụ này.Với những nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức hoặc cổ đông nội bộ, họ vốn có năng lực phân tích và dự báo tốt hơn, cũng như có khả năng tiếp cận các nguồn thông tin nội bộ và đánh giá sâu sát hơn, từ đó có thể quyết định hành động sớm hơn bằng cách gia tăng tỷ lệ sở hữu và đón chờ những đợt tăng mới mạnh mẽ hơn của thị trường, cũng như đón đầu xu hướng cải thiện kết quả kinh doanh tốt hơn của chính doanh nghiệp trong thời gian tới.
Gia tăng tỷ lệ nắm giữ
Cổ đông lớn thứ hai của Công ty cổ phần (CTCP) Cấp nước Quảng Bình (UpCom: NQB) là CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (HOSE: BWE) mới đây đã đăng ký mua thỏa thuận gần 2,8 triệu cổ phiếu NQB trong thời gian từ ngày 18-5 đến 16-6-2023, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 25% lên 41%.
Được biết, Nước – Môi trường Bình Dương chỉ vừa trở thành cổ đông lớn của Cấp nước Quảng Bình vào tháng 3-2023 khi mua vào hơn 4,3 triệu cổ phiếu trong phiên 21-3. Đáng lưu ý là cổ phiếu NQB gần như không có thanh khoản trong suốt thời gian qua.
Tại CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (UpCom: SGI), ông Mạch Quốc Phong vừa mua 2 triệu cổ phiếu của công ty này vào ngày 10-5-2023, nâng tỷ lệ sở hữu lên 2,78%.
Ông Phong hiện là Giám đốc CTCP Đầu tư Hưng Phúc – cổ đông lớn đang sở hữu 13,9 triệu cổ phiếu SGI, tương đương 18,48%, trong khi vợ ông Phong là bà Tô Mỹ Phấn cũng đang sở hữu 713.000 cổ phiếu SGI, tương ứng gần 1%.
Do đó, sau giao dịch, tỷ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông này là gần 16,8 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 22%. Cổ phiếu SGI vẫn trong xu thế đi ngang từ đầu năm đến nay.
Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Sông Đà 9 (HNX: SD9) – ông Lê Hải Đoàn, mới đây đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu SD9 từ ngày 23-5 đến 21-6-2023 với mục đích đầu tư. Nếu mua thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Đoàn tại Sông Đà 9 sẽ tăng từ 0,53% lên 3,47%, tương đương gần 1,2 triệu cổ phiếu.
Ông Đoàn còn được biết đến là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn HIPT (UpCom: HIG). Cuối tháng 4-2023, ông đăng ký mua 833.112 cổ phiếu HIG từ ngày 4-5 đến 2-6-2023, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 38,42% lên 42,11%, tương đương 9,5 triệu cổ phiếu.
Sau khi trở thành cổ đông lớn của CTCP Beton 6 (UpCom: BT6) từ đầu tháng 4-2023, CTCP Thiết bị Xây dựng An Phong (An Phong) đã nhanh chóng nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 19,22%, sau khi mua thêm hơn 1,55 triệu cổ phiếu BT6 ngày 12-5-2023, đúng bằng số cổ phiếu mà bà Lê Thị Hải Ninh – thành viên HĐQT Beton 6 đăng ký bán ra.
Cổ phiếu BT6 đang thuộc diện bị hạn chế giao dịch, khi đang bị lỗ lũy kế và từng có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ năm 2019.
Không chỉ các cổ đông lớn trong nước tích cực gia tăng tỷ lệ sở hữu, cổ đông nước ngoài cũng chủ động mua vào cổ phiếu tại nhiều doanh nghiệp trên sàn với khối lượng lớn trong thời gian gần đây.
Như tại CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HPSE: TTF), một tổ chức đến từ Hồng Kông là Excelsior Oak Limited đã mua 1,52 triệu cổ phiếu TTF trong ngày 12-5-2023, để tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,69% lên 5,06%, chính thức trở thành cổ đông lớn, bất chấp việc HOSE có thông báo giữ nguyên diện cảnh cáo đối với cổ phiếu TTF do lỗ lũy kế cuối năm 2022 là 3.070 tỉ đồng.
“Nhắm mắt mà mua”?
Trong nhận định mới đây về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc khối Chứng khoán của Dragon Capital cho rằng thị trường đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ vùng đáy sang phục hồi, theo đó những nhịp điều chỉnh là cơ hội mua vào cổ phiếu.
Cũng theo ông Tuấn, dù không nên kỳ vọng về những đợt tăng quá mạnh và tìm kiếm mức lợi nhuận từ 30% hay 50%, nhưng định giá rẻ sẽ hạn chế rủi ro lớn cho thị trường. “Năm nay, những lúc các bạn thấy thị trường rớt các bạn sợ, hãy nhắm mắt lại mua. Đây là giai đoạn tích lũy cho một pha tăng trưởng vào năm 2024”.
Thật ra giới phân tích lẫn đầu tư thời gian gần đây đã có những dự báo lạc quan hơn về TTCK trong thời gian tới, khi nhìn vào sự chuyển dịch trong chính sách tiền tệ sang nới lỏng trở lại, thể hiện qua việc lãi suất liên tục được kéo xuống bằng nhiều giải pháp, công cụ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong gần ba tháng qua, bất chấp các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu vẫn đang neo lãi suất ở mức cao hoặc chưa thực sự dừng hẳn lộ trình thắt chặt. Tương tự, chính sách tài khóa cũng được thúc đẩy mở rộng thực chất hơn và hiệu quả hơn.
Dù vậy, những hiệu quả từ chính sách vẫn chưa thật sự ngấm vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, trong khi nhà đầu tư có lẽ vẫn chưa thoát khỏi tâm lý bi quan sau khi nhìn vào lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết lao dốc nặng nề trong quí 1-2023.
Vì vậy, có lẽ nhiều người sẽ chờ đợi một kết quả lợi nhuận tích cực hơn từ quí 2 năm nay hoặc chậm nhất là nửa cuối năm, để mạnh dạn giải ngân, chuyển dịch dòng vốn từ kênh tiết kiệm trở lại với chứng khoán.
Dragon Capital Việt Nam dự báo, lợi nhuận của tổng thể doanh nghiệp niêm yết trong năm 2023 chỉ tăng trưởng khoảng 5%. Còn CTCK Rồng Việt dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của các doanh nghiệp trong danh mục theo dõi của công ty này ở mức 6% so với cùng kỳ năm 2022, giảm so với con số 7% của năm 2022.
Lạc quan hơn, CTCK VnDirect dự báo lợi nhuận thị trường sẽ giảm khoảng 14% trong nửa đầu năm 2023, tích cực hơn trong nửa sau, đưa mức tăng trưởng cả năm lên khoảng 12-14%.
Tuy nhiên, với những nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức hoặc cổ đông nội bộ, họ vốn có năng lực phân tích và dự báo tốt hơn, cũng như có khả năng tiếp cận các nguồn thông tin nội bộ và đánh giá sâu sát hơn, từ đó có thể quyết định hành động sớm hơn bằng cách gia tăng tỷ lệ sở hữu và đón chờ những đợt tăng mới mạnh mẽ hơn của thị trường, cũng như đón đầu xu hướng cải thiện kết quả kinh doanh tốt hơn của chính doanh nghiệp trong thời gian tới.
Dù vậy, việc cổ đông lớn mua vào không phải bao giờ cũng là mục đích thâu tóm hay cho thấy hoạt động của doanh nghiệp đó tiến triển tích cực.
Như trường hợp tại CTCP Sông Đà 505 (HNX: S55), chỉ trong vòng hơn một tháng qua, CTCP ANZA đã có ba lần mua vào cổ phiếu này với tổng số lượng hơn 4 triệu cổ phiếu, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,67% lên hơn 65%, chính thức trở thành công ty mẹ của Sông Đà 505. Ở chiều ngược lại, nhiều lãnh đạo công ty cùng gia đình thay nhau thoái sạch vốn tại đây.
Do đó, động thái này được cho chỉ đơn thuần là chuyển dịch quyền sở hữu từ cá nhân sang tổ chức, khi cổ đông lớn của ANZA chiếm 50% vốn cũng chính là ông Đặng Quang Đạt – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Sông Đà 505.
Được biết gia đình ông Đạt đã bán hết tổng cộng hơn 20 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn của Sông Đà 505, chính thức không còn là cổ đông của công ty, trong trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của công ty sụt giảm mạnh trong ba tháng đầu năm 2023. Cụ thể, công ty chỉ ghi nhận lần lượt 39 tỉ đồng doanh thu thuần và hơn 2 tỉ đồng lãi ròng, giảm hơn 53% và 93% so với cùng kỳ.
Hay như tại CTCP Kho vận Miền Nam (HOSE: STG), phiên thứ Sáu tuần trước (ngày 19-5) chứng kiến khối ngoại chi khoảng 1.300 tỉ đồng mua gần 25% vốn của Kho vận Miền Nam theo hình thức thỏa thuận.
Bên bán nhiều khả năng là CTCP Giao nhận và Vận chuyển INDO TRẦN (ITL) – công ty mẹ của Kho vận Miền Nam, khi ITL đã đăng ký bán gần 29,5 triệu cổ phiếu STG. Thực tế hai doanh nghiệp này cũng có mối liên hệ với nhau, khi ông Trần Tuấn Anh là Chủ tịch HĐQT Kho vận Miền Nam đồng thời là Tổng Giám đốc ITL.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phia-sau-dong-thai-gom-hang-cua-co-dong-lon-gan-day/