Phía sau hiện tượng 'gã khổng lồ' Zoom
Kết thúc cuốn 'The Four' – cuốn sách nói về bốn kỵ sĩ quyền lực nhất trong giới công nghệ (Amazon, Apple, Facebook, Google), tác giả Scott Galloway đã viết: 'Sẽ có một kỵ sĩ thứ 5…hoặc một trong 'The Four' sẽ bị thay thế. Và giờ là lúc đi tìm cái tên có nhiều khả năng tham gia vào bộ tứ ưu tú này'.
Như một lời tiên tri, tháng 3/2020, Zoom - gã khổng lồ công nghệ mới - bắt đầu chiếm sóng, với tỉ lệ người đăng ký sử dụng tăng gấp 30 lần chỉ trong vòng 3 tháng. Thế nhưng, loạt lùm xùm xảy ra liên tiếp đang khiến sứ mệnh “mang lại hạnh phúc” của Zoom lung lay trong lòng người sử dụng.
Kẻ định hình cuộc chơi mới?
Khi Roxanne chuyển dạ, chồng cô - Milo McCabe - đang phải điều trị trong bệnh viện vì COVID-19. Không thể ở bên vợ vào thời khắc quan trọng, nhưng McCabe vẫn có thể nhìn thấy cô con gái yêu chào đời, nghe thấy tiếng con khóc, cổ vũ và động viên vợ trong cả quá trình sinh nở kéo dài gần 11 tiếng đồng hồ, nhờ Zoom. Zoom, ứng dụng được McCabe và Roxanne lựa chọn, từng là một cụm từ xa lạ với cả thế giới, nhưng giờ đây lại hiện diện ở hầu hết mọi nơi.
“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ về người tiêu dùng lẻ hoặc các hệ thống giáo dục phổ thông (K-12) khi bắt đầu lập kế hoạch cho năm 2020”, CEO Zoom Eric Yuan chia sẻ. Nhưng, vào tháng 3/2020, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đăng tải bức ảnh về cuộc họp nội các đầu tiên của ông được thực hiện trực tuyến qua Zoom, định nghĩa về Zoom trên bản đồ công nghệ toàn cầu đã thay đổi. CEO của Zoom nhận ra rằng, hơn cả một ứng dụng doanh nghiệp, Zoom hoàn toàn có thể là cây cầu kết nối liên lạc và duy trì quan hệ cho cả thế giới, từ các quan chức chính phủ, những nhà hoạt động xã hội, các giáo viên, học sinh, cho đến những chương trình hội nghị hay thậm chí là những người bán hàng qua Internet.
Bất chấp sự cạnh tranh từ những gã khổng lồ như Google, Apple và Microsoft, Zoom đã vượt lên dẫn trước trong mảng họp trực tuyến, với mức tăng từ 10 triệu người tham gia vào tháng 12/2019 lên con số đáng kinh ngạc 300 triệu người sử dụng vào tháng 4/2020. Tháng 6/2020, 42% lực lượng lao động Mỹ đang làm việc tại nhà toàn thời gian qua Zoom, theo một nghiên cứu của Stanford. Các ngân hàng lớn và các doanh nghiệp quốc tế cũng chuyển sang họp bằng Zoom.
Khoảng 125.000 trường học K-12 tại Mỹ đã sử dụng Zoom để giảng dạy trực tuyến. Cũng trong năm 2020, Zoom được vinh danh là ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất của Apple, một thành tựu mà nhiều công ty công nghệ thèm khát.
Sự thèm khát ấy khiến người ta tò mò nhiều hơn về cách mà Zoom ra đời. Ứng dụng họp trực tuyến ảo này được Time gọi là “sản phẩm của tình yêu thời trai trẻ”. Vào cuối những năm 80, nhà sáng lập Eric Yuan, khi ấy đang là một sinh viên chuyên ngành toán và khóa học máy tính tại Đại học Sơn Đông, đã đi xe suốt 10 tiếng đồng hồ để thăm người yêu mình đang học ở một trường đại học khác. Trên đường tới thăm người yêu, Eric luôn mơ về một ngày có thể nhìn thấy khuôn mặt người ấy, ngay cả khi chưa thể ở bên cô.
Bị thu hút bởi sự bùng nổ của dot-com, Yuan đặt quyết tâm sẽ đến thung lũng Silicon để chinh phục đường đua công nghệ. Nhưng giấc mơ Mỹ chưa bao giờ dễ dàng, khi hồ sơ của anh bị từ chối cấp visa tới 8 lần. Cuối cùng, vào năm 1997, ở tuổi 27, anh đã được cấp thị thực để làm việc tại Mỹ. Anh bắt đầu với tư cách là một lập trình viên tại WebEx và nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong việc xây dựng nền tảng họp trực tuyến, dù ở thời điểm đó, Yuan gần như không nói được tiếng Anh.
Sau khi Cisco mua lại WebEx vào năm 2007, Yuan tiếp tục đầu quân cho Cisco và lập tức đóng vai trò chủ chốt tại công ty. Nhưng, vào tháng 4/2011, khi đang sở hữu phong độ và sự tin cậy đỉnh cao tại Cisco, Yuan đã rời đi. Anh quyết định mơ giấc mơ của riêng mình, giấc mơ mang tên Zoom. Trong khi nhiều công ty khởi nghiệp khác chủ yếu dựa vào các sản phẩm miễn phí để tạo ra sự bão hòa trên diện rộng, Zoom lại nhắm mục tiêu đến các trường học và mạng lưới kinh doanh sẽ trả tiền để đăng ký sử dụng dài hạn. Chiến lực đó đã giúp Zoom chiến thắng.
Chương trình nổi tiếng Saturday Night Live lên sóng trở lại với lời giới thiệu độc nhất từ chủ xị Kate McKinnon: “Trực tiếp từ Zoom”. Thành phố New York, Mỹ hợp pháp hóa các cuộc kết hôn thông qua nền tảng Zoom. Doanh thu của Zoom tăng 169% so với cùng kỳ năm 2019. Time đã không tiếc lời nhận định, Zoom đang đóng vai trò quan trọng trong trật tự thế giới ảo mới này. Và người đứng sau thành công của Zoom, Eric Yuan, đã được tôn vinh là Doanh nhân của năm.
Bê bối bủa vây “kẻ định hình”
Với phương châm “Mang đến hạnh phúc” (Delivering Happiness), Zoom khiến người dùng tin rằng, ứng dụng này đang nỗ lực mang lại giá trị hạnh phúc đích thực. Nhưng, những gì Zoom đang làm có thực sự chứng minh điều đó? Một tháng sau khi ghi nhận số lượt người đăng ký tăng nhảy vọt tới 30 lần, Zoom đối mặt với các bê bối liên tiếp về bảo mật thông tin.
Tháng 4/2020, FBI cho biết đã nhận được nhiều báo cáo về việc một số đối tượng tìm cách “đột nhập” vào các cuộc họp trực tuyến trên nền tảng Zoom để đăng tải thông tin quấy rối, lời lẽ phân biệt chủng tộc hoặc bình luận tiêu cực – được gọi chung là Zoombombing. FBI lập tức đưa ra cảnh báo đối với người sử dụng Zoom về việc tham gia các cuộc họp trực tuyến, bởi tính năng đăng nhập miễn phí chỉ cần meeting ID (mật khẩu cuộc họp) mà Zoom cung cấp đã trở thành lỗ hổng lớn của ứng dụng này.
Trước đó, vào ngày 30/3/2020, Patrick Wardle, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và hiện là chuyên gia nghiên cứu bảo mật của Jamf bất ngờ tiết lộ Zoom tồn tại hai lỗ hổng rất lớn liên quan đến bảo mật người dùng, bao gồm việc “cho phép” tin tặc thêm các đoạn mã độc vào ứng dụng Zoom để chiếm quyền kiểm soát thiết bị của người dùng, bao gồm cả việc truy cập webcam và microphone.
Phát hiện này đã khiến các doanh nghiệp sử dụng Zoom bị sốc. SpaceX cấm toàn bộ nhân viên sử dụng Zoom để làm việc. Hệ thống trường công lập tại New York cũng cấm sử dụng Zoom cho việc học từ xa. “Đó là một cú sốc”, CEO Zoom lên tiếng sau vụ việc, đồng thời liên tục xin lỗi vì những lỗ hổng chưa thể kiểm soát và tuyên bố sẽ dành 90 ngày tới để nâng cấp quyền riêng tư và bảo mật của công ty.
Time cho biết, Eric Yuan thậm chí đã liên hệ với Wardle và các nhà nghiên cứu bảo mật khác để hỗ trợ xử lý lỗ hổng. “Nếu bạn không lắng nghe họ, làm thế nào bạn có thể sửa chữa lỗ hổng đó?”, Yuan từng nói. Sự minh bạch và xử lý khẩn trương của Zoom đã gây ấn tượng với Wardle. “Họ đã có một phản ứng thực sự trưởng thành về mặt cảm xúc”, Wardle nhận xét về cách xử lý khủng hoảng của Zoom.
Nhưng, khi sóng gió vừa qua, Zoom lại đối mặt với vấn đề kiểm duyệt thông tin. Một nhóm nghiên cứu mang tên Citizen Lab thuộc Đại học Toronto (Canada) đã đưa ra bằng chứng một số cuộc gọi video thông qua Zoom bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc lại bị Zoom chuyển dữ liệu về quốc gia này. CEO Eric Yuan sau đó đã phải thừa nhận Zoom đã “định tuyến” nhầm các cuộc gọi sang Trung Quốc.
“Trong nỗ lực cấp tốc nhằm giúp người dùng thế giới kết nối với nhau trong mùa dịch, chúng tôi đã triển khai bổ sung máy chủ mới tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi đã thất bại trong việc phân chia hàng rào địa lý rõ ràng, khiến một số cuộc họp nhất định lại kết nối với các hệ thống ở Trung Quốc”, ông Yuan giải thích.
Nhưng, cũng từ đó, những nghi ngờ về việc Zoom có liên đới với Trung Quốc bắt đầu. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thậm chí còn chỉ trích “Zoom là một thực thể Trung Quốc trên nền tảng trực tuyến”. Đáp trả cáo buộc này, CEO Zoom đã lập tức lên tiếng, khẳng định tính bản quyền của Zoom: “Tôi đã trở thành công dân Mỹ vào tháng 7/2007. Zoom là một công ty Mỹ, được sáng lập và có trụ sở tại California, được thành lập ở Delaware và hoạt động giao dịch công khai trên sàn Nasdaq!”.
Ngay sau đó, ứng dụng này lại bị phát hiện gửi thông tin người dùng trên nền tảng iOS tới cho Facebook nếu người dùng đăng nhập hệ thống bằng tài khoản Facebook. Một cách nhanh nhạy, Zoom lập tức lên tiếng về sự cố này. “Chúng tôi sử dụng SDK từ Facebook để triển khai tính năng ‘Đăng nhập bằng Facebook’, giúp người dùng đăng nhập thuận tiện hơn. Nhưng mới đây, chúng tôi thấy SDK này thu thập nhiều dữ liệu không cần thiết”, Zoom giải thích. Công ty này cũng xin lỗi, đồng thời cho biết sẽ xóa SDK của Facebook và điều chỉnh lại tính năng đăng nhập để bảo vệ dữ liệu người dùng. Những bê bối của Zoom, dường như, theo thời gian, cũng đang dần lắng xuống.
Đã gần một năm trôi qua kể từ ngày Zoom “lên sàn” và định vị vị trí của mình trên thị trường công nghệ. Time từng nhận định rằng, sự ra đời của Zoom đã phá vỡ các tiêu chuẩn cố hữu về phương thức con người làm việc. Còn Forbes ví von sự thành công của Zoom như một câu chuyện cổ tích trong giới công nghệ, với kỳ tích khó có thể tìm thấy lần thứ hai. Zoom tự hào khi cung cấp nền tảng họp trực tuyến miễn phí cho tất cả mọi người trên thế giới, nhưng liệu có bao giờ tồn tại bữa ăn miễn phí ở trên đời?
Michael Gazeley, giám đốc quản lý và là người đồng sáng lập Tập đoàn Network Box, thừa nhận “Zoom rất phổ biến”, song khuyến cáo các công ty và người dùng phải hết sức cảnh giác trước xu hướng làm việc từ xa hiện nay. Trong bối cảnh vấn đề an ninh mạng đang trở nên ngày càng nhức nhối, những nền tảng trực tuyến như Zoom sẽ còn đối diện nhiều thách thức hơn nữa, nhất là khi ứng dụng này đang phát triển và mở rộng hơn.
Theo công ty phần mềm Check Point, rủi ro đối với dữ liệu cá nhân đang được sử dụng vì những mục đích trái phép là điều phổ biến trong các dịch vụ điện toán đám mây (cloud computing). Bài toán đặt ra với Zoom giờ đây không chỉ gói gọn trong việc đảm bảo chất lượng nền tảng họp trực tuyến, mà còn là đảm bảo sự riêng tư và tôn trọng chính những người sử dùng nền tảng đó.
An Nhiên
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/phia-sau-hien-tuong-ga-khong-lo-zoom-627241/