Phía sau kỳ vọng của Thái Lan ở EU

Thông điệp mà Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin muốn chuyển tới châu Âu, đặc biệt là hai nền kinh tế đầu tàu Pháp và Đức trong chuyến công du từ ngày 7-14/3 là 'Thái Lan đã mở cửa kinh doanh trở lại'.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tại Điện Élyseé, ngày 11/3. (Nguồn: AP)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tại Điện Élyseé, ngày 11/3. (Nguồn: AP)

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 9/2023, người đứng đầu chính phủ Thái Lan kiêm Bộ trưởng Tài chính Srettha Thavisin đã thực hiện hơn 10 chuyến công du nước ngoài. Trong các chuyến thăm, thông điệp mà Thủ thướng Thavisin luôn mang theo là Thái Lan dưới thời của ông đang nỗ lực củng cố và gia tăng vị thế một cường quốc khu vực về thương mại và đổi mới nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư toàn cầu tìm đến xứ chùa vàng.

Với lịch trình khá bận rộn tại Pháp và Đức - hai nước có tiếng nói quan trọng trong EU - cho thấy tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy ký kết FTA Thái Lan-EU, miễn thị thực cho công dân Thái Lan vào Schengen là những nhiệm vụ chính của vị khách đến từ Đông Nam Á.

Với mục tiêu FTA vốn đã được khởi động từ năm 2013, song bị đình trệ do cuộc đảo chính ở Thái Lan vào năm 2014. Sau một thập niên gián đoạn, đến năm 2023, các cuộc đàm phán mới được khởi động lại và Thủ tướng Thavisin sau khi nhậm chức, đang nỗ lực tăng tốc để có thể ký kết vào giữa năm 2025.

Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan, với kim ngạch hai chiều năm 2023 là hơn 41 tỷ USD. Trong khi đó, thương mại song phương Pháp – Thái Lan mới chỉ là hơn 5 tỷ Euro và Thái Lan là khách hàng lớn thứ hai của Pháp trong ASEAN. Vì vậy, có được FTA với EU sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan, khi mở đường cho các doanh nghiệp nước này tiếp cận sâu hơn vào Pháp và thị trường hơn 400 triệu dân của EU.

Trong chặng dừng chân tại Paris, Thủ tướng Thái Lan đã gặp lãnh đạo 22 công ty lớn của Pháp trong các lĩnh vực như ô tô điện, kết nối hàng không, năng lượng sạch, thời trang, thể thao, khách sạn và du lịch…

Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron tại Điện Élyseé ngày 11/3, Thủ tướng Srettha nhấn mạnh, Thái Lan và Pháp có tầm nhìn và quan điểm tương tự trong việc thúc đẩy dân chủ, hòa bình và cũng như các mục tiêu kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Ông chủ Điện Élyseé cho biết, Pháp có thể hỗ trợ tầm nhìn của Thái Lan trở thành trung tâm công nghiệp toàn cầu, tăng cường hợp tác quốc phòng, năng lượng sạch, hàng không và công nghệ vũ trụ...

Tới Berlin từ ngày 12-13/3 trong chuyến thăm đáp lại chuyến thăm của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier hồi cuối tháng Giêng vừa qua, Thủ tướng Srettha có cuộc gặp với người đồng cấp Olaf Scholz, làm việc với hiệp hội doanh nhân Đức và các tập đoàn kinh tế hàng đầu nước này. Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm Đức ”đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương sau một thời gian dài không có chuyến thăm chính thức giữa hai nước”.

Phát biểu với báo giới trước khi Thủ tướng Srettha Thavisin lên đường, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết, nhà lãnh đạo Thái Lan nổi tiếng với cách tiếp cận năng động, luôn đi đầu trong việc phát huy tiềm năng quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ kinh tế quốc tế trong thời kỳ hậu đại dịch. Thông điệp của Thủ tướng Thavisin rất rõ ràng: Thái Lan không chỉ đang phục hồi sau những thách thức toàn cầu gần đây mà còn đang nỗ lực phát triển, trở nên cạnh tranh hơn để chào đón các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan đang cần thêm những cú hích mới và sự ”chậm chân” trong đàm phán FTA như Thủ tướng Srettha nhiều lần nhắc tới, thì với các kết quả có được từ chuyến đi này, cánh cửa hợp tác Thái Lan-EU có thể sẽ được mở rộng hơn cho Thái Lan như ông Srettha kỳ vọng.

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phia-sau-ky-vong-cua-thai-lan-o-eu-264155.html