Phía sau làn sóng di cư - Bài 3: Khoảng trống văn hóa, nhiều giá trị rởm xuất hiện
Với hàng triệu người di cư từ nông thôn về các đô thị lớn, đâu là những thách thức về an sinh xã hội mà Việt Nam đang đối mặt và cần lường trước sẽ đối mặt? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý để nhận diện các thách thức này.
Tạo điều kiện cho người nhập cư tiếp cận dịch vụ công
Hiện nay, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội còn khó khăn, hạn chế. Đa số người nhập cư Hà Nội có mối quan hệ mờ nhạt với các đoàn thể chính trị - xã hội (như Ủy ban MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…).
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan có những giải pháp cụ thể, nhằm tạo mối quan hệ gắn bó sâu sắc hơn nữa giữa các tổ chức chính trị - xã hội và người nhập cư ở Hà Nội; tiếp tục xây dựng thêm các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp đối với người nhập cư, góp phần chăm lo, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho người nhập cư sinh sống, hòa nhập.
Tôi sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền phổ biến các chính sách ưu đãi về phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở, nhất là khuyến khích người dân xây dựng mới nhà ở cho công nhân, học sinh, sinh viên để giảm bớt khó khăn và ổn định hơn về chỗ ở. Cùng với đó, việc giải quyết tình trạng thiếu trường học, cơ sở y tế sẽ được chú trọng. TP cũng sẽ chỉnh sửa, bổ sung, ban hành các văn bản phù hợp hơn nữa, nhằm tạo điều kiện cho những người tạm trú có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ công, tham gia vào đời sống xã hội nơi họ nhập cư.
Ông NGUYỄN ĐỨC CHUNG (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội)
Cần tính đến yếu tố di cư trong phát triển kinh tế - xã hội
Làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Hiện có hơn 1/3 dân số sống ở đô thị; con số này dự kiến sẽ đạt 45% trong năm 2020 và 50% vào năm 2025. Ước tính các TP sẽ là nơi cư ngụ của hơn 46 triệu dân vào năm 2020.
Thay vì giải quyết tình thế hoặc ngăn cấm di cư, Nhà nước cần chủ động xây dựng các chính sách để điều tiết dòng di cư, giúp giảm tải cho các đô thị lớn. Trong đó, giải pháp lâu dài và quan trọng là phải cải thiện điều kiện sống, cơ hội việc làm và các dịch vụ xã hội ở nơi xuất cư, nhằm cản dòng chảy di cư về các đô thị lớn.
Về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội với người di cư, Chính phủ cần xây dựng chương trình tổng thể đối với người lao động di cư liên quan đến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội và các chính sách phát triển khác.
Trong đó, xác định người lao động di cư là một bộ phận quan trọng của lực lượng lao động. Cần rà soát và loại bỏ những quy định gắn các chính sách an sinh xã hội với hộ khẩu, đặc biệt các tiêu chí phân bổ ngân sách dựa trên dân số có hộ khẩu.
Bởi vì đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc tiếp cận an sinh xã hội của người lao động di cư. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cần tính đến yếu tố di cư, nhất là trong chính sách phát triển cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) và cung ứng dịch vụ xã hội cơ bản, sao cho người lao động di cư và gia đình họ có thể tiếp cận công bằng tới các chính sách xã hội và an sinh xã hội.
Bà BABETH NGỌC HÂN LEFUR (Giám đốc Oxfam tại Việt Nam)
“Hậu” di cư và di cư vì môi trường sẽ không còn cá biệt
Tỷ lệ tăng trưởng dân số của vùng nông thôn Tây Nam bộ từ 20 năm nay đã là con số âm (-0,13%). So với các vùng khác, quá trình suy giảm dân số ở nông thôn ở vùng Tây Nam bộ diễn ra sớm nhất và rõ nhất cả nước, vì đây là nơi có tỷ lệ lao động xuất cư ra khỏi vùng cao hơn. TPHCM là nơi tiếp nhận khoảng 1/2 số người di cư từ Tây Nam bộ.
Các xu hướng chuyển dịch dân số về mặt không gian cũng như quá độ dân số học đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. Hiện nay, phần lớn người di cư đến làm việc tại các khu công nghiệp hoặc các đô thị đều không thể tạo dựng được một cuộc sống ổn định và phúc lợi đầy đủ tại đó, dẫn đến tình trạng bấp bênh trong sự phát triển của cả nông thôn và thành thị, cả nơi đi và nơi đến.
Tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi sẽ tăng lên nhanh trong 2 thập niên tới. Kết hợp với những yếu tố trên, vùng Tây Nam bộ có thể sẽ đối mặt với một vấn đề trung hạn là dân số trở nên lão hóa cùng với người nghèo, khi những lớp di dân nông thôn - thành thị đầu tiên không thể tiếp tục tham gia vào thị trường lao động thành thị và trở về nông thôn để sinh sống.
Không những thế, trong bối cảnh hiện nay, các biến đổi môi trường và các quan hệ khu vực trong việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, tiềm ẩn nhiều vấn đề di cư khó dự đoán. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lún mặt đất tiếp tục gia tăng với tốc độ lớn, kết hợp với sự cạn kiệt nguồn nước sông Mekong đang tác động tiêu cực đến sinh kế của những người sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Và nhiều người đã di cư cá nhân hoặc cả gia đình đến TPHCM, đến Đông Nam bộ để kiếm sống. Di cư do môi trường sẽ không phải là vấn đề cá biệt, mà trở thành một hiện tượng ngày càng tăng lên ở vùng Tây Nam bộ; đặt ra nhiều vấn đề mới liên quan đến nơi cư trú, sinh kế và các vấn đề khác ở cả cấp độ cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và toàn vùng. Những vấn đề trên đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững vùng và cần sớm được nghiên cứu, giải quyết.
PGS-TS LÊ THANH SANG (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ)
Khoảng trống văn hóa, nhiều giá trị rởm xuất hiện
Hiện nay, dân số các đô thị ở Việt Nam đang tăng rất nhanh (3,4%/năm). Tình trạng di cư nhiều từ nông thôn ra đô thị đã tác động đến mọi mặt cuộc sống của cá nhân và các địa phương. Trong một nền văn hóa trọng tĩnh (gốc nông nghiệp), sự tăng mạnh về quy mô dân số đã dẫn đến vấn đề là năng lực quản lý luôn không theo kịp và gần như vượt ra khỏi tầm bao quát về mặt văn hóa - xã hội. Đô thị rơi vào thế bị động khi chịu áp lực trong cung cấp hệ thống dịch vụ và cơ sở hạ tầng như nhà ở, giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh, giao thông…
Rời bỏ gốc văn hóa nông nghiệp - nông thôn đến sinh sống trong môi trường công nghiệp - đô thị, người di cư mang văn hóa nông thôn vào đô thị, do chưa thích ứng được trong hoàn cảnh mới, ở nơi sống mới, đã tạo nên lối sống tự do, tùy tiện, thiếu chuẩn mực, thiếu tính tuân thủ. Tình trạng xả rác bừa bãi trên đường phố là một trong vô vàn biểu hiện của lối sống đó.
Chúng ta đang chuyển tiếp từ văn hóa truyền thống đến văn hóa hiện đại, từ văn hóa nông nghiệp đến văn hóa công nghiệp, từ văn hóa nông thôn làng xã đến văn hóa đô thị. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, văn hóa truyền thống tốt đẹp đã bị phá vỡ quá nhanh, trong khi văn hóa kỷ cương thì đang hình thành, chưa đủ để thay thế hoàn toàn văn hóa nông nghiệp.
Điều đáng lo ngại, trong khi hệ giá trị mới chưa hình thành thì lại có những giá trị dởm xuất hiện, hình thành nhanh hơn. Các giá trị thật như sự trung thực, tinh thần làm việc, tinh thần hợp tác, bản lĩnh cá nhân… rất khó hình thành; trong khi cái phi giá trị, giá trị dởm, giả giá trị lại đang hình thành rất nhanh, như hút chích, hoặc lấy tiền bạc, nhà cửa, xe cộ… làm thước đo đánh giá con người…
Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng cần phải xây dựng một hệ giá trị Việt Nam mới nhằm phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - con người. Trong đó, chú trọng các giá trị phổ biến là dân chủ và pháp quyền; giá trị con người truyền thống điển hình là yêu nước và nhân ái; giá trị con người thời hội nhập là trung thực và bản lĩnh; giá trị con người trong quan hệ với đồng loại là trách nhiệm và hợp tác; giá trị con người thời công nghiệp và kinh tế tri thức là tính khoa học và sáng tạo.
GS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM (Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM)