Phía sau mùa quả chín
Từ lâu, Nậm Dù được biết đến là vùng đất nuôi bao mùa quả ngon, trong đó có những mùa na ngọt ngào của xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng). Vậy nhưng ít ai biết rằng, phía sau mùa quả chín ấy là bao khó khăn, vất vả và cả những kỳ vọng của nông dân gửi gắm vào từng mầm xanh, tấc đất.
Khu vườn góc thôn của ông Trần Hữu Quân, thôn Nậm Dù mùa này trông xơ xác. Những cây na chẳng còn dáng vẻ xanh tươi, mát mắt mà thay bằng những nhánh cành khẳng khiu, nhưng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, mầm xanh sẽ nảy lộc, phủ lớp lá lên những tán cây, nhuộm xanh khu vườn. Vừa bận rộn dọn vườn, ông Quân vừa chia sẻ: Rệp là bệnh thường gặp ở cây na, nếu không xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng vụ mùa sau, nên khi vườn na qua kỳ nghỉ đông, người làm vườn sẽ dọn, gom những cành cây bị rệp bám để xử lý trước khi bắt tay vào chăm sóc vụ mới.
Đây là kinh nghiệm ông Quân có được sau mấy chục năm gắn bó với cây na ở đất Nậm Dù. Hiện gia đình ông là một trong những hộ có diện tích trồng na nhiều ở thôn và cũng là hộ đầu tiên trồng na theo hướng hàng hóa, mở ra hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng. Vừa dẫn chúng tôi dạo quanh vườn, chỉ cho chúng tôi những gốc na trên 20 năm tuổi, ông Quân vừa kể về cuộc đời mình và những tháng ngày gắn bó với cây na.
Từ kinh nghiệm học hỏi và tự tích lũy, cứ tháng 2 âm lịch, khi những ngày xuân dần tan, người trồng na sẽ rục rịch chuẩn bị cho vụ mùa mới. Việc đầu tiên cần làm là loại bỏ cành sâu bệnh, dọn cỏ cho thoáng vườn, sạch mầm bệnh. Năm nay trời rét đậm hơn mọi năm nên thời gian cây nảy lộc lâu hơn. Cuối tháng 3, khi thời tiết dần chuyển qua mùa ấm nóng, những mầm xanh mới bắt đầu bung nở. Người trồng cần thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây, bởi với cây na, việc bấm cành, tỉa hoa rất quan trọng, mang yếu tố quyết định thành quả một vụ mùa. Khi cây nảy lộc đến đâu, những nụ hoa li ti sẽ xuất hiện đến đó. Cành nào hoa không đậu, lộc nhiều át hoa, hoa xấu đều được tỉa bớt để dồn dưỡng chất nuôi hoa đậu quả. Hơn nữa, cành thoáng sẽ giúp nông dân thu hái dễ hơn, hạn chế được trường hợp bỏ sót quả trên cây.
Từ giữa tháng 6 (nông lịch) là vào mùa thu hái na bở. Mùa na dai chậm hơn sau đó khoảng 1 tháng, thường rơi vào khoảng rằm tháng Bảy, tuy nhiên số lượng na dai ở thôn rất ít nên từ giữa tháng 6 trở đi là thời điểm bận rộn nhất với người trồng na nơi đây. Nhớ lại những mùa na cũ, ông Quân kể: Thời điểm thu hái quả na là lúc nông dân bận rộn nhất, lúc nào cũng luôn chân luôn tay trong vườn, bởi thời gian các lứa quả chín sát nhau, cần thu hoạch nhanh, tránh ảnh hưởng tới chất lượng quả. Có những ngày cao điểm, vợ chồng ông thu hái 3,5 tạ na trong ngày, với giá bán buôn 38.000 - 40.000 đồng/kg và bán lẻ 45.000 - 47.000 đồng/kg.
Từ cây trồng vốn chỉ ở quanh vườn nhà, phục vụ nhu cầu của gia đình, giờ đây, cây na đã bén rễ với mảnh đất Nậm Dù, vừa phủ xanh đồi đất, vừa mang lại nguồn thu khá. Nhưng nếu chỉ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thôi là chưa đủ, bà con nơi này mong xây dựng được thương hiệu cho nông sản của địa phương. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, năm 2021, địa phương đã xây dựng thành công sản phẩm quả na của Hợp tác xã Nậm Dù đạt OCOP 3 sao.
Bà Đỗ Thị Hòa, Trưởng thôn Nậm Dù chia sẻ, hiện còn sớm để đánh giá hiệu quả từ việc xây dựng thành công thương hiệu quả na, nhưng những người trồng na trong thôn nói riêng và xã Xuân Quang nói chung hy vọng bước đi này mở ra nhiều cơ hội, giúp quả na có thêm lợi thế trong cạnh tranh trên thị trường. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc gần 30 ha đất trồng na sẽ được tăng giá trị sản xuất khi cây trồng cho khai thác, nông dân yên tâm hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Một vài năm gần đây, cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, quả na đã có những vụ mùa bếp bênh, bởi tác động từ dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Ngoài việc “trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng”, người trồng na còn phải “trông thị trường” để có những cách tiếp cận hiệu quả. Một trong số đó là việc bà con đang dần thay đổi trong nhận thức, hành động, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu nông sản sạch, chất lượng cao để tăng tính cạnh tranh, vì một nền nông nghiệp bền vững. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng người trồng na ở Nậm Dù vẫn tràn đầy hy vọng vào những mùa na trĩu quả, ngọt ngào, đắp bù bao tháng ngày vất vả, gian truân.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356184-phia-sau-mua-qua-chin