Phía sau những gương mặt vui tươi
'Những năm tháng trưởng thành của thế hệ trước, không bao giờ giống với thế hệ sau. Thuở đó chúng ta không có một Facebook để mỗi ngày đếm like, xem các cú click đó thay cho thái độ cư xử của mình. Thuở đó chúng ta chưa có một TikTok để mỗi người đều có thể tự thể hiện bản thân theo những cách khác nhau… Vậy nên chúng ta nào biết được bên trong một đứa trẻ có những áp lực gì? Mỗi ngày chúng thức dậy, đến lớp, về nhà, liệu chúng có hạnh phúc không?'…
Điều gì đang xảy ra?
Cao điểm, chỉ trong vòng nửa tháng ba, có tới 5 vụ nam, nữ sinh, từ học lớp 6 đến lớp 10 tự tử, trải dài trên một số tỉnh, thành của cả nước đã khiến vấn nạn tự tử ở trẻ vị thành niên vô cùng đáng báo động. Không dừng lại ở đó, sau cái chết của nam sinh lớp 10 trường chuyên Hà Nội xảy ra ngày 1/4 thì đến ngày 4/4, một nam sinh lớp 8 cũng nhảy từ tầng 18 tại một tòa nhà thuộc quận Hà Đông xuống tử vong, tiếp đó thêm 2 vụ tự tử nữa, một em học sinh (HS) lớp 6 ở Cà Mau, trong giờ học, nhảy qua ban công nhưng rất may được cấp cứu thoát chết. Một em HS lớp 8, ở Đắk Lắk thì tự vẫn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Còn trước đó, một nữ sinh ở Bắc Ninh cũng tìm đến cái chết vào ngày 31/3. Ngoài những lý do áp lực, giận mẹ... thì có cả nguyên nhân do trầm cảm.
Cuối tháng 2, một nữ sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) cũng bất ngờ nhảy từ tầng 3 xuống sân trường. Rất may mắn, HS này chỉ bị thương, không ảnh hưởng đến tính mạng. Cũng những ngày cuối tháng 2/2022, các phương tiện truyền thông vô cùng quan tâm đến sự kiện một sinh viên (SV) tự tử, em đã đặt một tảng đá 10kg vào balo, 4h sáng leo qua hàng rào để vĩnh viễn rời khỏi cuộc sống dưới dòng sông ấy.
Anh Phạm Trung Tuyến, một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ: “Trước kia, tôi luôn nghĩ rằng chỉ cần bên cạnh con, cố gắng sống mẫu mực nhất có thể, rồi chúng sẽ nhìn theo và tự học. Nhưng trong những ngày tháng giãn cách xã hội, khi lũ trẻ phải học online, phải làm bạn với internet hàng ngày, tôi nhận ra chúng có quá nhiều hình mẫu để nhìn theo, ngoài bố mẹ. Một thế giới ngập tràn thông tin, một thế giới mà cơ hội biểu đạt được mở rộng đến vô cực sẽ tạo ra nguồn năng lượng khai phóng khổng lồ. Nhưng bên cạnh đó, thế giới này đã tước đi của người lớn chúng ta năng lực áp đặt các chuẩn mực giá trị đối với con cái mình. Bởi vì chính bản thân người lớn chúng ta cũng đang hoang mang với những giá trị bản thân mình đang có”.
Cũng theo anh Tuyến, nhiều người cho rằng, sự quan tâm con trẻ cần liều lượng phù hợp. Nhưng liều lượng như thế nào là phù hợp? Chúng ta có thể luôn “kê đơn” quan tâm cho con mình một cách chính xác? Chúng ta sẽ dựa vào thông số nào để “kê đơn” thuốc quan tâm? Dựa vào chiều cao, cân nặng hay chỉ số IQ của từng đứa trẻ? Trong khi, mong muốn cuối cùng của chúng ta dành cho con cái mình là cho chúng một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của chúng ta và hạnh phúc của bọn trẻ có thể chẳng giống nhau trong một thế giới đang trở nên hỗn mang giá trị.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), kể lại ở năm học trước, một HS xin chuyển về trường vì gặp áp lực lớn trong học tập ở một trường khác, đến nỗi em cả ngày thất thần, nghe tiếng thầy cô là sợ. Theo ông Phú, có một thực tế, hiện nay nhiều HS mỗi ngày đến trường nhưng không vui. Đó là vì các em gặp áp lực từ nhà trường, giáo viên, áp lực học hành và cả cách hành xử của bạn bè với nhau.
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM nhìn từ thực tế: “Không phải ai cũng dám nói lên tâm sự của mình khi bị trầm cảm. Nếu các bạn học sinh tự cảm nhận thấy những cảm xúc chưa tốt, chưa tích cực thì hãy cố gắng nói với bạn thân, những người trong gia đình. Khi cần thiết hơn, các bạn hãy tìm đến chuyên gia tâm lý. Đặc biệt, vị bác sĩ còn lưu ý người lớn không nên áp đặt suy nghĩ và cách giáo dục một chiều mang tính chủ quan của mình lên các con mà phải thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các con. Từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp để tránh cho trẻ rơi vào trạng thái ức chế tâm lý, phản ứng một cách quyết liệt hoặc phải miễn cưỡng chịu đựng sự áp đặt.
Những nỗi đau khác...
Không chỉ HS, SV cũng đang đối diện với rất nhiều áp lực. Đó có thể là trục trặc trong gia đình, tình yêu, học tập, các mối quan hệ khác. PGS.TS Phạm Huyền, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, áp lực từ việc học là nguyên nhân hàng đầu gây stress ở SV. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cũng tạo ra sức ép lớn. Phần lớn SV đều sống xa gia đình và phải tự quản lý chi tiêu. Đối với những gia đình không có điều kiện, chi phí học tập và sinh hoạt tại các thành phố lớn thật sự gây khó khăn. Đó là chưa kể đến không ít SV chi tiêu không hợp lý, không biết cách cân đối, dẫn đến phải đối mặt với khoản nợ lớn.
Trở lại câu chuyện của SV mang theo hòn đá 10kg trên sông Sài Gòn để từ giã cuộc sống. Đã từng trải qua những dấu hiệu của căn bệnh trầm cảm, nhạc sĩ Hamlet Trương đồng cảm và đau đớn. Có rất nhiều bình luận, nhiều người bàng hoàng xót xa, nhiều người ân hận vì mấy hôm nay còn rủa xả bác xe ôm vô tội và nhiều người khác trách em dại dột, nỡ để lại nỗi đau trong lòng người thân ở lại.
Hamlet Trương bày tỏ: “Họ trách em bỏ đá vào balo rời thế giới. Vậy còn hòn đá trong lòng em? Tôi cứ nhớ mãi một câu đau đớn của thời đại: Càng có nhiều phương cách để kết nối thì con người càng xa nhau hơn. Và trong những mặt người hằng ngày chúng ta gặp, có bao nhiêu người trong số đó đang cảm giác muốn chết mà vẫn giữ trên môi những nụ cười?
Tôi nhớ những ngày niên thiếu muốn chết của mình. Chỉ đơn giản là một hôm tôi thấy tóc mình rụng nhiều, tôi trở nên căng thẳng, rồi tóc tôi lại rụng nhiều hơn và tôi muốn chết. Tôi chưa từng kể cho ai nghe điều ấy, vì sau ngần ấy năm nhìn lại tôi vẫn cảm thấy rất đỗi ngây ngô. Nhưng ở trong thời điểm đó, với một đứa trẻ đang lớn, đó là vấn đề nan giải của nó và nó đã kiệt sức trong việc tìm thấy câu trả lời.
Đến một hôm, tôi gặp một anh hớt tóc. Ảnh cười nhẹ và bảo tôi: “Mái tóc thưa có rất nhiều cách để làm cho dày hơn, bằng cách hớt kiểu phù hợp và ngưng sử dụng hóa chất. Với lại, ai rồi cũng sẽ mỏng tóc dần đi, em đừng lo quá nhé!”… Thế là tôi không còn muốn chết, nhưng tôi biết, không có nhiều đứa trẻ có thể gặp một “anh hớt tóc” xén đi nỗi buồn của nó…
Tôi từng viết nhiều lần về trầm cảm, một chứng bệnh lạ kỳ của thời đại bận rộn. Matt Haig viết, trầm cảm là bước đi với một cái đầu bốc cháy mà không ai nhìn thấy được ngọn lửa. Sau đó, Johanna Hari bảo, đừng nghĩ chỉ bệnh truyền nhiễm hay người đồng tính mới bị kỳ thị, người bị trầm cảm cũng bị y như thế, khi người đời vẫn cho rằng đây là một chứng bệnh của những kẻ rảnh rỗi và “lãng mạn”.
Có rất nhiều người đã chết vì trầm cảm, dù vẫn mang một nét mặt vui tươi mỗi ngày, dù người ta vẫn cho rằng cuộc đời của họ không có gì để buồn và những hòn đá trong lòng muôn đời không mang ra nổi.
Tôi còn nhớ một câu chuyện buồn. Ngày thành phố mình tuyên bố mở cửa cho phép người dân đi tập thể dục trở lại sau một thời gian giãn cách vì đại dịch, cũng là ngày một cô gái hai mươi tuổi ở chung cư chúng tôi ở quyết định rơi tự do từ tầng 23. Tôi nghĩ trọn cuộc đời của người phụ nữ bán tạp hóa dưới chân chung cư hôm đó, những người hân hoan bước ra khỏi nhà quanh đó và những người không may chứng kiến trọn vẹn cú rơi nhanh trong chiều lộng gió… cũng không thể nào quên được. Và cũng có thể suốt 4 tháng, em đã một mình khổ đau biết nhường nào, đã một mình gánh chịu hòn đá nặng trong tim…
Lúc còn nhỏ, tôi tưởng sự biết là quý giá nhất. Biết cái này, cái kia, khoe mình giỏi, mình tài. Nhưng lớn rồi tôi mới hay, sự hiểu mới là quý giá nhất. Hiểu bản thân mình và đặt mình trong vị trí người ta để hiểu.
Những năm tháng trưởng thành của thế hệ trước, không bao giờ giống với thế hệ sau. Thuở đó chúng ta không có một Facebook để mỗi ngày đếm likes, xem các cú click đó thay cho thái độ cư xử của mình.
Thuở đó chúng ta chưa có một TikTok để mỗi người đều có thể tự thể hiện bản thân theo những cách khác nhau… Vậy nên chúng ta nào biết được bên trong một đứa trẻ có những áp lực gì? Mỗi ngày chúng thức dậy, đến lớp, về nhà, liệu chúng có hạnh phúc không?
Khi một sự việc đau buồn xảy ra làm xã hội, người ta lại nói, viết, kể… Chỉ mong sau đó, chúng ta có thể nhìn nhiều hơn gương mặt những người thân của mình, một chút mỗi ngày cũng được, cùng trông chừng lẫn nhau mà sống tiếp”…
Và nữa, những người trẻ hơn bao giờ hết, cần biết trân trọng mỗi ngày, mỗi phút giây trong cuộc đời, bởi sống mới khó. Có rất nhiều người đã từng trầm cảm đến tuyệt vọng. Nhưng khi một cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Cuộc sống sẽ luôn là những gian nan, không ngừng thử thách và chúng ta luôn phải bước tới. Để rồi, sau tất cả, những giá trị của cuộc sống, đôi khi chỉ là những nhỏ bé, sự an yên, ấm áp từ trong tâm mỗi người…
“Sẽ không làm phiền ai nữa đâu”
PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết, trước hết cần phải nhận diện được tự sát, khi chủ thể có những câu nói “có vấn đề”, chẳng hạn: “Sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu”, “Chả còn gì quan trọng cả”, “Thôi, mọi việc đều vô ích thôi”, “Chả còn gặp ai nữa đâu mà nói”...
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, trẻ có ý định tự sát cũng có những hành động bất thường như: bỗng dưng sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự, viết nhật ký cho người này món này, người kia món kia mà mình yêu thích, tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, có hành động trả ơn bố mẹ…
“Khi một người nào đó đang gặp khó khăn, họ có thể xem xét làm hại bản thân hoặc lấy đi mạng sống của mình. Họ tự làm đau như cắt tay, có nhiều hành vi mạo hiểm: “Tôi sẽ thử mọi thứ, tôi không sợ chết” thậm chí nói về tự tử…
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phia-sau-nhung-guong-mat-vui-tuoi-post447884.html