Phía sau những hy sinh...

'Có những hy sinh khó nói hết bằng lời'... Đằng sau những hy sinh của 3 chiến sĩ Cảnh sát giao thông và công dân Phạm Ngọc Anh (quê Thanh Hóa), trong quá trình cứu nạn, cứu hộ tại khu vực đèo Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) là niềm tự hào cũng như tiếc thương vô hạn của người dân, đồng đội, gia đình và người thân dành cho các anh.

Chúng tôi đến nhà em Phạm Ngọc Anh vào sáng sớm ngày 4-8 cũng đúng lúc trời đổ cơn mưa nặng hạt. Đã mấy ngày trôi qua sau vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), nhưng không khí tang thương vẫn bao trùm cả con ngõ nhỏ tại tổ dân phố Đồng Thanh, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thắp hương chia buồn cùng gia đình em Ngọc Anh.

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thắp hương chia buồn cùng gia đình em Ngọc Anh.

Trong căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp, hai bàn thờ vấn vít khói hương đặt cạnh nhau, một bên là của Ngọc Anh, một bên là của người cha đã mất.

Lặng người trước di ảnh chồng và con trai, mẹ Ngọc Anh đau đớn chỉ biết gào khóc trong vô vọng “Anh ơi, con ơi”… Bần thần một lúc lâu, mẹ Ngọc Anh kể lại: "Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ em đã luôn ý thức việc học và lao động để phụ giúp bố mẹ. Cách đây mấy năm, bố Ngọc Anh qua đời để lại mình tôi gánh vác việc nuôi 2 anh em ăn học".

Thương mẹ nên Ngọc Anh không ngại thức khuya dậy sớm, chăm chỉ làm việc để tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trong quá trình đi học Ngọc Anh cũng luôn là học sinh khá, giỏi. Tưởng chừng cuộc sống của ba mẹ con cứ êm đềm trôi đi. Nhưng chẳng ai ngờ được con lại phải ra đi khi tuổi đời còn trẻ.

"Trước khi mất, Ngọc Anh còn gọi điện tâm sự với tôi, rằng con sẽ cố lo làm kiếm tiền cho mẹ và hỗ trợ em trai học hành, rồi mẹ con mình sẽ xây một ngôi nhà mới khang trang… Con sẽ tiếp tục phấn đấu để một ngày không xa được đứng trong hàng ngũ Công an Nhân dân, cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Vậy mà giờ đây con đã bỏ mẹ đi..." - Bà Bùi Thị Hảo, mẹ Ngọc Anh đau đớn nhắc lại lần cuối hai mẹ con trò chuyện với nhau.

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội gửi lời thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình nén đau thương mất mát và sớm vượt qua nỗi đau.

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội gửi lời thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình nén đau thương mất mát và sớm vượt qua nỗi đau.

Vẫn chưa nguôi đau đớn trước sự ra đi của cháu mình, ông Phạm Doãn Sinh, chú ruột của Phạm Ngọc Anh sinh sống ở Lâm Đồng về quê để đưa tiễn cháu mình ngậm ngùi, cho hay: "Gia đình Ngọc Anh vốn là nhà có truyền thống cách mạng, bố cháu từng làm Công an xã. Hiện tại, nhà cháu đang thờ phụng liệt sĩ Bùi Văn Doanh (là em bà nội của Ngọc Anh). Bởi vậy, từ nhỏ cháu đã nung nấu ước mơ được đứng trong hàng ngũ Công an Nhân dân để phục vụ Tổ quốc. Sau khi học xong cấp 3, cháu vào trong Lâm Đồng sinh sống với bà cô ruột (em ông nội) để đi học và đi làm thêm. Đến tháng 3-2021 cháu tham gia nghĩa vụ Công an Nhân dân tại Công an huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) và đến tháng 6-2023 thì cháu xuất ngũ.

Tuy đã xuất ngũ, nhưng với tinh thần xung kích, dũng cảm của người cán bộ chiến sĩ Công an Nhân dân cháu vẫn luôn tích cực tham gia hỗ trợ các chiến sĩ cảnh sát giao thông bảo vệ tài sản phương tiện của Nhà nước

“Nhưng điều không may đã xảy đến với cháu tôi” - Nói đến đây, ông Sinh không giấu nổi nước mắt, kể lại: "Vào chiều 30-7, những trận mưa lớn kéo dài khiến đèo Bảo Lộc bị sạt lở nhiều điểm. Các cán bộ, chiến sĩ thuộc Trạm Cảnh sát giao thông Madaguôi, Công an tỉnh Lâm Đồng sau khi tuần tra liền trở về trạm Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc dọn dẹp. Cháu Phạm Ngọc Anh thấy vậy đã vào hỗ trợ các chiến sĩ di dời phương tiện, trang thiết bị thì sạt lở xảy ra khiến 3 cán bộ Cảnh sát giao thông tỉnh Lâm Đồng và cháu Ngọc Anh hy sinh. Đến trưa 31-7, thi thể 4 người được tìm thấy sau nhiều giờ bị vùi lấp. Khi nhận được tin cháu mất cả gia đình tôi bàng hoàng như sét đánh ngang tai. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, chúng tôi phải chấp nhận và nén nỗi đau thương, mất mát để đưa Ngọc Anh về quê nhà tại Thanh Hóa lo hậu sự cho cháu".

Giờ đây, căn nhà nhỏ đã neo người nay lại càng thưa vắng, chàng thanh niên hiền lành, chăm chỉ đành gác lại ước mơ, hoài bão ở tuổi 23 để lại người mẹ héo hon cùng nỗi đau đớn không gì bù đắp nổi. Sự ra đi của em khiến nhiều người đau lòng, nhưng tinh thần dũng cảm, hành động kịp thời của Ngọc Anh chính là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung học tập và noi theo.

Ghi nhận sự dũng cảm hy sinh của em, ngày 3-8, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị truy tặng Huân chương dũng cảm cho em Phạm Ngọc Anh.

Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phia-sau-nhung-hy-sinh/192158.htm