Phía sau quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển
Phần Lan và Thụy Điển đang đứng bên lằn ranh của 'sự biến hình địa chính trị' khi quyết định từ bỏ truyền thống trung lập để trở thành thành viên chính thức của Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đã bất ngờ nộp đơn xin gia nhập NATO, chính thức đặt dấu chấm hết cho vị thế trung lập đã duy trì trong nhiều năm qua.
Lý giải cho quyết định gia nhập NATO, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tuyên bố: "Một Phần Lan được bảo vệ sẽ là một phần của khu vực Bắc Âu ổn định, mạnh mẽ và có trách nhiệm. Chúng tôi được bảo đảm an ninh và chúng tôi cũng chia sẻ điều đó. Nên nhớ rằng, an ninh không phải là trò chơi có tổng bằng 0".
Bằng quyết định đột ngột này, Helsinki và Stockholm sẽ kiến thiết nên một cấu trúc an ninh mới. Phần Lan có đường biên giới dài 1.340km với Nga, việc nước này gia nhập NATO đồng nghĩa với việc mở rộng sự hiện diện của phương Tây từ Bắc Âu cho đến Bắc Cực-một khu vực ngày càng trở nên quan trọng về mặt địa chính trị nhờ tài nguyên thiên nhiên và vị trí chiến lược.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với vai trò là một quốc gia trung lập, là vùng đệm giữa phương Tây và phương Đông, Phần Lan đã tìm ra con đường phát triển thịnh vượng và ngày càng trở nên giàu có, với GDP tăng gần gấp 3 lần trong thập niên 1980.
Nếu đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển được 30 quốc gia thành viên chấp thuận, khả năng phòng thủ của liên minh quân sự này sẽ được tăng cường ngay lập tức. Quân đội Phần Lan hiện có 18.400 lính nghĩa vụ và 18.400 lính dự bị, với sức mạnh thời chiến là 180.000 quân, theo số liệu công bố mới nhất. Vũ khí trang bị cho quân đội nước này gồm 200 xe tăng, 200 phương tiện chiến đấu cơ giới và 800 khẩu súng dã chiến.
Về phía Thụy Điển, nước này hiện có lực lượng binh sĩ khoảng 24.000 người và đang có kế hoạch nâng chi tiêu cho quốc phòng đạt mức 2% GDP trong thời gian tới. Thụy Điển có lợi thế về ngành công nghiệp vũ khí với doanh thu ước tính đạt 3,5 tỷ euro/ năm, là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới.
Gia nhập NATO đồng nghĩa với việc quốc gia Bắc Âu giàu có này sẽ kết thúc 200 năm trung lập về quân sự-một chính sách an ninh mà nước này đã áp dụng từ thế kỷ 19, cũng là một lợi thế góp phần giúp đất nước này phát triển thịnh vượng như ngày nay.
Trước quyết định gia nhập NATO của Chính phủ Phần Lan và Thụy Điển, không phải mọi người dân ở hai quốc gia này đều đồng tình ủng hộ. Nhiều người thậm chí đã xuống đường biểu tình để phản đối. Họ cảnh báo rằng quyết định đó là vội vàng và tốt hơn những quốc gia này nên gắn bó với truyền thống trung lập của mình.
Trong cuộc biểu tình hồi giữa tháng 5 vừa qua tại thủ đô Stockholm, Ava Rudberg, 22 tuổi-Chủ tịch Đảng cánh tả trẻ ở Thụy Điển nói với tờ báo Đức DW: “Việc gia nhập NATO đồng nghĩa với việc máu sẽ đổ nhiều hơn vì NATO là một tổ chức chiến tranh chứ không phải một tổ chức hoạt động vì hòa bình. Đó là một liên minh quân sự tạo ra nhiều cuộc chiến hơn, trong khi chúng tôi mong muốn duy trì hòa bình ở Thụy Điển”.
Còn theo bà Linda Akerstrom của Svenska Freds-och Skiljedomsforeningen-Hiệp hội Trọng tài và Hòa bình Thụy Điển, thì “Đối với nhiều người, quyết định này là một sự thay đổi lớn vì trong suốt những năm qua, nhiều người Thụy Điển đã coi mình là tiếng nói mang lại hòa bình trên toàn thế giới. Nhưng hiện tại, tôi tin rằng nhiều người cảm thấy quyết định gia nhập NATO là một sự vội vàng, một quyết định được đưa ra dựa trên sự sợ hãi”.
Phản ứng trước quyết định xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho đây là “một sai lầm nghiêm trọng với hậu quả sâu rộng”. Còn Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng “sự mở rộng của NATO không làm cho thế giới ổn định và an ninh hơn” và cho biết phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào việc “cơ sở hạ tầng quân sự của NATO sẽ di chuyển bao xa và gần biên giới Nga tới mức nào”.
Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin từng phát biểu rằng "Sự hiện diện quân sự ở các vùng lãnh thổ giáp với Nga, nếu chúng tôi cho phép nó tiếp tục, sẽ tạo ra một mối đe dọa ngày càng gia tăng và hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga”. Rõ ràng, những nỗ lực gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu không làm giảm bớt xung đột, mà ngược lại còn đẩy mối quan hệ Nga-NATO rơi vào trạng thái căng thẳng mới rất đáng lo ngại.