Phía sau vụ Đà Nẵng thua kiện doanh nghiệp
TAND TP Đà Nẵng tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty CP Vipico (Vipico), tuyên hủy toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật của UBND TP Đà Nẵng.
Chiều 26/9, sau 2 ngày xét xử, phiên xử sơ thẩm của TAND TP Đà Nẵng tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty CP Vipico (Vipico), tuyên hủy toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật của UBND TP Đà Nẵng. Quyết định này ban hành nhằm hủy quyết định trước đó của chính thành phố công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất khu đất A20 mặt tiền đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) với Vipico.
Hủy kết quả vì kết luận kiểm toán
Câu chuyện giữa Vipico và chính quyền Đà Nẵng quanh lô đất rộng hơn 11.800m2 diễn ra vào thời điểm thị trường bất động sản ở Đà Nẵng đang ở giai đoạn “sốt”, giá đất đẩy lên cao thu hút sự quan tâm của dư luận. Lô “đất vàng” bắt đầu xôn xao dư luận từ tháng 10/2018, khi UBND TP Đà Nẵng có công văn gửi Bộ Tư pháp liên quan đến trường hợp hủy kết quả đấu giá của Vipico đối với lô đất A20.
Chính quyền Đà Nẵng cho hay, đoàn Kiểm toán nhà nước (KTNN) thuộc KTNN khu vực III đã tiến hành kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 của TP và có ý kiến về vụ việc của Vipico. Theo đó, KTNN cho rằng Vipico đã trúng đấu giá khu đất trên với tổng số tiền hơn 652 tỷ đồng. Và dù Vipico chậm nộp hơn 326 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thuê đất đấu giá 52 ngày so với thông báo của cơ quan thuế, nhưng thành phố chưa hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nộp ngân sách TP theo Quyết định 1228, tháng 1/2015 của UBND thành phố Đà Nẵng và điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014.
Kiểm toán kết luận: Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, thời hạn thanh toán của người trúng đấu giá trong trường hợp đấu giá thành công đã được quy định tại phương án đấu giá và hợp đồng đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, người trúng đấu giá không nộp tiền sử dụng đất theo thỏa thuận thì thuộc trường hợp hủy kết quả đấu giá và thu tiền đặt cọc nộp ngân sách TP…
Chính quyền Đà Nẵng họp với các sở, ngành liên quan về vụ việc của Vipico. Sau đó, trên cơ sở kết luận của KTNN, lãnh đạo UBND TP ban hành Quyết định số 5443/QĐ-UBND ngày 16/11/2018 với nội dung hủy quyết định của chính mình (số 4105/QĐ-UBND ngày 28/7/2017) về công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất A20 đường Võ Văn Kiệt (phường An Hải Tây, Sơn Trà). Lý do hủy là vì Công ty Vipico không thực hiện đúng cam kết tại Phiếu đăng ký tham gia đấu giá; Phương án đấu giá của UBND TP Đà Nẵng và Quy chế tổ chức cuộc bán đấu giá; đồng thời, thu tiền đặt cọc nộp vào ngân sách thành phố theo quy định. Cùng với Vipico, UBND TP Đà Nẵng cho hay cũng hủy kết quả đấu giá với các trường hợp khác tương tự. Ngày 28/11/2018, Công ty Vipico khởi kiện UBND TP Đà Nẵng ra tòa.
Nhập nhằng pháp lý
Liên quan đến vụ việc trên, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp) đã tổ chức tọa đàm “Môi trường kinh doanh dưới góc nhìn ứng xử của chính quyền với doanh nghiệp qua thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất” từ góc nhìn vụ việc Đà Nẵng ra quyết định hủy kết quả đấu giá khu đất của Vipico.
Đa số các luật sư, chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc Đà Nẵng có phần cứng nhắc, không tôn trọng kiến nghị của các bộ, ngành lẫn cơ quan chuyên môn cấp dưới để ra một quyết định “lợi ít, hại nhiều” đối với Vipico là tiền lệ rất nguy hiểm, đi ngược với chủ trương thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước, làm xấu môi trường kinh doanh ở Đà Nẵng.
Sau khi báo Tiền Phong đăng tải nội dung tọa đàm này, ngày 17/12/2018, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng, các Bộ TN&MT, Tài chính, Tư pháp xác minh thông tin liên quan đến vụ việc hủy kết quả đấu giá “đất vàng” Vipico được Tiền Phong phản ánh.
Thời điểm đó, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay: Thành phố rất đồng cảm với nhà đầu tư đã bỏ ra một khoản tiền lớn, đã thắng về giá, tuy nhiên lại không nộp đủ tiền đúng hạn. Thành phố mong các doanh nghiệp khi chấp nhận “luật chơi”, đồng tình ký vào, khi không đạt được thì phải chấp nhận. Nếu thành phố làm khác lập tức các đơn vị khác sẽ có ý kiến. Đồng thời, ông Thơ cũng khuyên Vipico đưa vụ việc ra tòa để xử và để tòa phán quyết. Thành phố sẽ chấp hành một cách văn minh, bình thường.
TAND TP Đà Nẵng thụ lý và đưa ra xét xử. Bản chất của vụ kiện này, chỉ xoáy quanh vấn đề áp dụng pháp luật, căn cứ văn bản quy phạm pháp luật nào để UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất A20.
Phía Vipico cho rằng thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 5443 không áp dụng Luật Đấu giá tài sản năm 2016 là luật chuyên ngành, mà căn cứ Luật Đất đai năm 2013 để áp dụng là không đúng đối tượng. Tuy nhiên, luật sư đại diện cho UBND TP Đà Nẵng viện dẫn điều c, khoản 1, Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 để khẳng định chính quyền đã áp dụng đúng đối tượng và đúng với quy định của pháp luật về đất đai.
Vấn đề thứ hai đang tranh cãi của một số cơ quan có thẩm quyền, kể cả cơ quan tiến hành tố tụng, một số luật gia cũng đưa ra trên phương tiện thông tin đại chúng, cho rằng UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định hủy kết quả đấu giá và đã áp dụng Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai là đúng quy định. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng Đà Nẵng không áp dụng Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất là sai…
Căn cứ các quy định pháp luật liên quan, HĐXX nhận thấy việc UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định 5443/QĐ-UBND là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Vipico. Bởi, lý do Vipico nộp tiền chậm không thuộc một trong các trường hợp phải hủy kết quả đấu giá tài sản quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản. Trình tự, thủ tục nộp tiền sử dụng đất cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 43/2014/NĐ-CP mà UBND TP Đà Nẵng áp dụng… Tòa tuyên và yêu cầu hủy toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật số 5443 của UBND TP Đà Nẵng.
Còn 2 vụ kiện nữa
Ngoài Vipico, UBND TP Đà Nẵng còn đang “đối mặt” với 2 vụ kiện khác của các doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty CP thép Dana - Ý khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại 400 tỷ đồng vì các quyết định của UBND TP liên quan đến việc buộc công ty ngừng hoạt động sản xuất, gây thiệt hại nghiêm trọng. Cùng lúc, Công ty Hòn Ngọc Á Châu khởi kiện UBNDTP Đà Nẵng vì bị thu hồi đất của dự án Khu du lịch ven biển, để làm quảng trường cây xanh, bãi tắm công cộng và đường xuống biển cho người dân…
Theo các chuyên gia kinh tế, việc doanh nghiệp khởi kiện cơ quan nhà nước là hoạt động bình thường, thể hiện văn minh trong quá trình hoạt động, kinh doanh, đầu tư. Nhưng một chính quyền liên tiếp bị DN khởi kiện thì cần phải xem lại, để không ảnh hưởng đến hình ảnh và môi trường đầu tư của địa phương.