Phía Tây không có gì lạ: Ai đã giết những người lính?
Đầu tiên là bình minh, sau đó là một khu rừng còn chưa thức giấc, rồi một đàn cáo đang rúc trong hang, gối đầu lên nhau ngáy khò khò, trời dần sáng lên, thật bình yên, nhưng sau đó là tiếng súng. Tiếng súng văng vẳng khiến những chú cáo con tỉnh dậy.
“Phía Tây không có gì lạ” phiên bản điện ảnh năm 2022 đã bắt đầu như vậy. Trong cuốn tiểu thuyết gốc của nhà văn người Đức Erich Maria Remarque, có đoạn ông viết: “Trước đây chúng tôi đang trong cái tuổi mười tám, bắt đầu yêu đời, yêu cuộc sống, thế mà chúng tôi đã phải bắn vào cuộc đời”. Bắn vào cuộc đời là thế nào ư? Thì chính là thế này đây: dã thú còn chưa tới giờ săn mồi nhưng con người đã cắn xé nhau đến chết.
Đây không phải lần đầu tiên “Phía Tây không có gì lạ” được chuyển thể thành phim điện ảnh. Tiểu thuyết “Phía Tây không có gì lạ” ra đời năm 1929. Một năm sau, Hollywood đã chuyển thể thành phim, một bộ phim kinh điển luôn được xếp trong danh sách những tác phẩm vĩ đại nhất của điện ảnh Hoa Kỳ. Nhưng đây mới là lần đầu tiên người Đức chuyển thể nó.
Tại sao sau hơn 90 năm, bỗng chốc người Đức lại muốn chuyển thể cuốn sách với số phận truân chuyên ấy? Edward Berger, đạo diễn phim, một người Thụy Sĩ gốc Tây Đức, thừa nhận đó là vì con gái ông. Ông tâm sự rằng thông thường, mỗi khi ông kể cho các con nghe về những dự án làm phim của mình, chúng thường chê chán phèo, vậy mà lần đó, khi ông nhắc tới tựa đề “Phía Tây không có gì lạ”, con gái ông bỗng bảo: “Đó là cuốn sách khiến con xúc động hơn cả. Con đã khóc ba lần khi đọc nó”. Ông sững sờ: con gái ông sinh ra trong thời bình, chẳng mảy may biết gì về chiến tranh, cô không chịu một chấn thương tâm lý nào thời hậu chiến, vậy mà cô vẫn tìm đọc nó. Có lẽ, không ai có thể đào tẩu hoàn toàn khỏi lịch sử, người Đức vẫn muốn nhìn lại, và vẫn cần nhìn lại. Mà sau rốt, người Mỹ có thể lập tức làm phim bởi câu chuyện này không phải vết thương, thất bại hay nỗi ê chề của họ, nhưng người Đức cần thời gian để không mắc nghẹn khi đối diện sòng phẳng cùng quá khứ.
Sự thực là so với phiên bản phim năm 1930 của Lewis Milestone, phiên bản của Edward Berger đen tối hơn, băng giá hơn và cũng nghiệt ngã hơn. Nếu như phiên bản năm 1930 bắt đầu bằng một không khí hồ hởi, thậm chí là một chút bông lơn của những quân nhân trẻ rồi mới dần dần hé lộ bộ mặt thật của chiến tranh, và phải đến khoảng một phần tư bộ phim bom đạn mới gầm vang, thì ở phiên bản của Berger, chiến tranh gần như không tha con người lấy một giây một khắc nào, nó bắt đầu bằng những cuộc đánh và kết thúc bằng những cuộc đánh, cuộc đánh này nối tiếp cuộc đánh kia, người chết thành từng đống, chiến tranh ở đây không phải một bản nhạc lên bổng xuống trầm, nó là một cơn thịnh nộ mà từ đầu tới cuối đều đinh tai nhức óc. Không có hầm trú ẩn, không cách gì trốn tránh.
Thậm chí, những người lính của Lewis Milestone vẫn còn đẹp lắm và người lắm, khi đặt bên những chàng trai hốc hác vêu vao, gương mặt đen kịt, miệng nhồm nhoàm một mẩu bánh mì ỉu trên chiến hào của Edward Berger. Không một chút nhân từ, Berger sẵn sàng tước đoạt toàn bộ tư cách làm người của những thanh niên ấy, họ vật lộn với nhau như những con chó hoang, đôi khi không thể phân biệt được mặt của người sống và mặt của người chết bởi chúng đều biến dạng tởm lởm theo cùng một cách. Với Milestone, chiến tranh là một cảnh huống khốn cùng. Nhưng với Berger, chiến tranh còn là một tình cảnh nhục nhã, hay nói như Remarque: “Chúng tôi là những thằng lính, sau đó mới là những con người, mà là những con người một cách kỳ quặc và gần như xấu hổ”.
Một trong những thay đổi lớn nhất của bản phim năm 2022 so với nguyên tác và bản phim năm 1930 là việc biên kịch đưa thêm một tuyến truyện song song của những chính trị gia người Đức, những kẻ sống trong lâu đài, ăn cao lương mỹ vị, quần là áo lượt, bàn thảo chuyện đình chiến, những kẻ cứ như đang sống trong một vũ trụ khác, chẳng liên quan gì đến những thân phận con giun cái dế đang ngày ngày bỏ mạng trên chiến trường. Ở đây, Berger tạo nên một tương phản khốc liệt bằng màu sắc: những thước phim về người lính thì xanh bợt như mọc rêu, như màu xác người phân hủy, như nước da tái nhợt của một kẻ sắp lìa đời; còn những thước phim về những kẻ chóp bu lại ngả sắc cam vàng trầm mặc, đại diện cho quyền lực và ngai báu đang đến hồi suy đồi.
Sự cay nghiệt của bộ phim được đẩy lên đỉnh điểm khi Matthias Erzberger ký hiệp định đình chiến giữa Đức và lực lượng Đồng Minh bắt đầu có hiệu lực từ 11 giờ sáng, nhưng một vị tướng, vì muốn kết thúc chiến tranh bằng thắng lợi của quân Đức, đã ra lệnh cho những người lính bất ngờ tấn công quân Pháp vào lúc 10h45 phút, và chỉ vài giây trước khi chiến tranh chấm dứt, Paul – nhân vật chính của câu chuyện – bị một lưỡi lê đâm xuyên ngực. Anh đã ở rất gần, rất gần hòa bình rồi, dù chỉ là một hòa bình tạm bợ trước khi những cuộc chiến khác lại nổ ra, nhưng anh đã không thể chờ đến thời khắc ấy. Nguyên tác của Remarque chỉ kể về cái chết của Paul rất giản đơn, rằng anh ta chết tháng 10 năm 1918, trong một ngày cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông cáo chỉ ghi là “Ở phía Tây, không có gì lạ”. Còn trong bản phim năm 1930, cái chết của Paul lãng mạn cùng cực: anh vươn tay định chạm vào một con bươm bướm, và rồi trúng đạn. Không có gì lãng mạn hay chủ nghĩa anh hùng như thế ở bộ phim của Berger, cái chết của Paul ở đây hoàn toàn thừa thãi và hoài phí, chẳng liên quan đến lòng yêu cái đẹp hay chút khao khát thiện mỹ còn sót lại nơi anh. Paul của Berger cố gắng giết kẻ khác và bị kẻ khác giết, họ giết nhau trong vô tri, chẳng hay rằng mình chỉ đang chết cho lòng hiếu thắng của những chính trị gia kiêu hãnh.
Thêm vào tuyến truyện về các nhà lãnh đạo, nhưng bản phim năm 2022 lại lược bỏ toàn bộ chương sách khi Paul nghỉ phép về thăm gia đình, và trong cảnh an bình ấy, anh đau đớn nhận ra anh không còn phù hợp cho một cuộc sống bình thường nữa, cuộc sống đã rút khỏi anh, những điều từng thân thiết biết mấy giờ hóa xa lạ, những cuốn sách từng là cả một thời thanh xuân giờ chẳng còn nói gì với anh được nữa, tất cả câm lặng và rời bỏ anh, anh biết thế là hết, anh còn sống nhưng anh cũng đã chết rồi. Cách xoay trọng tâm đó khiến một số nhà phê bình cho rằng bản phim năm 2022 đã bỏ quên mất điều khủng khiếp nhất trong tiểu thuyết của Remarque, rằng chiến tranh đâu chỉ cướp đi tính mạng mà còn quét bay cả tâm hồn con người, khiến ngay cả những kẻ sống sót trở về cũng không sống nổi.
Thế nhưng, cần phải nhớ rằng Remarque là một cựu chiến binh kể chuyện, còn Berger là một hậu nhân nhìn lại quá khứ với độ trễ 90 năm. Vì vậy, trung tâm câu chuyện của Remarque là những chấn thương, còn Berger lại muốn tập trung vào việc truy lùng hung thủ đã đẩy Paul và những người lính như anh vào cửa tử. Theo cách ấy, tiểu thuyết của Remarque là một lời ai điếu, nhưng bộ phim của Berger là một lời buộc tội.
Điều đó khác hẳn với tinh thần của Remarque, người đã rào trước ở những dòng đầu tiên của tiểu thuyết: “Cuốn sách này không phải là một bản cáo trạng, cũng không phải là một bản phát biểu chính kiến”. Còn Berger lại đã nêu cáo trạng và phát biểu chính kiến mất rồi. Mặc dù Remarque có thể sẽ không đồng ý, nhưng sau rốt, đã đến lúc người Đức không còn muốn né tránh nữa, đã đến lúc họ sẵn sàng nhìn thẳng: sự phi lý của chiến tranh không phải một tai họa do bàn tay vô hình nào đó bất thình lình giáng xuống đầu con người, đã đến lúc phải có một lời giải thích. Vì chỉ một lời giải thích tường minh mới trả lại ý nghĩa cho cuộc đời của những kẻ đã bị lịch sử cuốn phăng và phản bội.