Phiên bản mới của ChatGPT có thể đảo lộn giới công nghệ
Phiên bản mới của ChatGPT có khả năng tạo video, hình ảnh, âm nhạc dựa vào một số từ khóa gợi ý, hứa hẹn gây nên cơn sốt.
Các tính năng nâng cao của ChatGPT, chẳng hạn như gỡ lỗi mã lệnh, viết bài luận hoặc kể một câu chuyện cười, khiến chatbot AI này nhanh chóng gây tiếng vang trên toàn cầu. Đương nhiên, OpenAI vẫn tiếp tục nâng cấp sản phẩm nổi tiếng nhất của họ.
Tại sự kiện AI in Focus - Digital Kickoff, ông Andreas Braun, Giám đốc Công nghệ Microsoft chi nhánh Đức, tiết lộ phiên bản GPT-4 sẽ xuất hiện trong tuần tới, mang khả năng tạo video từ văn bản lên ChatGPT.
"Chúng tôi sẽ giới thiệu GPT-4 vào tuần tới. Phiên bản mới của ChatGPT sẽ có các mô hình đa phương thức, cung cấp những khả năng hoàn toàn khác nhau, ví dụ như video", ông phát biểu.
ChatGPT hoạt động trên kiến trúc mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do OpenAI tạo ra có tên Generative Pre-training Transformer (GPT), cụ thể là GPT-3 hoặc GPT-3.5. Giới hạn của chatbot này hiện tại là chỉ xuất nội dung dưới dạng văn bản.
Phiên bản mới của ChatGPT sẽ là AI đa phương thức, có thể tạo nội dung dưới nhiều hình thức khác nhau, không còn giới hạn như trước. Holger Kenn, Giám đốc Chiến lược Kinh doanh của Microsoft Đức, khẳng định phiên bản mới của ChatGPT có thể dịch văn bản thành video, nhạc và hình ảnh.
Trình tạo văn bản thành video không phải là một khái niệm hoàn toàn mới. Những tập đoàn công nghệ lớn như Meta và Google từng phát triển thành công các mô hình như vậy.
Meta có Make-A-Video và Google sở hữu Imagen Video. Cả hai công nghệ đều sử dụng AI để tạo video từ gợi ý đầu vào của người dùng. Tuy nhiên, công nghệ của Meta và Google vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa cung cấp rộng rãi. Thực tế ấy đặt OpenAI vào vị trí hoàn hảo để dẫn đầu cuộc cạnh tranh trên thị trường AI tạo sinh.
Microsoft đầu tư rất nhiều vào OpenAI, nhà sản xuất ChatGPT. Họ hợp tác chặt chẽ với nhau để cải thiện nền tảng AI. Việc Braun thảo luận về GPT-4 tại một sự kiện của Microsoft cho thấy 2 công ty đang có mối liên hệ mật thiết.
Vào tháng 2, Microsoft ra mắt phiên bản công cụ tìm kiếm Bing mới, tích hợp trí tuệ nhân tạo nền tảng của OpenAI. Đó là một bước đi táo bạo nhằm giành lấy lưu lượng truy cập từ đối thủ Google, vốn đang thống trị thị trường.
Chỉ một tháng sau, hàng triệu người đăng ký vào danh sách chờ duyệt dùng thử Bing mới, thúc đẩy số người dùng công cụ tìm kiếm này vượt qua 100 triệu, cột mốc Microsoft chưa từng chạm đến.