Phiên chợ trẻ con trong Tết Việt

Đây là phiên chợ họp sau phiên chợ cuối của năm, thường vào ngày 28 hoặc 29 tháng Chạp âm lịch.

BỮA TIỆC TẤT NIÊN

Các bạn hàng buôn bán sống với nhau thành phường, những công chức cùng làm tại một dinh, một sở, nhân ngày Tết đến đều có bữa tiệc Tất niên để cùng nhau họp mặt trước khi chia tay về ăn Tết.

Các bạn hàng trong buổi tất niên này có sửa lễ cúng thánh sư rồi cùng nhau ăn uống. Các công chức nơi công sở lấy bữa tiệc Tất niên để cùng vui và nhân đó chúc tết nhau trước khi ai nấy về quê ăn tết.

BUỔI HỌC TẤT NIÊN

Tại các lớp học, có buổi học tất niên. Nhân buổi học này, học trò chúc Tết thầy, và thầy cũng gửi lời chúc Tết bố mẹ học sinh, và cùng chúc cả học sinh một cái tết vui vẻ.

Trong buổi học tất niên này, thầy trò thường đem những chuyện trong niên học ra nhắc lại, và cùng nhau nói về truyện Tết thay vì học hành như những buổi học trước.

Trong buổi học này, học trò đốt pháo để mừng thầy, cũng như trong các bữa tiệc tất niên, thường có đốt pháo để tiệc thêm vui.

 Ảnh: MRB.

Ảnh: MRB.

PHIÊN CHỢ TRẺ CON VÀ PHIÊN CHỢ TẾT

Đây là phiên chợ họp sau phiên chợ cuối của năm, thường vào ngày 28 hoặc 29 tháng Chạp. Gọi là phiên chợ trẻ con, vì dân quê, trong ngày phiên chợ này, chợ nào họp ngày nào thường đã thành lệ, bố mẹ cho trẻ con tiền để đi sắm Tết, tức là đi mua tranh mua pháo.

Cần phân biệt phiên chợ trẻ con với phiên chợ Tết. Phiên chợ Tết là phiên chợ cuối cùng của năm, tùy theo từng chợ họp từ ngày 26 đến 30 tháng Chạp.

Chợ vùng quê họp một tháng sáu phiên, chợ làng này vào ngày một ngày sáu, chợ lân cận vào ngày hai ngày bảy, chợ một làng thứ ba vào ngày ba ngày tám, rồi một chợ vào ngày bốn ngày chín, lại một chợ vào ngày năm ngày mười. Trong một vùng mỗi ngày thường có hai ba chợ họp, và ngày hôm sau lại hai chợ khác.

Phiên chợ Tết sớm nhất vào ngày 26 tháng Chạp đối với những chợ ngày họp là ngày một và ngày sáu, và phiên chợ Tết muộn nhất vào ngày 30, hay nếu tháng thiếu vào ngày hai mươi chín tháng Chạp đối với những chợ ngày họp là ngày bốn ngày chín hoặc ngày năm ngày mười.

Trong phiên chợ Tết, người bán hàng muốn bán hết hàng, nhất là trong những phiên chợ vào mấy ngày hai mươi chín, ba mươi tết, và người đi sắm tết cũng cố mua cho đủ những cái gì còn thiếu.

Các ông đồ, nhân dịp phiên chợ Tết cũng đem bán chữ. Người ta nhờ các ông viết cho những câu đối, những bức đại tự v.v...

THĂM MỘ GIA TIÊN

Tây phương thường cho ta gần người chết hơn họ. Thực vậy, thi hài của tổ tiên ta thường mai táng ngay giữa thửa ruộng của chúng ta, và quanh năm trong những dịp vui mừng hay tang tóc, chúng ta đều khấn tới gia tiên, đều đi viếng mộ để đắp thêm mấy vầng đất, cắm mấy nén hương.

Về Tết, vui xuân, người Việt cũng muốn gia tiên về hưởng Tết. Bởi vậy, ở nhiều nơi, sau khi sắm sửa Tết xong người ta có tục đi viếng mộ, đắp lại mộ, thắp hương khấn mời hương hồn những người đã quá cố về hưởng Tết.

Làng Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, Hà Bắc, hàng năm vào ngày 30 tháng Chạp, dân làng đều đi viếng mộ khấn mời gia tiên về ăn Tết. Tục này có ở rất nhiều nơi khác.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/phien-cho-tre-con-trong-tet-viet-post1458961.html