Phiên giải trình tại HĐND TP Hà Nội về việc cung cấp nước sạch

Sáng 6/9, Thường trực HĐND TP Hà Nội sẽ tổ chức phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn TP.

 Phiên giải trình tại HĐND TP Hà Nội về việc cung cấp nước sạch

Phiên giải trình tại HĐND TP Hà Nội về việc cung cấp nước sạch

Dự phiên giải trình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, cùng đại diện các sở, ban, ngành, đại biểu HĐND TP...

Làm rõ khó khăn, xác định nguyên nhân giải pháp thực hiện

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: thực hiện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật giám sát của Quốc hội và HĐND, đây là phiên giải trình thứ hai trong năm 2019 của Thường trực HĐND TP và là phiên giải trình thứ 5 kể từ đầu nhiệm kỳ HĐND khóa XV. Chủ đề bốn phiên giải trình trước được Thường trực HĐND lựa chọn như về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, xử lý các dự án có vi phạm trong sử dụng đất, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, công sở. Đây là các các vấn đề, nhóm vấn đề dân sinh thuộc trách nhiệm giải quyết của chính quyền Thành phố song vẫn còn những tồn tại, vướng mắc được nhiều cử tri quan tâm. Sau các phiên giải trình, hầu hết các kiến nghị của Thường trực HĐND đưa ra đều được UBND TP, các cấp chính quyền cơ sở nghiêm túc tiếp thu, tổ chức thực hiện và đã tạo ra những chuyển biến tích cực.

 Các đại biểu dự phiên giải trình

Các đại biểu dự phiên giải trình

Lần này, Thường trực HĐND TP lựa chọn nội dung chuyên đề về việc cung cấp nước sạch cho Nhân dân trên địa bàn TP, để yêu cầu UBND TP và các cơ quan liên quan giải trình bởi các lý do sau đây: Thứ nhất, chăm lo cho đời sống nhân dân luôn được TP Hà Nội quan tâm đặc biệt là vấn đề nước sạch. Tại thời điểm năm 2016, khu vực nông thôn mới có hơn 2,3 triệu dân (đạt 37,2%) dùng nước sạch. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa XVI (2015-2020) đặt ra chỉ tiêu về cấp nước sạch đến năm 2020 là tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, trong đó nước sạch là 50%; tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch là 95-100%. Để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đồng thời thể hiện quyết tâm của lãnh đạo TP đối với việc phấn đấu để người dân Hà Nội nói chung và người dân nông thôn nói riêng 100% được sử dụng nước sạch chứ không phải nước hợp vệ sinh; theo đề xuất của UBND TP, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 3/8/2016 trong đó nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đến năm 2020 phấn đấu đạt 100% (tức là cả khu vực đô thị và nông thôn).

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, với sự nỗ lực và quyết liệt của Thành ủy, HĐND, đặc biệt là UBND TP, kết quả bước đầu đã ghi nhận tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ 37% năm 2016 tăng lên 65% năm 2019. Tuy nhiên vẫn còn một số địa bàn tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch rất thấp, như Chương Mỹ - 18%, Mỹ Đức – 10%, Phú Xuyên - 12%, Ứng Hòa – 27%....... Điều này, đặt ra yêu cầu cho chính quyền TP có những giải pháp, quan tâm mạnh mẽ hơn nữa trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện để người dân khu vực nông thôn được hưởng những điều kiện sinh hoạt thiết yếu của một đô thị.

Thứ hai, để đạt chỉ tiêu nước sạch sinh hoạt, việc phát triển hệ thống nguồn và mạng lưới nước sạch phải được đặt ra. Thời gian qua TP đã chủ động, nỗ lực quan tâm rất lớn để thực hiện các giải pháp về phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp nước (nguồn, mạng) nhằm nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tính đến thời điểm 31/7/2019, TP đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước (gồm 11 dự án phát triển nguồn, 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch).

 Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc

Trong đó: Về phát triển nguồn: đã có 5/11 dự án hoàn thành, nâng tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của TP đến nay đạt 169% so với năm 2016. Về phát triển mạng lưới, đã có 14/28 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Các dự án phát triển nguồn và mạng lưới nước sạch nói trên đã góp phần nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch đạt 65%. Nếu hoàn thành cơ bản các dự án này thì chỉ tiêu đặt ra 100% dân số được sử dụng nước sạch sẽ sớm được thực hiện.

Tuy nhiên, qua báo cáo của các sở, địa phương và kết quả giám sát, khảo sát của các Ban HĐND, Thường trực HĐND nhận thấy, còn nhiều dự án phát triển mạng, nguồn chậm tiến độ hoặc khả năng sẽ chậm tiến độ theo kế hoạch đã phê duyệt, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ TP, Nghị quyết HĐND; vẫn còn khoảng 160/420 xã, thị trấn (=38,1%) chưa có mạng cấp nước. Vì vâỵ̣ cần giải trình làm rõ nguyên nhân chậm và giải pháp.

Thứ ba, tuy khu vực đô thị cơ bản 100% được sử dụng nước sạch, song có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ do dự cố, nhất là vào thời điểm sử dụng nước cao điểm trong dịp hè như ở một số khu vực của quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông….hoặc chất lượng nước còn chưa được đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của một bộ phận nhân dân.

Từ ba lý do trên, Thường trực HĐND TP tổ chức phiên giải trình về cung cấp nước sạch với mục đích thông qua giải trình chúng ta sẽ đánh giá, ghi nhận những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết ĐH đảng bộ TP, hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết HĐND; đồng thời, làm rõ những khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để từ đó đưa ra những giải pháp cần thiết, kịp thời nhằm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa XVI và phấn đấu hoàn thành cao nhất chỉ tiêu Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của HĐND TP đề ra "Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đến năm 2020 phấn đấu đạt 100%" trong gần 2 năm còn lại của nhiệm kỳ.

 Toàn cảnh phiên họp giải trình.

Toàn cảnh phiên họp giải trình.

Với cách làm đổi mới: xây dựng phóng sự thay báo cáo dành thời lượng để thực hiện giải trình. Thành phần tham dự hôm nay ngoài các đồng chí lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Thường trực HĐND TP còn mời 30 đồng chí Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; 4 đồng chí Chủ tịch xã, thị trấn và 7 đại diện lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện dự án cung cấp nước sạch, để cùng nhau tìm nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ, khắc phục để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp nước sạch cho Nhân dân trên địa bàn TP trong thời gian tới.

“Thường trực HĐND TP đề nghị các vị đại biểu HĐND TP bám sát mục đích, yêu cầu của phiên họp; trách nhiệm, xây dựng, thẳng thắn. Đề nghị UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã và các đơn vị liên quan giải trình rõ, thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm, trong đó làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình cụ thể, biện pháp khắc phục trong thời gian tới”, Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ.

Vì sao còn 6 dự án chậm triển khai?

Là đại biểu đặt câu hỏi đầu tiên, ĐB Đoàn Việt Cường (Mê Linh) nêu trên địa bàn TP hiện đang triển khai 11 dự án cấp nước tuy nhiên có 6 dự án chậm, thậm chí chưa triển khai. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của sở và các đơn vị liên quan, và nêu ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?

 ĐB Đoàn Việt Cường

ĐB Đoàn Việt Cường

ĐB Trần Việt Anh (quận Ba Đình) đặt câu hỏi liên quan đến Dự án xây dựng trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) do Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân làm chủ đầu tư đã hoàn thành hạng mục nhà máy vào năm 2013, tạm dừng năm 2016. UBND TP đã chỉ đạo cấp phép cho Công ty Nước sạch Hà Đông tiếp nhận để phấn đấu đến năm 2019 cấp nước sạch cho các xã của huyện Mỹ Đức. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành nhà máy đến nay, gần 6 năm, dự án vẫn dang dở, chưa đi vào hoạt động, một số hạng mục xuống cấp. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Đông, Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân cho biết rõ nguyên nhân tại sao, trách nhiệm của sở, đơn vị; và giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án?

ĐB Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ Thường Tín) đặt câu hỏi về dự án nước tại xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh được phê duyệt từ tháng 6/2018 nhưng khi triển khai gặp nhiều khó khăn giải phóng mặt bằng, đề nghị Chủ tịch UBND xã, Tiến Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết trách nhiệm và bao giờ có thể giải phóng mặt bằng?

Vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư

Giải trình các ĐB đã nêu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Phát triển nguồn cấp nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xương sống của TP. Trong hơn 1 năm, TP đã cho triển khai 11 dự án, hiện hoàn thành với 1.520 m3/ngày đêm với 5 nhà máy, đã tăng hơn 600.000/m3 ngày đêm so với năm 2016; đã đưa nước đến các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông, Ứng Hòa…Còn về Công ty CP nước mặt sông Hồng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ. Từ nay đến hết quý III, nếu Công ty này không thực hiện thì TP sẽ xem xét để thay thế.

Về Dự án trạm cấp nước cục bộ (Công ty Minh Quân đầu tư) ở thị trấn Đại Nghĩa đang gặp vướng mắc do khả năng, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Công ty Minh Quân chưa có kinh nghiệm nhưng lại có nguồn đâu tư, còn công ty nước sạch Hà Đông có kinh nghiệm nhưng lại không có nguồn. Bên cạnh đó, còn do nguồn nước ngầm ở sông Đáy hiện đang rất ô nhiễm. Trước mắt, TP sẽ đưa công suất 16.000 m3/ngày đêm của nhà máy sông Đuống và 10.000m3/ngày đêm của nước mặt Quan Sơn để đưa nước đến trạm cấp nước Đại nghĩa.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng giải thích thêm việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. TP đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này. Qua đánh giá của Bộ xây dựng, tính khả thi của các Quy hoạch cấp nước rất cao, song khó nhất vẫn là ở Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất do dân cư thưa thớt, địa hình khó…

 Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trả lời chất vấn

Về câu hỏi chậm giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh (Mê Linh) cho biết, huyện đã chỉ đạo xã phổ biến chủ trương nước sạch cho Nhân dân. Về phía chủ đầu tư đã phối hợp với xã GPMB. Về công tác GPMB, Nhân dân đồng tình chủ trương xây dựng nước sạch trên địa bàn.
Liên quan diện tích hồ, dân không đồng tình vì có 40ha diện tích nước hồ phục vụ tưới tiêu đất nông nghiệp. Địa phương đã tiến hành họp với Nhân dân tuy nhiên người dân không đồng tình lấy đất lòng hồ. Xã đã báo cáo huyện Mê Linh về phối hợp với xã, nhưng thôn hơn 400 hộ không đồng tình. Nếu khó khăn, sử dụng phương án 2, lấy 5.000m2 đất đã thu hồi.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh trả lời thêm cho biết, tại huyện đã có 6/18 xã, thị trấn được cấp nước sạch; tại những xã này có trên 90% người dân sử dụng, thậm chí có xã 100%. Nhu cầu nước sạch trên địa bàn rất cấp thiết. 12 xã còn lại cũng đề nghị sớm được hưởng nước sạch. Do vậy, huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, với những vướng mắc thì sẽ vào cuộc ngay.

Liên quan đến việc cấp nước cho 12 xã do Công ty cấp nước Mê Linh thực hiện, về đường truyền dẫn, phân phối không có vật cản nào tại cả 12 xã, TP cho phép vừa làm thủ tục vừa thi công. Hết năm nay 60% người dân Mê Linh sẽ được sử dụng nước sạch và đến năm sau chắc chắn sẽ được 100%. Chúng tôi cũng đề nghị TP cho phép không nhất thiết thu hồi diện tích này, mà xã và huyện sẽ tính toán đứng ra làm CĐT nạo vét, xây kè tạo cảnh quan, đồng thời có thể giữ nước tưới tiêu cho người dân, sử dụng một phần nước cho Công ty; không cần làm thủ tục thu hồi.

Vì sao công suất nhà máy hơn 300.000m3/ngày đêm nhưng bán ra chưa được một nửa?

Ngay sau phần trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, ĐB Nguyễn Nguyên Quân (Hoàng Mai) nêu Dự án trạm Mỹ Đức còn vướng do tổ chức khảo sát chưa tính toán hết được nguồn ô nhiễm nước, nên mặc dù đã đầu tư xong nhà máy nhưng không có nguồn cấp nước cho nhà máy này. Vì vậy ĐB quan tâm nhà máy này tới đây sẽ xử lý thế nào? Cần tính toán để sử dụng để tránh láng phí với những gì TP đã đầu tư. Nên chăng nhà máy này có thể trở thành Trạm tăng áp để đủ áp lực nước cấp cho các khu vực cuối nguồn?

 ĐB Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ Thường Tín) chất vấn

ĐB Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ Thường Tín) chất vấn

ĐB Hoàng Thị Thúy Hằng cho biết, qua phần trao đổi của Giám đốc Sở Xây dựng, đã nắm được nguyên nhân trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) không hoạt động. Tuy nhiên, đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm, trạm cấp nước không hoạt động do thiếu nguồn, Sở có giải pháp nào để thúc đẩy cung cấp nước cho các xã, thị trấn của huyện Mỹ Đức khi hơn 1 năm nữa là đến tiến độ hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND TP. Trong khi đó, trên địa bàn Mỹ Đức hiện chỉ có 4 trạm cấp nước sạch nông thôn, trong đó 2 trạm không hoạt động, đang đề nghị thanh lý. Do đó, đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết giải pháp thúc đẩy tiến độ cấp nước cho dân thế nào?
Ngoài ra, trên địa bàn TP có dự án nước mặt Sông Đuống đã khánh thành giai đoạn 2, nâng tổng công suất của nhà máy lên đến hơn 300.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, phía Công ty Sông Đuống báo cáo gửi Thường trực HĐND TP, tổng khối lượng bán nước mới chỉ đạt 135.000m3/ngày đêm; vẫn còn dư khoảng 175.000m3. Nguyên nhân khó khăn, giải pháp hỗ trợ DN thế nào?

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng, ở trạm Mỹ Đức, do số nguồn và tiến độ triển khai cấp nước cho huyện, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, nguồn nước mặt cũng ô nhiễm và không đủ. Hiện nước sông Đuống đã về đến Thanhh Oai, nếu đơn nguyên một 150.000m3/ngày đêm, chúng ta chỉ cấp nước đủ cho Thanh Oai và Hà Đông, giờ đưa thêm 150.000m3/ngày đêm bằng các tuyến ống chìm qua sông Đuống, sông Hồng vượt qua đường 1A về đến thị trấn Thường Tín, như vậy cấp được cho huyện Thường Tín và Thanh Trì theo đường 70 về đến Thanh Oai.

Chúng tôi cũng đã đưa được vào đến Vân Đình, Ứng Hòa - 1 huyện sát vách Mỹ Đức với công suất trên 40.000 m3/ngày-đêm, đẩy 8km nữa vào đến trạm cấp nước Đại Nghĩa với công suất từ 12-16.000 m3/ngđ, đồng thời sử dụng trạm này để đẩy tiếp cho khu vực 21 xã và 1 thị trấn.

Sở đã thống nhất với nhà đầu tư Aquaone, cuối quý 3 khởi công hợp phần Xuân Mai thì sẽ đấu nối mạch vòng đấu với Sông Đuống, gặp nhau tại trục 21B, ở đây sẽ có thêm nguồn. Như vậy đến quý 1/2021 theo tiến độ đầu tư, hợp phần Xuân Mai sẽ đưa nước qua đường 6 từ Hòa Bình về (hiện Nhà máy trên Hòa Bình đã GPMB xong), quý 3 này sẽ khởi công tuyến đường ống 1.500m, hợp khối toàn bộ trục này. Đó là giải pháp bền vững. Còn trước mắt, vẫn cấp 12-16.000 m3/ngđ cho trạm Đại Nghĩa và cấp nước cho huyện Mỹ Đức.

Sở tham mưu thu hồi bao nhiêu dự án?

Tiếp tục phiên chất vấn, ĐB Duy Hoàng Dương (Hoài Đức) đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết đối với các dự án cấp nước sạch của TP, đã có bao nhiêu dự án Sở tham mưu cho TP để thực hiện thu hồi hoặc chuyển chủ đầu tư các dự án nếu chủ đầu tư không đủ năng lực?

ĐB Hoàng Tú Oanh (huyện Đan Phượng) chất vấn, năm 2017, UBND TP đã chấp thuận 2 DN cấp nước sạch trên địa bàn huyện Phúc Thọ: Công ty CP Kỹ thuật môi trường biển thực hiện dự án 2 xã Long Xuyên, Thượng Cốc. Công ty CP Xây dựng Việt Nam thực hiện nối mạng cấp nước cho 3 xã Xuân Phú, Vân Nam và Vân Phúc. Tiến độ hoàn thành vào năm 2018, hiện 2 dự án chưa thi công, đất đã GPMB nhưng để hoang. Đề nghị DN cho biết rõ nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị, dự án bao giờ khởi công, hoàn thành? Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân, giải pháp, giúp huyện Phúc Thọ?

ĐB Nguyễn Bích Thủy (tổ Cầu Giấy) chất vấn, dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch ở 8 xã huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận do Công ty CP đầu tư đô thị Xuân Mai làm CĐT được phê duyệt từ 2013, dự kiến 2017 hoàn thành nhưng triển khai rất chậm, chưa có mặt bằng để xây dựng bể chứa, mạng phân phối mới triển khai được 1/8 xã... Đề nghị Chủ tịch UBND huyện với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong giải quyết kịp thời khó khăn trong GPMB các dự án cấp nước sạch trên địa bàn, cho biết nguyên nhân chậm trễ cũng như giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, có thể khẳng định thời gian hoàn thành tới đây? Giám đốc Công ty cho biết trách nhiệm của CĐT trong triển khai dự án, các hạng mục đầu tư, giải pháp và tính chủ động để đẩy nhanh tiến độ?

Lỗi giải phóng mặt bằng hay năng lực chủ đầu tư?

Ông Nguyễn Ngọc Oanh - Giám đốc Công ty CP môi trường đô thị Xuân Mai giải trình việc chậm tiến độ dự án cấp nước sạch Chương Mỹ đã được giao từ năm 2013, trên phạm vi 16 xã của Chương Mỹ. Dự án chậm là do công tác GPMB, do quy hoạch. Từ năm 2013 đến 2016, dự án chậm thu hồi đất chậm. Từ năm 2017 đến nay, huyện Chương Mỹ vào cuộc quyết liệt nên đến 6/2019 vừa rồi đã bàn giao mặt bằng trạm X2, dự kiện tháng 10/2019 sẽ bàn giao nốt trạm X1.

Ông Oanh cho biết, sau khi được bàn giao đất vào tháng 8/2019 vừa qua, Công ty đã xây dựng bể chứa và trạm tăng áp. Đồng thời kỳ vọng, sẽ hoàn thành dự án vào quý II/2020 đã hoàn thành việc cấp nước đối với các xã trong dự án.

Tiếp tục câu hỏi trên, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho rằng, trên địa bàn huyện có 13 trạm cấp nước với công suất 14.401m3/ngày đêm; tỷ lệ người dân dùng nước sạch qua các nguồn chiếm 37%; dùng qua 5 trạm cung cấp nước sạch chiếm khoảng 10%. Trong đó, có 5 trạm đang hoạt động với công suất 9.996m3/ngày đêm; 5 trạm dừng hoạt động công suất với tổng công suất 370,5m3/ngày đêm và 3 trạm dừng hoạt động công suất 1.700m3/ngày đêm.
Liên quan đến dự án của Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, theo quyết định sẽ cấp nước sinh hoạt cho 12 xã và khu vực Miếu Môn. Giai đoạn 1 hoàn thành từ 2013 đến 2015; giai đoạn 2 từ 2015 đến 2017. Nếu theo quyết định này sẽ cung cấp nước sạch cho người dân lên đến 40%. Chính quyền luôn tạo điều kiện cho DN thực hiện dự án và người dân rất cần nước sạch. “Tuy nhiên, DN giữ dự án nhưng vốn thỏa thuận với ngân hàng chưa có. Làm sao có thể đạt được chỉ tiêu của HĐND TP khi DN không có đủ khả năng tài chính? Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai chưa triển khai dự án nên đề nghị TP kiểm tra, đánh giá năng lực DN” - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đề nghị.

Tiếp tục giải trình, ông Nguyễn Ngọc Oanh – Giám đốc Công ty CP môi trường đô thị Xuân Mai cho biết: dự án chậm tiến độ 2 năm do chủ đầu tư “lúng túng” về nguồn vốn từ nhà nước sang xã hội hóa. Tuy nhiên, ông Oanh hỏi Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ từ năm 2013 đến tháng 6/2019 mới bàn giao cho chủ đầu tư, đây là trách nhiệm của nhà nước hay trách nhiệm của doanh nghiệp theo quyết định của pháp luật, điều này cần làm rõ. “Chúng tôi cam kết với TP sẽ hoàn thành tiến độ dự án vào Quý II/2020” – ông Oanh nhấn mạnh.

ĐB Đoàn Việt Cường trao đổi thêm, qua giám sát của Ban Đô thị HĐND TP tháng 8/2018 và các ý kiến trên, nguyên nhân chậm trễ của dự án trên là do quy hoạch của hai tuyến đường được TP phê duyệt là Quốc lộ 6 đoạn Hà Đông-Xuân Mai và Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai và Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai chồng lên hiện trạng tuyến đường ống truyền dẫn tự chảy từ Hòa Lạc về Xuân Mai và tuyến ống truyền dẫn từ trạm tăng áp X2 dẫn về xã dọc Quốc lộ 6. Vì vậy CĐT không có mặt bằng thi công các tuyến ống đã phê duyệt.

Đồng thời qua ý kiến của Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, tôi cho rằng tính chủ động, phối hợp của DN chưa cao, chưa kịp thời. Đề nghị Giám đốc Công ty làm rõ thêm nội dung này; Giám đốc Sở Xây dựng cũng làm rõ nội dung này và giải pháp tham mưu với UBND TP?

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Đối với dự án chậm tiến độ trên địa bàn huyện Phúc Thọ, các chủ đầu tư được giao từ năm 2016 nhưng triển khai rất chậm; yêu cầu hỗ trợ của họ cũng không phù hợp với điều kiện hiện nay.

Về việc thu hồi các dự án chậm, Sở đã tham mưu cho TP và TP đã giao cho chủ đầu tư khác có đủ điều kiện để triển khai (Công ty Phúc Thành đã triển khai dự án cấp nước ở huyện Đan Phượng). Đơn vị đã khảo sát xong vị trí và lên phương án thiết kế dự án cấp nước ở Phúc Thọ.

“Thực hiện theo quy trình thu hồi, chúng tôi chắc chắn trong tháng 9/2019 sẽ thu hồi hai dự án này để cấp chủ trương đầu tư cho chủ đầu tư mới” – Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Về dự án cấp nước chậm triển khai trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đã nêu đúng theo quy hoạch mới.

Tóm tắt các ý kiến, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên họp cho hay, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi, và các nội dung quan tâm đã được giải trình đầy đủ. Không khí trao đổi sôi nổi, tìm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để tìm ra giải pháp để giúp UBND TP tìm ra hướng giải quyết.
Chủ yếu các nhà đầu tư chậm triển khai dự án cho thay đổi chủ đầu tư, thay đổi quy hoạch, 1 số địa phương chậm bàn giao mặt bằng, khó GPMB, 1 số người dân hiểu biết về sử dụng nước sạch chưa cao.
Nguyên nhân chủ quan do năng lực của nhà đầu tư còn yếu, thiếu năng lực, khó khăn, chưa cùng đồng hành cùng địa phương quyết tâm thực hiện. Cơ chế hỗ trợ đầu tư có nhưng 1 số thông tư, nghị định, luật vẫn “trói”. Với những khó khăn, tồn tại, đề nghị UBND TP tiếp thu, các sở ngành, quận, huyện cố gắng tìm ra các giải pháp, thúc đẩy tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết sớm. Tiếp tục nghiên cứu chính sách, mô hình, giải pháp đẩy mạnh các dự án. Ngoài ra, UBND TP chỉ đạo rà soát để sớm thực hiện đúng lộ trình Nghị quyết của HĐND TP.

Thay thế Chủ đầu tư không đủ năng lực

Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về cung cấp nước sạch cho Nhân dân, để làm rõ hơn các việc mà TP đã triển khai, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đăng đàn trả lời các vấn đề các đại biểu quan tâm.

Theo Chủ tịch UBND TP, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội chọn phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. TP cũng đã đề xuất 5 giải pháp nâng cao chất lượng đời sống người dân trong đó có chất lượng nước sạch.

 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm

Chủ tịch UBND TP chỉ rõ các bất cập tồn tại như: Trước tình trạng nước ở vùng nông thôn chưa đảm bảo, thiếu nước mùa khô; cấp nước sạch ở nông thôn trước đây không hiệu quả, có dự án có dấu hiệu sai phạm. “Trong quá trình đô thị hóa, không lý do gì mà phường, xã mà mỗi nơi lại sử dụng nước chất lượng khác nhau”, Chủ tịch UBND TP nói.

Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch UBND TP cho biết TP đã báo cáo các bộ, và Thủ tướng cho phép Hà Nội đưa chức năng quản lý toàn bộ nước sạch của Hà Nôi về một đầu mối là Sở Xây dựng. TP và Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép các công ty nước sạch, nhà nước không bắt buộc phải giữ 51% vốn, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Từ giữa 2016, TP đưa các danh mục dự án các nhà máy cấp nước nguồn, nước mặt công khai để kêu gọi đầu tư. TP thay đổi cách kêu gọi đầu tư; đề nghị thêm các nhà máy nước các tỉnh lân cận, đầu tư đường ống đề cung cấp ngược lại cho TP nếu còn thừa công suất. Đồng thời, yêu cầu các nhà đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có như: nhà máy nước Vân Trì, nhà máy nước mặt sông Đà, trạm cấp nước Dương Nội....

Đáng chú ý, TP cũng ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ nước sạch cho nhân dân, trong đó có việc sử dụng trạm lọc nước sử dụng công nghệ của Đức ở Dương Nội, Hà Đông. Chủ tịch UBND TP dẫn chứng về việc trạm lọc nước ở Hà Đông sử dụng công nghệ này. “Công nghệ lọc nước này được áp dụng ở khu vực cạnh bãi rác Nam sơn. Sau 6 tháng người dân đã được dùng nước sạch, nếu dùng phương án cũ việc kéo đường ống lên đến khu vực ít mất thời gian, tốn kém hơn rất nhiều”, Chủ tịch UBND TP nói.

3 năm qua, UBND TP đã họp 37 lần với các nhà đầu tư, công ty, các huyện xã để giải quyết vướng mắc khó khăn; khơi thông chính sách giải phóng mặt bằng mà điển hình như dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã giải phóng mặt bằng 100 hec ta trong vòng 4 tháng. Đồng ý cho các nhà đầu tư vừa thiết kế vừa thi công đường ống, nhờ đó màtrong vòng 7 tháng, Quốc oai đã đảm bảo 80% các xã có nước sạch. Bên cạnh đó, TPkết nối ngân hàng đồng hành về vốn, có cơ chế chính sách thông qua Quỹ đầu tư để làm “vốn mồi” cho nhà đầu tư; thí điểm xây dựng hệ thống cấp nước ở nông thôn ở 3 huyện để triển khai rộng rãi...

Làm rõ hơn việc tại sao nước sạch đến nơi rồi mà có chỗ người dân chưa dùng, Chủ tịch UBND TP lý giải nguyên nhân là thói quyen người dân là chỉ dùng nước sạch để ăn uống, còn lại dùng nước ngầm trong sinh hoạt để đỡ tốn kém. Chủ tịch UBND TP nêu rõ, việc sử dụng nước như vậy là chưa khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm thạch tín, asen; với 300.000 giếng khoan ở khu vực ở nông thôn, TP sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các DN cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa...

Trước thông tin, giá nước mặt sông Đà chỉ 5.000/m3 mà nước mặt sông Đuống cao hơn, Chủ tịch UBND TP cho biết, tiêu chuẩn chất lượng nước mặt sông Đuống đang cao nhất hiện nay. Một số nhà máy nước sẽ phải đầu tư bổ sung công nghệ mới, thay thế đường ống đảm bảo chất lượng. Giá nước sẽ được điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ngay sau hội nghị, Chủ tich UBND TP cho biết, TP sẽ rà soát các doanh nghiệp nước sạch phải đủ năng lực, nếu không phải nhất định thay thế...

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP kêu gọi người dân đồng thuận trong việc lắp đặt mạng truyền dẫn nước. “Tôi mong muốn người dân nhiệt tình ủng hộ vì dùng nước sạch chính là đảm bảo sức khỏe của mình”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Đòi hỏi quyết tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của doanh nghiệp

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét, đây là một trong những phiên giải trình thành công về cả cách thức tổ chức và nội dung giải trình của các đơn vị. Trong phiên giải trình, đã có 14 đại biểu đặt câu hỏi với 18 lượt ý kiến. Các câu hỏi bám sát, đi thẳng vào chủ đề của phiên giải trình. 10 ý kiến trả lời, giải trình của lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương và sự tham gia trả lời của Chủ tịch UBND TP cho thấy, lãnh đạo TP, các đơn vị nắm chắc vấn đề, thể hiện tinh thần thẳng thắn, nhìn nhận rõ trách nhiệm với những khó khăn, tồn tại cần phải tháo gỡ.

Theo Chủ tịch HĐND TP, Nghị quyết số 05/NQ-HĐND đã đi vào cuộc sống. Sự lựa chọn của HĐND TP khi ra Nghị quyết này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, thể hiện trách nhiệm của các cấp chính quyền với đời sống người dân.

Để đạt được mục tiêu Nghị quyết đặt ra, phấn đấu 35% người dân còn lại của Thủ đô được sử dụng nước sạch, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, đòi hỏi quyết tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân. Đối với các dự án còn vướng mắc, chậm trễ, phải rà soát lại, có giải pháp giải quyết từng dự án, giao cho đơn vị đủ điều kiện. Đồng thời, rà soát lại cơ chế, chính sách, bổ sung cơ chế mới để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, thời gian tới, HĐND TP sẽ tăng cường giám sát tại 4 huyện có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch còn thấp là Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên và Ứng Hòa. Đồng thời, yêu cầu các huyện tăng cường tuyên truyền cho người dân và đề xuất giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án.

Nhóm PV

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phien-giai-trinh-tai-hdnd-tp-ha-noi-ve-viec-cung-cap-nuoc-sach-351832.html