Phiên giao dịch chiều 26/10: Dòng tiền lại đột ngột mất hút

Sau phiên hoạt động tích cực hôm qua (25/10), dòng tiền lại đột ngột mất hút trong phiên hôm nay (26/10) khiến thanh khoản sụt giảm mạnh, VN-Index cũng có phiên biến động hẹp nhất trong 4 phiên gần đây.

Trong phiên sáng, sau khi mở cửa với sắc xanh nhạt do quán tính từ đà tăng của phiên chiều qua, thị trường đã quay đầu điều chỉnh khi lực cầu tỏ ra dè dặt, trong khi bên bán không muốn giữ hàng quá lâu.

Lực bán trở lại trở lại trong nửa cuối phiên sáng kéo nhiều mã quay đầu sau phiên khởi sắc trước đó, nhưng lực cầu không mạnh khiến thanh khoản sụt giảm mạnh, VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng 990 điểm.

Bước sang phiên chiều, lực bán trong cuối phiên sáng tiếp tục kéo VN-Index lùi sâu hơn, về mốc 985 điểm. Tuy nhiên, với sự khởi sắc của MSN, VN-Index đã 2 lần đứng vững khi về test ngưỡng này, sau đó đã thu hẹp đà tăng, lên trên ngưỡng 990 điểm, dù số mã giảm vẫn chiếm thế áp đảo, thậm chí số mã giảm sàn nhiều hơn gấp 3 lần phiên sáng.

Dòng tiền sau 1 phiên hứng khởi đột ngột mất hút hôm nay khiến thanh khoản sụt giảm mạnh trở lại và cũng là lý do khiến nhiều mã không nhận được trợ lực nên giảm sàn trong phiên chiều nay.

Chốt phiên, VN-Index giảm 4,34 điểm (-0,44%), xuống 993,36 điểm với 164 mã tăng, trong khi có 256 mã giảm, trong đó có 43 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 448,3 triệu đơn vị, giá trị 8.048,5 tỷ đồng, giảm tới 40% về khối lượng và 35,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 95,9 triệu đơn vị, giá trị 2.1944 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản, xây dựng bị bán mạnh nhất chiều này và cũng là nhóm có nhiều mã giảm sàn với 13 mã, trong đó ngoài các mã KBC, DXG, DIG, NVT, NHA giảm sàn từ phiên sáng, phiên chiều có thêm hàng loạt mã gia nhập như HBC, DXS, TDH, HQC, HDG, LDG, FCN, LGL, 2 mã SZC và SCR cũng chỉ có chút may mắn mới đóng cửa trên mức sàn 1 bước giá.

Trong khi đó, SGR lại bất ngờ khởi sắc khi đóng cửa ở mức trần 16.150 đồng, nhưng thanh khoản thấp chỉ hơn 106.000 đơn vị, còn dư mua trần.

Trong nhóm này, DXG là mã có thanh khoản tốt nhất với 11,8 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức sàn 12.050 đồng. DIG cũng là mã có thanh khoản tốt với 7,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá sàn (19.050 đồng) tới hơn 5,66 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp của DIG.

Ngoài các mã bất động sản trên, VND cũng có thêm phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp khi lực cung quá mạnh, nên dù lực cầu hoạt động tốt cũng không đủ sức cứu. Chốt phiên, VND giảm sàn về 10.650 đồng với thanh khoản 28,1 triệu đơn vị, chỉ bằng một nửa so với hôm qua, nhưng vẫn dẫn đầu sàn HOSE. Có thể thấy bất chấp tâm thư trấn an của Tổng giám đốc và lực cầu cũng không phải tồi, nhưng không cứu được VND thoát khỏi những phiên giảm sàn liên tiếp khi lực bán tháo liên tục diễn ra và áp đảo lực cầu.

Không chỉ VND, nhóm chứng khoán còn có thêm nhiều mã khác cũng bị kéo về mức sàn chiều nay như APG, FTS, BSI, CTS, trong khi sắc xanh đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn AGR may mắn giữ được mức tham chiếu.

Nhóm thép cũng không còn bóng một sắc xanh nào, chỉ có 3 mã giữ được tham chiếu là DTL, POM và HMC. Trong khi đó, ngoài SMC vẫn yên vị ở mức sàn do không có lực cầu thêm, thì HPG và HSG cùng giảm 1,2% xuống 16.900 đồng và 12.300 đồng, thanh khoản HPG cao nhất nhóm và đứng thứ 3 trên sàn sau VND và DXG với 11,2 triệu đơn vị; mã giảm mạnh thứ 2 của nhóm sau SMC là TLH giảm 6,3% xuống 6.400 đồng; NKG cũng mất 3% xuống 14.750 đồng.

Trong nhóm ngân hàng, số sắc xanh đã nhiều dần lên, chiếm ưu thế so với sắc đỏ, đây chính là trợ lực chính cùng với MSN giúp VN-Index thu hẹp đà giảm trong phiên chiều nay. Trong đó, LPB giữ tốt phong độ với mức tăng và thanh khoản cao nhất nhóm. Chốt phiên, LPB tăng 3,5% lên 10.350 đồng, khớp 9,3 triệu đơn vị.

MSN hôm nay khởi sắc với mức tăng 4% lên mức cao nhất ngày 78.000 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn phải kể đến KDH tăng 3,3% lên 21.700 đồng, BVH tăng 2,4% lên 51.200 đồng…

Sàn HNX cũng tạo đáy của ngày trong phiên chiều, sau đó thu hẹp đà giảm trong ít phút cuối phiên, nhưng khác với VN-Index, HNX-Index lại đóng cửa thấp hơn phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Idnex giảm 2,07 điểm (-1%), xuống 205,95 điểm với 57 mã tăng, trong khi có tới 118 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45 triệu đơn vị, giá trị 624 tỷ đồng, giảm 42,5% về khối lượng và 40,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,6 triệu đơn vị, giá trị 55,8 tỷ đồng.

Sau khi thoát mức sàn trong phiên sáng, CEO đã không thể làm điều tương tự khi chốt phiên chiều do lực cung áp đảo hoàn toàn lực cầu. Chốt phiên CEO khớp 9,3 triệu đơn vị, cao nhất sàn HNX, đóng cửa ở mức sàn 10.800 đồng.

SHS và PVS có thanh khoản tốt tiếp theo với hơn 3,6 triệu đơn vị và đóng cửa với mức giảm nhẹ, trong đó SHS giảm 1,4% xuống 7.000 đồng, PVS giảm 0,9% xuống 21.000 đồng. PVS trong phiên sáng thậm chí có lúc bị đẩy về mức sàn 19.100 đồng, nhưng cũng có lúc đã được kéo lên trên tham chiếu hơn 2,3% ở mức 21.700 đồng.

Không chỉ PVS, IDC thậm chí còn có phiên đảo chiều ngoạn mục hơn khi đóng cửa tăng 0,5% lên 42.300 đồng, dù có lúc đã về mức sàn 37.900 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị.

Trong khi VND tiếp tục có phiên sàn thứ 3 liên tiếp, thì người “họ hàng” IPA trên sàn HNX lại có phiên hồi phục mạnh mẽ hôm nay khi tăng trần lên 10.400 đồng, khớp 718.300 đơn vị và còn dư mua trần. IPA trong 5 phiên vừa qua cũng bị bán mạnh, đẩy từ mức giá 13.300 đồng xuống 9.500 đồng trong phiên hôm qua.

Diễn biến trên UPCoM cũng tương tự khi bị đẩy mạnh trong nửa đầu phiên chiều, sau đó thu hẹp đà giảm trong ít phút cuối phiên, đóng cửa trên mức tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,53%), xuống 75,85 điểm với 134 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,8 triệu đơn vị, giá trị 257 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Chiều nay chỉ có thêm ABB và VHG gia nhập cùng BSR trong nhóm thanh khoản tính bằng triệu đơn vị. Trong đó, BSR vẫn dẫn đầu với 2,64 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,6% về giá, đứng ở mức 17.400 đồng, giống như phiên sáng. Trong khi ABB và VHG khớp hơn 1 triệu đơn vị, đóng cửa ABB tăng 1,3% lên 8.000 đồng, còn VHG ở mức tham chiếu 1.900 đồng.

Ấn tượng trong phiên chiều là LCM khi bật lên mức trần 2.800 đồng, thanh khoản gần 0,7 triệu đơn vị, đứng sau 3 mã trên. Trong khi đó, BDT lại không thoát khỏi mức sàn 31.500 đồng khi đóng cửa, khớp 627.900 đơn vị. Đây là mã có biên độ dao động rất rộng từ trần tới sàn từ mức kịch trần 42.500 đồng đến kịch sàn 31.500 đồng.

Trên thị trường phái sinh, dù VN30-Index giảm nhẹ 1,11 điểm (-0,11%), xuống 990,41 điểm, nhưng các hợp đồng tương lai chỉ số này đều tăng. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 11 VN30F2211 tăng 6,5 điểm (+0,68%), lên 967,5 điểm với 469.159 hợp đồng, khối lượng mở 50.654 hợp đồng.

Thị trường chứng quyền hôm nay tỏ ra cân bằng, số mã đóng cửa ở tham chiếu cũng như tăng và giảm gần như bằng nhau. Trong đó, có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu với 2 mã do KIS phát hành là CSTB2215 và CMSN2209, đều đóng cửa tăng nhẹ; 1 mã do SSI phát hành là CHPG2221, đóng cửa ở tham chiếu.

T.Lê

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phien-giao-dich-chieu-26-10-dong-tien-lai-dot-ngot-mat-hut-post308650.html