Phiên giao dịch chứng khoán chiều 14/6: 'Đánh úp' cuối phiên

Tưởng chừng thị trường sẽ bật lên chinh phục đỉnh của phiên sáng, thậm chí vượt qua ngưỡng cản trước mắt 1.130 điểm, nhưng 'cú đánh úp' cuối phiên khiến VN-Index lao mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Trong phiên sáng nay, với thông tin hỗ trợ tích cực trong nước về việc Bộ Xây dựng gỡ khó cho các dự án bất động sản và với ngân hàng giảm lãi suất cho các khoản vay mới, cùng thông tin bên ngoài về dữ liệu CPI tháng 5 của Mỹ hạ nhiệt làm tăng kỳ vọng Fed sẽ dừng tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa với sắc xanh tràn ngập.

VN-Index có thời điểm tiến tới sát mốc 1.130 điểm với số mã tăng gấp hơn 2 lần số mã giảm. Tuy nhiên, khi chưa kịp chạm được ngưỡng điểm này, áp lực chốt lời đã diễn ra ở nhiều mã bất động sản tăng mạnh thời gian qua, khiến hàng loạt mã đảo chiều, trong đó có NVL, PDR, LDG…, đặc biệt là QCG chấm dứt chuỗi 14 phiên tăng trần liên tiếp (tính cả mức trần đạt được đầu phiên sáng nay), bằng phiên giảm kịch sàn, khiến VN-Index bị đẩy thẳng xuống dưới tham chiếu trước khi đóng cửa gần như không đổi.

Bước vào phiên giao dịch chiều, sau ít phút đầu chớm đỏ, thị trường đã dần lấy lại sinh khí để đi lên. VN-Index sau đó nới rộng đà tăng và có lúc tưởng chừng sẽ chinh phục lại đỉnh của phiên sáng, thậm chí có thể vượt được ngưỡng 1.130 điểm mà phiên sáng chưa thể thực hiện. Tuy nhiên, khi vừa qua ngưỡng 1.127 điểm, áp lực bán đã xuất hiện chặn đứng đà hồi của thị trường, đẩy VN-Index lùi về tham chiếu trước khi kịp nảy lại một nhịp, lên 1.125 điểm lúc kết thúc đợt khớp lệnh liên tục.

Bất ngờ đã xảy ra trong 15 phút khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) khi lực bán gia tăng mạnh trong nhóm VN30 trước ngày đáo hạn phái sinh (15/6) và lan rộng trên bảng điện tử khiến nhiều mã quay đầu hoặc nới rộng đà giảm. “Cú đánh úp” này đã hạ gục hoàn toàn thị trường, đẩy VN-Index lao thẳng đứng xuống mức thấp nhất ngày khi đóng cửa. Xem ra ngưỡng cản ở đường MA20 (1.124) trên đồ thị tuần đang là ngưỡng cản mạnh trong đợt tăng này của thị trường.

Chốt phiên, VN-Index giảm 5,04 điểm (-0,45%), xuống 1.117,42 điểm với 126 mã tăng, trong khi có tới 280 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 928,6 triệu đơn vị, giá trị 17.130,7 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ đôi chút so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 82,6 triệu đơn vị, giá trị 1.974,9 tỷ đồng.

Diễn biến của VN-Index hôm nay theo diễn biến của nhóm VN30, trong đó nhóm này dù sắc xanh và đỏ không quá chênh lệch (11 mã tăng, 17 mã giảm và 2 mã đứng giá là PLX và TPB), nhưng biên độ giảm của các mã giảm mạnh hơn nhiều so với các mã tăng. Cụ thể, 2 mã tăng mạnh nhất là CTG và VPB chỉ tăng lần lượt 1,4% lên 28.700 đồng và 1,3% lên 19.750 đồng, trong khi ở chiều ngược lại có 7 mã giảm trên 1%, trong đó mã giảm mạnh nhất là PDR mất 4,2% xuống 16.950đồng. Có 3 mã giảm hơn 2% là GVR giảm 2,7% xuống 17.900 đồng, NVL giảm 2,6% xuống 15.200 đồng và MWG giảm 2,2 xuống 42.050 đồng. Ba mã còn lại giảm trên 1% là STB, HPG và MSN. Kết quả, VN30-Index giảm 4,79 điểm (-0,43%), xuống mức thấp nhất ngày 1.110,6 điểm.

Về diễn biến chung của thị trường, trong nhóm bất động sản, ngoài QCG còn có thêm EVG, TLD và VRC cũng bị đẩy xuống mức kịch sàn khi đóng cửa chiều nay và đều còn dư bán sàn. Trong đó, QCG còn dư bán sàn lớn nhất, tới hơn 2,2 triệu đơn vị, khớp 2,82 triệu đơn vị.

Một mã khác cũng có dư bán sàn (3.130 đồng) lớn là DLG với 1,88 triệu đơn vị, khớp 11,31 triệu đơn vị.

Trong nhóm bất động sản, chỉ còn chưa tới 10 mã giữ được sắc xanh, trong đó tăng mạnh nhất là NLG cũng chỉ tăng hơn 1,6% lên 34.050 đồng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngoại trừ các mã đã đề cấp là QCG, EVG, VRC, TLD, NVL, PDR, LDG, còn có nhiều mã khác giảm khá mạnh như DRH (-4,9%), ITC (-5,8%), TDH (-4,1%), 6 mã giảm từ hơn 3% đến gần 4%; 15 mã giảm từ hơn 2% đến gần 3%.

Trong đó, NVL vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và thứ 2 thị trường sau SHB với 38,8 triệu đơn vị. Tiếp đến là PDR khớp 17,16 triệu đơn vị, DIG khớp 15,13 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,1% xuống 20.500 đồng…

Nhóm ngân hàng, ngoài CTG và VPB, thì SHB là mã có giao dịch tích cực nhất cả điểm số và thanh khoản với mức tăng 2,5% lên 12.550 đồng, khớp 49 triệu đơn vị. Thanh khoản tốt tiếp theo của nhóm là VPB với 25,39 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán chỉ còn 2 mã đầu ngành còn giữ được sắc xanh le lói là VND tăng 0,3% lên 18.700 đồng, khớp 38,88 triệu đơn vị và SSI tăng 0,2% lên 25.400 đồng, khớp 25,25 triệu đơn vị.

Nhóm thép cũng tương tự, chỉ còn HMC, TNA và VCA có sắc xanh nhạt, cùng DTL đứng tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, HPG giảm 1,3% xuống 23.100 đồng, khớp 23,48 triệu đơn vị, HSG giảm 2,3% xuống 16.800 đồng, khớp 14,69 triệu đơn vị, NKG giảm 2% xuống 17.100 đồng, khớp 8,97 triệu đơn vị.

Sàn HNX cũng bị đẩy mạnh xuống trong nửa cuối phiên, trong đó HNX30 cũng bị đẩy xuống mức thấp nhất ngày, nhưng HNX nhờ có sự hỗ trợ KSF nên thoát mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,33 điểm (-0,58%), xuống 228,91 điểm với 67 mã tăng và 125 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 127,3 triệu đơn vị, giá trị 2.018,9 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 1% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10 triệu đơn vị, giá trị 243,6 tỷ đồng.

Trong các mã thanh khoản tốt nhất trên HNX, chỉ còn MBS giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng 0,5% lên 18.600 đồng, khớp 7,24 triệu đơn vị, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 24,78 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,5% xuống 13.300 đồng. PVS vượt qua MBS trở thành mã có thanh khoản tốt thứ 2 với 7,62 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,3% xuống 30.500 đồng. CEO cũng giảm 1,6% xuống 25.200 đồng, khớp 5,23 triệu đơn vị. Các mã khác như AMV, HUT, IDC, LIG, NRC đều giảm.

UPCoM lại giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phiên chiều nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi phiên giảm điểm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,22%), xuống 84,82 điểm với 147 mã tăng, 158 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 84,8 triệu đơn vị, giá trị 900,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,8 triệu đơn vị, giá trị 137 tỷ đồng.

VHG vẫn giữ được vị trí số 1 về thanh khoản hôm nay, vượt qua BSR với 9,75 triệu đơn vị so với 8,35 triệu đơn vị và cả 2 cùng đứng tham chiếu khi đóng cửa ở mức giá 3.700 đồng và 17.200 đồng.

LMH khi đó lại hạ nhiệt khá nhiều so với phiên sáng khi đóng cửa chỉ còn tăng 2,3% lên 4.500 đồng, khớp 4,38 triệu đơn vị. SBS khớp gần 3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,6% xuống 7.600 đồng. Ba mã nữa có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là ABB, KVC và QTP với 3 sắc màu khác nhau khi đóng cửa (vàng, đỏ, xanh).

Trên thị trường phái sinh, ngày mai (15/6) là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 6, nhưng ngay hôm nay đã chứng kiến phiên đánh úp cuối phiên khá bất ngờ, nên hợp đồng tháng 6 cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, chênh lệch với mức cao nhất ngày 11,6 điểm. Cụ thể, VN30F2306 đóng cửa giảm 3,4 điểm (-0,3%), xuống 1.112, 1 điểm với 184.853 hợp đồng được giao dịch, giá trị 20.670 tỷ đồng. Khối lượng mở 38.084 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, nhưng về thanh khoản chỉ có 3 mã có thanh khoản tính bằng triệu đơn vị là CVNM2212 do HSC phát hành (2,14 triệu), đóng cửa ở tham chiếu 210 đồng; CVHM2216 do SSI phát hành (1,9 triệu), đóng cửa tăng 9,1% lên 240 đồng; và CMWG2302 do ACBS phát hành (1,38 triệu), đóng cửa giảm 9,1% xuống 300 đồng.

T.Lê

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phien-giao-dich-chung-khoan-chieu-146-danh-up-cuoi-phien-post323834.html