Phiên họp lần 3 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
BHG - Sáng 8.8, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) tổ chức phiên họp lần 3, đánh giá kết quả 6 tháng năm 2022, xác định những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong triển khai. Các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị. Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự có các đồng chí trong Ban chỉ đạo, Ban điều hành chuyển đổi số của tỉnh.
Thực hiện các mục tiêu CĐS quốc gia năm 2022, có 3 chỉ tiêu đã đạt và vượt, 9 chỉ tiêu chưa đạt cần tiếp tục nỗ lực trong 6 tháng cuối năm. Các nhiệm vụ thực hiện mục tiêu về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn, an ninh mạng, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số… tiếp tục được triển khai tích cực. Tính đến tháng 6, đã có 7/63 địa phương đã lựa chọn ngày CĐS địa phương; có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 62/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án CĐS giai đoạn 5 năm; 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 53/63 địa phương ban hành kế hoạch năm 2022. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79 Mbps, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29 Mbps, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. 47/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 40.590 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200.000 thành viên. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, đã kết nối đến 100% huyện, trên 97% xã trên toàn quốc. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính 10,41%, tỷ trọng này năm 2021 là 9,6%; 23/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12.2021. Có thêm 3.378.742 hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ lên hoạt động các sàn thương mại điện tử Việt Nam Postmart và Vỏ sò…
Thảo luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành địa phương đã đánh giá, chỉ rõ những vấn đề cần quan tâm, thực hiện trọng tâm trọng điểm trong chuyển đổi số và đề xuất giải pháp thực hiện các mục tiêu đặt ra trong chuyển đổi số quốc gia, địa phương. Một số khó khăn thực hiện CĐS được chỉ ra như: Thiếu hụt nguồn nhân lực; công tác thống kê, phân tích giám sát dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước; kinh phí duy trì, vận hành, quản lý hệ thống thông tin; thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra…
Tại tỉnh ta, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18 về CĐS trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban chỉ đạo CĐS 3 cấp tỉnh, huyện, xã; thành lập 7 tổ công tác về CĐS; 100% các thôn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, với 12.131 thành viên tham gia; lấy ngày 28/8 hàng năm là ngày CĐS; mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước với 236 điểm (43/43 điểm là các sở, ban, ngành, huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố; 193/193 xã, phường, thị trấn). Tái cấu trúc quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến với trên 1.949 dịch vụ công trực tuyến (153 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 1.560 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Triển khai 63.792 tài khoản trên sàn thương mại điện tử, tổ chức tập huấn cho 41.000 hộ sản xuất, kinh doanh. Hoàn thành phủ sóng di động thêm 69 thôn trắng sóng. Đã có 61.396 thuê bao internet cung cấp cho hộ gia đình, đạt 33,3%.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định CĐS quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Thủ tướng ghi nhận đánh giá cao kết quả, sự chuyển biến CĐS của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời hệ thống lại và chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc thời gian qua.
Thủ tướng nhấn mạnh: Tiến trình CĐS trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hạ tầng số đáp ứng nhiệp vụ CĐS. Tiếp tục cải thiện dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. Tập trung phát triển nguồn nhân lực cho CĐS, vừa nâng cao số lượng, chất lượng cán bộ thực hiện vừa xây dựng công dân số. Quyết tâm cần cao hơn, mạnh mẽ hơn, để có những chuyển biến tích cực hơn, đột phá hơn.
Thủ tướng đề nghị cần liên tục đổi mới, có tư duy đột phá, kỷ luật và tính sáng tạo của mỗi cá nhân, cơ quan, địa phương, để người dân sử dụng các tiện ích xã hội nhanh hơn, thuận tiện hơn. Huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho CĐS, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại. CĐS từng bước, nhưng phải nhanh, từ thấp lên cao, đáp ứng yêu cầu từng thời kỳ; không cầu toàn, không nóng vội, nói đi đôi với làm; không đánh trống bỏ dùi, không hình thức, không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng người sử dụng ít; nền tảng nhiều, cơ sở dữ liệu lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông ít, không thể khai thác được; đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, hướng dẫn thực hiện. Có sản phẩm để định lượng, đánh giá.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dành thời gian công sức, bố trí nguồn lực cho CĐS; tạo thành phong trào trong mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân… tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, để người dân được thụ hưởng tối đa dịch vụ số thiết yếu…
Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021). Theo đó, Bộ Tài chính dẫn đầu các bộ, ngành T.Ư về chỉ số DTI 2021; Đà Nẵng dẫn đầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chỉ số DTI 2021 và là địa phương 2 năm liên tiếp dẫn đầu các tỉnh, thành phố; Hà Giang xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố.