Phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19
BHG-Chiều 3.6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức phiên họp thứ 20 theo hình thức trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp tại điểm cầu T.Ư có lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; thành viên BCĐ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 85.493 ca nhiễm covid-19, trung bình mỗi tháng có 17.000 ca mắc, trong đó có 23 ca tử vong. Theo số liệu báo cáo, các địa phương đã tiêm 266,3 triệu liều vắc xin; tỷ lệ tử vong những tháng đầu năm 2023 giảm mạnh xuống còn 0,02%. Ngày 5.5.2023, tổ chức Y tế thế giới đã công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc. Trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật, tham khảo kinh nghiệm các nước, cũng như rà soát các biện pháp thực tiễn phòng, chống dịch của Việt Nam, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ điều chỉnh bệnh Covid từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Tại tỉnh Hà Giang, từ 1.1.2023 đến ngày 16.5.2023, toàn tỉnh ghi nhận 904 ca mắc Covid-19, trung bình 6,6 ca/ngày. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm chiếm 0,068%. Ngành Y tế đã thực hiện tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng dịch Covid-19 cho 487.761 người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ 100,6%; tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ 77,8%. Đối tượng từ 12 - 17 tuổi thực hiện tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ 103%. Đối tượng từ 5 - 11 tuổi thực hiện tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ 91,6%.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế về điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu công bố hết dịch theo quy định của pháp luật và điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Tiếp tục tăng cường năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở để phòng bệnh từ sớm, từ xa. Chú trọng ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là những trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch covid-19. Xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng công tác phòng, chống dịch để trục lợi cá nhân.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm 7 khuyến nghị ứng phó với dịch Covid-19 của WHO, không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi diễn biến dịch có thay đổi. Thực hiện tốt việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt cho nhóm người có nguy cơ cao; giám sát chặt chẽ sự xuất hiện của các biến thể mới. Chuẩn bị sẵn sàng vắc xin, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài. Tiếp tục truyền thông, huy động sự tham gia của cộng đồng trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19. Rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt, nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội dựa trên tình hình dịch bệnh. Giải quyết chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang, cán bộ y tế, lực lượng tham gia phòng chống dịch ở cơ sở đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng...