Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề
Ngày 21/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với 2 nhóm vấn đề. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; các ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Đồng chí nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phiên chất vấn diễn ra trong thời gian 1,5 ngày, các ĐBQH sẽ chất vấn 2 nhóm vấn đề, thứ nhất liên quan đến lĩnh vực: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch; nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực: tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.
Tại phiên họp, các đại biểu nghe báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, báo cáo ý kiến của Ban Dân nguyện về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất. Theo đó các ĐBQH chất vấn về chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và giải pháp trong công tác quy hoạch và xây dựng quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp; giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật...
Trong đó đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về khó khăn và giải pháp đột phá của bộ trong việc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch, để xác định rõ vị trí của ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương như đặt ra tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và gần đây xuất hiện nhiều trên không gian mạng. Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết các giải pháp, chế tài xử phạt để đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa và lộ trình thực hiện.
Các câu hỏi chất vấn đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời, làm rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai. Theo đó, các ĐBQH chất vấn tình hình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong thời gian qua; giải pháp khắc phục tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật; tháo gỡ khó khăn trong công tác giám định tư pháp; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng…
Trong đó đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính về giải pháp căn cơ để giúp các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Các câu hỏi chất vấn đã được Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trả lời, làm rõ.
Ngày22/8, phiên họp tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai; Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH.