Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Kịp thời xử lý phát sinh trong giải quyết khiếu nại tố cáo

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 26/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan trong việc nỗ lực tổ chức tiếp công dân với những đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Về ưu điểm trong việc chấp hành pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ nhận định, người đứng đầu các cấp, các ngành thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định. Tuy nhiên, số liệu trong Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tình trạng thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều. Đồng thời, do còn thiếu số liệu của nhiều địa phương nên chưa có đầy đủ cơ sở so sánh với năm 2023 để chứng minh thuyết phục, đầy đủ cho nhận định, đánh giá nêu trên.

Liên quan công tác tiếp công dân của các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, số lượng công dân trực tiếp đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tố cáo về hành chính không nhiều và đều không có đoàn đông người. Tại Kiểm toán Nhà nước không ghi nhận trường hợp nào công dân đến khiếu nại tố cáo, kiến nghị. Đối với Tòa án nhân dân, mặc dù số lượng tiếp công dân không nhiều, song so với năm 2023 lại tăng đáng kể (tăng 33,8% về lượt người và 50,2% về vụ việc).

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Báo cáo cũng cho thấy, về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, số đơn có đủ điều kiện xử lý năm 2024 ở bộ, ngành là 52,1%, ở Thanh tra Chính phủ là 34,4%, ở 45/63 địa phương là 85,1%. Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số đơn không đủ điều kiện xử lý ở các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là ở Thanh tra Chính phủ có tỷ lệ cao hơn nhiều so với ở địa phương, để có giải pháp xử lý, khắc phục phù hợp.

Đối với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Kiểm toán Nhà nước, do đặc thù nên số đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tố cáo về hành chính thuộc trách nhiệm xử lý không nhiều. Số đơn đủ điều kiện xử lý của Viện Kiểm sát nhân dân là 80,4%, của Tòa án nhân dân là 46% và của Kiểm toán Nhà nước là 6%.

Bên cạnh đó, năm 2024, cơ quan hành chính nhà nước các cấp giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền đạt tỷ lệ 80,2%, chưa đạt mục tiêu 85% mà Chính phủ đề ra trong Báo cáo năm 2023; đặc biệt, ở các địa phương tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 76,8%. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, các cơ quan cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đáp ứng mục tiêu “giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở”.

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay ở các địa phương mới tổng hợp được số liệu của 45/63 địa phương và đều thấp hơn 12 tháng năm 2023 nên chưa có đủ cơ sở để so sánh, đánh giá. Do chưa có số liệu tổng hợp đầy đủ nên chưa thể có “bức tranh” toàn cảnh về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chấn chỉnh các địa phương gửi đúng, đủ các báo cáo, bảo đảm tổng hợp đủ số liệu của 63 địa phương trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới đây. Đồng thời, Báo cáo cần chỉ rõ những bộ, ngành, địa phương nào thực hiện tốt công tác tiếp công dân và bộ, ngành, địa phương nào có người đứng đầu ít tiếp công dân.

Theo các số liệu trong Báo cáo, tỷ lệ khiếu nại đúng chiếm 18%, tố cáo đúng chiếm 37,4%. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, điều này cho thấy công tác xử lý hành chính, công tác của các cơ quan bị người dân khiếu nại có phần chưa tốt, cần nâng cao chất lượng hoạt động. Ngoài ra, để khắc phục vấn đề đơn trùng lặp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị giải quyết bằng phương pháp xây dựng phần mềm thống nhất trong cả nước, từ đó lọc rõ để biết tình trạng cụ thể về số đơn chưa giải quyết, đang giải quyết và đã giải quyết.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/phien-hop-thu-37-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-kip-thoi-xu-ly-phat-sinh-trong-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-20240926143257647.htm