Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Ngày 17/11, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 theo hình thức trực tuyến để thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021 và đề xuất mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.
Tại Phiên họp, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, các đại biểu tập trung thảo luận về việc phát triển đối tượng tham gia; công tác tổ chức thu, chi trả chế độ; hoạt động đầu tư quỹ; tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật…
Theo đó, chỉ tiêu phát triển đối tượng giai đoạn 2022 - 2024 được dự báo theo kịch bản đại dịch COVID-19 sẽ cơ bản được kiểm soát vào cuối năm 2021. Cùng với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được Chính phủ xây dựng với các giải pháp tổng thể, trong đó có giải pháp khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động, căn cứ chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW, dự kiến: Phấn đấu đến năm 2024 số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 42,7%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 33,4%; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1%.
Các đại biểu cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về bảo hiểm xã hội và có ý thức chủ động tham gia bảo hiểm xã hội; đổi mới cách thức tuyên truyền, đảm bảo toàn diện cả về nội dung, hình thức, phương pháp, tập trung trực tiếp vào các nhóm đối tượng.
Đồng thời, ngành bảo hiểm cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trên cổng dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tập trung cho các nền tảng giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, duy trì, thay thế, nâng cấp, mở rộng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hiện có để vận hành liên tục và ổn định, chuẩn hóa theo công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.
Ngoài ra, nhiều ý kiến chỉ rõ, cần thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại nguồn nhân lực ngành bảo hiểm theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giám định chi trả bảo hiểm y tế; tăng cường hiệu quả đầu tư quỹ theo nguyên tắc bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.