Phiên làm việc buổi chiều ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII: Giải trình các vấn đề cử tri quan tâm

Chiều nay 8/12, dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang và các phó chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Nhiều vấn đề quan trọng thu hút sự quan tâm của đại biểu như: Công tác quản lý, giải ngân nguồn vốn ODA, phương án cấp nước sạch cho vùng nông thôn, miền núi, thực hiện kế hoạch biên chế công chức, viên chức của các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, việc sắp xếp cán bộ dôi dư của các xã sau sáp nhập…

* Khai mạc Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII

** Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII: Đại biểu thảo luận các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nội dung quan trọng khác

*** Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII: Nhóm vấn đề kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách, đầu tư công được quan tâm chất vấn

 Tiến độ thực hiện nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh chậm là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm chất vấn - Ảnh: T.T

Tiến độ thực hiện nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh chậm là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm chất vấn - Ảnh: T.T

 Đại biểu Đào Mạnh Hùng chất vấn về bố trí ngân sách hỗ trợ cho các hội, đoàn thể - Ảnh: T.T

Đại biểu Đào Mạnh Hùng chất vấn về bố trí ngân sách hỗ trợ cho các hội, đoàn thể - Ảnh: T.T

Mở đầu phiên làm việc, sau khi Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung trình bày về những khó khăn, bất cập trong công tác giải ngân nguồn vốn ODA, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đề nghị làm rõ nội dung liên quan, cho rằng cách thức quản lý vốn ODA hiện nay bất cập cả về quản lý và cách thức triển khai thực hiện. Đề nghị cần tính toán, đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước phù hợp; rà soát khả năng nguồn lực tài chính để xác định thứ tự ưu tiên các đề án, tránh tình trạng ban hành đề án mà không có nguồn lực thực hiện.

Các đại biểu cũng chất vấn và giải trình chất vấn, làm rõ các vấn đề liên quan dự án vỉa hè đường Hùng Vương (đoạn từ đường Ngô Quyền đến đường Điện Biên Phủ), thành phố Đông Hà.

Nhiều đại biểu đề nghị, trong điều kiện dịch COVID - 19 có những diễn biến khó lường, đề nghị UBND tỉnh và ngành giáo dục và đào tạo tập trung rà soát đánh giá để có giải pháp căn cơ, đảm bảo chất lượng công tác dạy học trực tuyến, đảm bảo an toàn trong dạy học trực tiếp. Cần quan tâm bố trí ngân sách, nâng mức hỗ trợ cho hoạt động của các chi bộ thôn, các chi hội mặt trận, đoàn thể thôn.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung giải trình, đối với nguồn vốn ODA, khâu nhận diện và lập đề xuất dự án yêu cầu khắt khe, trong khi không chắc chắn dự án có được phê duyệt hay không. Các dự án thường giá trị lớn, trong khi không có kinh phí để chuẩn bị thực hiện đầu tư, do đó các cơ quan lập đề xuất dự án gặp nhiều khó khăn.

Giải trình về việc 5 dự án du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Linh chậm tiến độ triển khai thực hiện, nguyên nhân là các doanh nghiệp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện ký quỹ đầu tư, chưa nộp tiền thuê đất, chưa thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường…

Dự án đường hai đầu cầu An Mô, để triển khai dứt điểm cần bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng, sở đề xuất sử dụng nguồn vượt thu của năm 2021 để hoàn thành dự án.

Đối với dự án đường Trừ Lấu kết nối huyện Triệu Phong - Cam Lộ, dự kiến hoàn thành tuyến đường trong năm nay.

Về cơ sở xây dựng hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, căn cứ vào 4 yếu tố tác động đến tình hình kinh tế xã hội là diễn biến COVID -19, kết quả công tác khắc phục hậu quả thiên tai, tình hình triển khai các dự án động lực và tác động từ các chính sách vĩ mô để phục hồi kinh tế của Chính phủ, sở đã xây dựng 3 kịch bản tương ứng từ thấp đến cao trình UBND tỉnh. Trong đó lựa chọn kịch bản trung bình với mức tăng trưởng đề ra từ 6,5-7% là phù hợp với tình hình của tỉnh.

Đại diện các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính, Nội vụ cũng đã làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm như khả năng thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng của các ngành nông nghiệp, công thương; phương án thực hiện dự án nước sạch cho vùng nông thôn, miền núi; công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; đề án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi năm 2022; công tác xây dựng chính quyền và việc thực hiện kế hoạch biên chế công chức, viên chức của các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, việc sắp xếp cán bộ dôi dư của các xã sau sáp nhập….

Đối với dự án cấp nước sạch cho các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, đề nghị các cơ quan đơn vị được giao quản lý nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Đối với việc cấp nước nông thôn cho các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với các bộ ngành, lấy ý kiến lần 3 của các bộ, ngành, chuẩn bị dự án. Khó khăn là sử dụng nguồn vốn ODA nên sẽ mất nhiều thời gian, nhanh nhất là từ 2024 - 2029 mới triển khai thực hiện.

Về công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, khó khăn hiện nay là đối với nhiều sản phẩm, sản lượng chưa đủ cung ứng, chất lượng không đồng đều. Sắp tới Sở Công thương sẽ hỗ trợ người sản xuất về khâu nhãn mác, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương…

Ngày mai 9/12, HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận về báo cáo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh; báo cáo công tác của các ngành và tiến hành bế mạc Kỳ họp.

Báo Quảng Trị Online tiếp tục thông tin đến bạn đọc

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=163195&title=phien-lam-viec-buoi-chieu-ngay-lam-viec-thu-2-ky-hop-thu-6-hdnd-tinh-khoa-viii-giai-trinh-tung-van-de-trong-tam